Cải thiện động lực tăng trưởng, phục hồi kinh tế

(ĐTTCO)-Để phục hồi kinh tế, bên cạnh các nhóm giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát tình hình dịch Covid-19, trong trung và dài hạn Việt Nam cần cải thiện động lực tăng trưởng để từng bước phục hồi và phát triển kinh tế. Trong đó 2 trọng tâm cơ bản là cải thiện chất lượng thể chế nội tại và tận dụng tốt cơ hội từ bên ngoài.
Cải thiện động lực tăng trưởng, phục hồi kinh tế ảnh 1
Hỗ trợ DN thực chất và có chọn lọc
Trước khi nói đến phục hồi kinh tế, vấn đề đặt ra đầu tiên lúc này với Việt Nam là phải kiểm soát tốt được dịch Covid-19. Bên cạnh các nhóm giải pháp trước mắt Chính phủ đang thực hiện và điều chỉnh cho phù hợp, cần học hỏi thêm các giải pháp chống dịch của các nước trên thế giới.
Một điều rất đáng chú ý Trung Quốc là nơi khởi phát dịch Covid-19, đến nay lại là quốc gia được cho kiểm soát khá tốt dịch Covid-19. Điều này hàm ý chúng ta nên chăng tham khảo phương pháp và kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh của họ để có thể áp dụng cho tình hình trong nước hiện nay.
Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) lúc này đang là nhiệm vụ hàng đầu, là câu chuyện không mới nhưng cũng còn khá nhiều vướng mắc. Qua các đợt bùng phát dịch Covid-19 từ năm ngoái đến nay, các DN trong nước bị tác động hết sức nặng nề, khi số DN phá sản, ngừng hoạt động, rút lui khỏi thị trường tăng cao; chuỗi cung ứng nguy cơ đứt gẫy; người lao động không có việc làm… Những vấn đề này đã quá rõ ràng. 
Nhưng ở góc độ khác đây được xem là tác động có tính sàng lọc DN, thay đổi cách thức vận hành cũng như cấu trúc của nền kinh tế. Chúng ta cần nhìn vào đây để thấy rõ điều đó, xem như động lực để thay đổi theo hướng mới có lợi. Những DN yếu kém đã tự bị đào thải, đó là quy luật của thị trường. 
Ở các nước phương Tây, lịch sử cho thấy cứ mỗi lần khủng hoảng các DN đóng cửa hàng loạt. Sau mỗi lần như vậy, tốc độ phục hồi kinh tế thường diễn ra rất nhanh, những DN còn tồn tại cũng phát triển nhanh chóng. Vì vậy, hỗ trợ DN cần căn cứ vào quy luật tất yếu này của thị trường. Những DN có khả năng phát triển, tồn tại được trong dịch Covid-19 là DN khỏe mạnh thực sự. 
Do đó, trong chính sách trợ giúp họ Chính phủ không nên cào bằng mà cần có sự lựa chọn. Bởi lẽ những DN đã bị sàng lọc, đào thải không có khả năng phục hồi, dù có hỗ trợ cũng không có hiệu quả, trong khi nguồn lực của Nhà nước hạn chế, không thể ôm đồm tất cả. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên theo hướng hỗ trợ DN có khả năng tồn tại và bứt phá, tránh chính sách đồng đều.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế số
Hỗ trợ DN thực chất và có chọn lọc, đẩy mạnh phát triển kinh tế số, cải thiện thể chể và xây dựng khu thương mại tự do, là những động lực giúp tăng trưởng, phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
Động lực tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn của Việt Nam bao gồm cả kinh tế số. Trong những năm qua, Chính phủ đã có chủ trương về mục tiêu này. Dịch Covid-19 như chất xúc tác để kinh tế số phát triển mạnh mẽ hơn, và đây cũng là xu hướng tất yếu lâu dài của Việt Nam và cả thế giới. Thực tế, muốn phát triển kinh tế số chúng ta cần phải mạnh, trong đó 2 khâu tiên quyết là con người (chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo tốt) và cơ sở hạ tầng về khoa học công  nghệ. 
Hiện đã có nhiều DN trong nước đi sâu vào chuyển đổi số, từng bước đưa DN vận hành theo kinh tế số, đây là tín hiệu rất đáng mừng. Nhưng thực tế có rất ít DN Việt Nam làm được điều này vì phần lớn vẫn là DNNVV, nên đây cũng là trở ngại chúng ta phải đối mặt.  Điều này đòi hỏi Chính phủ phải hỗ trợ mạnh mẽ hơn DN nhóm nhỏ và vừa, trong đó trọng tâm là những DN hoạt động trong những lĩnh vực tiên phong, mũi nhọn, có lợi thế cạnh tranh và khả năng phát triển.
