Theo báo cáo nghiên cứu "Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu" vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố, nhập siêu kéo dài trong nhiều năm qua ở Việt Nam được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô, làm sâu thêm vòng xoáy tỷ giá - lạm phát - tỷ giá, và đẩy nền kinh tế vào trạng thái dễ bị tổn thương với các cú sốc bên ngoài.
Cú sốc “danh nghĩa”: tác động không lớn
Theo TS. Tô Trung Thành, chuyên gia tư vấn cho Dự án Nâng cao năng lực điều hành và giám sát kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, mặc dù nhập siêu đã có dấu hiệu giảm xuống từ năm 2011 nhưng thâm hụt thương mại vẫn đứng ở mức cao, và xu hướng giảm bền vững còn nhiều thách thức.
Phân tích cụ thể về nguyên nhân dẫn đến biến động cán cân thương mại cho thấy rõ điều này. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở Việt Nam độ lớn tác động cũng như vai trò quan trọng của những cú sốc “danh nghĩa” (thí dụ chính sách tỷ giá) đến cán cân thương mại hầu như không đáng kể.
Không như kỳ vọng, tính gộp sau 1 năm điều chỉnh tăng 1% tỷ giá danh nghĩa lại khiến giá trị nhập khẩu ước tăng 0,06%, giá trị xuất khẩu ước giảm 0,15%. Theo đó cán cân thương mại không được cải thiện, thậm chí theo chiều hướng tăng nhập siêu.
“Điều này phản ánh ảnh hưởng giá hàng nhập khẩu dần lấn át ảnh hưởng sản lượng và sự thiếu vắng các ngành công nghiệp phụ trợ, đặc biệt cho khu vực xuất khẩu” - TS. Thành nhận định.
Trong khi đó, độ lớn tác động của các cú sốc “thực”, “cấu trúc” đến biến động cán cân thương mại là lớn và kéo dài trong nhiều năm. Cú sốc nước ngoài được tìm thấy là có tác động lớn đến cán cân thương mại, phản ánh độ mở cao của nền kinh tế cũng như tính dễ tổn thương của thương mại quốc tế.
Cú sốc dương cung và cầu trong nước đều có tác động làm cán cân thương mại xấu đi, phản ánh mức độ hấp thụ hàng nhập khẩu rất lớn của nền kinh tế mà không được chuyển hóa đáng kể vào nâng cao năng lực sản xuất trong nước cũng như năng lực gia tăng giá trị xuất khẩu.
Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cũng cho thấy 70% biến động phương sai của cán cân thương mại Việt Nam được giải thích bởi các cú sốc thực này, đồng nghĩa với nhận định gốc rễ của nhập siêu là xuất phát từ các yếu tố liên quan đến cơ cấu nền kinh tế, và được chia thành 2 biểu hiện rõ nét là năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam bị tụt hậu quá xa so với các nước trong khu vực và chênh lệch đầu tư - tiết kiệm nới rộng do mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân cơ bản đằng sau tình trạng nhập siêu kéo dài là chênh lệch đầu tư - tiết kiệm nội địa lớn (tiết kiệm ròng quốc gia mang dấu âm), xuất phát từ mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư, trong khi đầu tư, đặc biệt là đầu tư của khu vực nhà nước có hiệu quả thấp.
Điều kiện cần và đủ
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, để giải quyết được nhập siêu, cần đảm bảo được 2 điều kiện: Điều kiện cần là nâng cao được năng lực cạnh tranh công nghệ quốc gia; điều kiện đủ là chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế.
Nhóm các chính sách cơ bản, với mục đích thúc đẩy bản thân các doanh nghiệp cải tiến và nâng cao hàm lượng công nghệ bao gồm: những chính sách kinh tế vĩ mô tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư dài hạn vào phát triển công nghệ trong sản xuất. Theo đó, quan trọng là phải tạo lập được môi trường kinh tế vĩ mô ổn định (lạm phát, tỷ giá, lãi suất…).
Đối với chính sách thương mại quốc tế, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận những yếu tố đầu vào tại mức giá của thế giới để tăng khả năng tiếp cận với công nghệ mới. Đối với chính sách công nghiệp quốc gia, cần tạo môi trường cạnh tranh thân thiện, dễ dàng và thông thoáng với doanh nghiệp, bởi đây là điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp ứng dụng và sử dụng công nghệ hiệu quả.
Tuy nhiên, điều kiện đủ và là giải pháp cơ bản để giải quyết được vấn đề nhập siêu là phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế. Theo đó cần giảm chênh lệch giữa đầu tư và tiết kiệm quốc gia, và đảm bảo được những cân đối vĩ mô lớn của nền kinh tế.
Khuôn khổ chung trong quá trình này là chuyển sang mô hình tăng trưởng bền vững, nâng cao hiệu quả và tăng trưởng theo chiều sâu, cắt giảm dần tổng tỷ trọng đầu tư của xã hội, đồng thời nâng cao hiệu quả và chống lãng phí trong đầu tư (đặc biệt là đầu tư công).
Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách để tăng cường tỷ lệ tiết kiệm nội địa của nền kinh tế. Một mặt cần thực thi chính sách tài khóa thận trọng để duy trì thâm hụt ngân sách ở mức thấp, mặt khác cần tái cấu trúc mạnh mẽ hệ thống tài chính ngân hàng để không những gia tăng được tỷ lệ tiết kiệm ròng của khu vực hộ gia đình, mà còn kiểm soát có hiệu quả tốc độ gia tăng dư nợ tín dụng phục vụ đầu tư của khu vực doanh nghiệp.