Lâu nay, chúng ta nói nhiều đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), xem đây như là khâu trung gian cho chuyển giao công nghệ. Điều này không sai, nhưng hiện nay vẫn bị những điểm nghẽn. 
Số liệu công bố của Bộ KH-ĐT vừa qua cho thấy, dù dịch Covid-19 tái bùng phát nhưng số lượng vốn và dự án FDI vào Việt Nam vẫn tăng, tuy nhiên chất lượng và đối tượng FDI hầu như rất ít được cải thiện. Tỷ trọng vốn FDI thực sự có chất lượng hay nhóm nhà đầu tư đến từ Mỹ và EU còn rất khiêm tốn, thường có quy mô lớn và hướng vào các lĩnh vực công nghệ cao. Nếu đầu tư nhỏ lẻ họ thường chọn các nước gần mình. 
Vì vậy, việc cần làm ngay lúc này là sớm đưa ra được danh mục dự án thu hút đầu tư phù hợp. Có dự án tốt, nhà đầu tư sẽ mặn mà hơn với thị trường Việt Nam. Nhưng dự án tốt chưa đủ, chúng ta cần phải có thể chế chính sách phù hợp.
Kinh tế số là động lực cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế, trong đó trọng tâm là khoa học công nghệ. Chúng ta có thu hút được công nghệ cao hay không phụ thuộc rất nhiều vào chính sách. 
Tôi xin dẫn thí dụ: Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng mời cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu làm tư vấn về chính sách phát triển kinh tế. Tôi cũng đã từng hỏi ông Lý Quang Diệu rằng chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư FDI của Singapore thực hiện như thế nào, ông ta trả lời Chính phủ Singapore chỉ ưu đãi nhà đầu tư đến từ Âu - Mỹ, không ưu đãi nhà đầu tư châu Á. Bởi lẽ, nhà đầu tư Âu - Mỹ mới là dòng vốn chất lượng, không chỉ đầu tư vốn họ còn đem theo công nghệ và cả cách thức vận hành, cũng như là tác nhân cho cải thiện môi trường đầu tư. Đây cũng là một hàm ý cho Việt Nam hiện nay.
Cải thiện động lực tăng trưởng, phục hồi kinh tế ảnh 2
Nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu quan trọng để phát triển kinh tế số ở Việt Nam.
Cải thiện thể chể, xây dựng khu thương mại tự do
Muốn tận dụng được lợi thế từ những dòng vốn đầu tư chất lượng và công nghệ cao từ Âu - Mỹ, đòi hỏi Việt Nam cần xây dựng được những vùng kinh tế đặc biệt. Chính sách đầu tư phải tiệm cận với chính sách, thông lệ quốc tế của Âu - Mỹ, trong đó rất cần thể chế công khai, minh bạch. 
Cách đây gần 30 năm, tôi được giao nhiệm vụ dẫn một nhà đầu tư Mỹ sang Việt Nam khảo sát đầu tư xây dựng dự án nhà máy sản xuất đầu lọc thuốc lá. Sau khi khảo sát vài địa phương, trở về nhà đầu tư này cho biết không thể đầu tư. Họ giải thích đối với các chi phí phát sinh Mỹ chỉ cho phép ngưỡng tối đa 10% trong tổng số dự án đầu tư, nhưng Việt Nam chi phí “ngoài luồng” lớn hơn nhiều, luật pháp của họ không cho phép điều này. 
Tất nhiên, sau 30 năm môi trường đầu tư của Việt Nam hiện nay đã được cải thiện rất nhiều. Nhưng điều này vẫn chưa đủ khi chúng ta đã xác định cải cách thể chế chính là động lực quan trọng cho tăng trưởng. Cải cách thể chế kinh tế trong thời gian tới, bao gồm cân nhắc về ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế, về cải cách thể chế kinh tế trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế, về vai trò của Nhà nước và không gian kinh tế cho khu vực kinh tế tư nhân, thời điểm tiến hành cải cách cũng được nhìn nhận thấu đáo trong giai đoạn phục hồi tăng trưởng kinh tế sau dịch Covid-19. 
Để xây dựng những cơ chế chính sách có tính cải cách đột phá, rất cần những sandbox. Đã đến lúc chúng ta cần xây dựng thí điểm những vùng kinh tế đặc biệt và áp dụng những cơ chế đặc biệt, với tên gọi “khu thương mại tự do” chẳng hạn. 
Ở nhiệm kỳ trước, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị cho thí điểm Vũng Tàu nghiên cứu thành lập xây dựng khu thương mại tự do tại Cái Mép - Thị Vải với những cơ chế mở. Đây có thể là mô hình thời gian tới cần nghiên cứu hoàn thiện và mở rộng thêm, bởi đây có thể xem là điểm đột phá cho mô hình tăng trưởng kinh tế mới.

Các tin khác