Cần bộ công cụ sàng lọc FDI cấp địa phương

(ĐTTCO) - Để thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt là các dự án FDI chất lượng, các dự án kinh doanh có trách nhiệm, Việt Nam cần có những hướng dẫn chi tiết cùng những công cụ hỗ trợ việc sàng lọc, đánh giá, thẩm định dự án đầu tư ở các địa phương.
Cần bộ công cụ sàng lọc FDI cấp địa phương

Không thể ưu đãi chung chung

Trong thu hút các dự án FDI chất lượng hay các dự án kinh doanh có trách nhiệm, Việt Nam vẫn đang thiếu những hướng dẫn chi tiết hay những công cụ hỗ trợ việc sàng lọc, đánh giá, thẩm định dự án đầu tư ở các địa phương. Do đó, tới đây, Bộ KH-ĐT và các bộ, ngành liên quan cần tập trung xây dựng, hoàn thiện và triển khai bộ công cụ sàng lọc dự án đầu tư trong việc thẩm định dự án FDI tại các địa phương.

Cùng với đó, tích cực tham mưu xây dựng khung khổ pháp lý cho việc thu hút các dự án đầu tư, nhất là các dự án kinh doanh có trách nhiệm.

Theo đó, chúng ta phải lựa chọn dự án, đối tác phù hợp với điều kiện của Việt Nam, không được để xảy ra sai sót trong việc lựa chọn dự án. Đó mới là thúc đẩy nền kinh tế tư nhân phát triển để xây dựng nền công nghiệp phụ trợ, xây dựng lĩnh vực công nghiệp mới, nhằm nâng cao chất lượng và lựa chọn dự án Việt Nam, đón đầu về công nghệ mới.

Bên cạnh đó, cũng cần có quy hoạch về thu hút FDI một cách bài bản dựa trên thực tiễn của Việt Nam. Nghĩa là chúng ta xác định ưu đãi đến đâu, thu hút vốn vào lĩnh vực gì, ngành nào, địa bàn ở đâu... không phải ưu đãi chung chung.

Do đó, chiến lược thu hút FDI từ nay đến năm 2030, cần xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên thu hút các dự án công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước.

Hiện tại, trình độ phát triển giữa các địa phương trong cả nước còn khác nhau, nên cần thu hút FDI cân đối, hợp lý giữa các vùng miền phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước trong giai đoạn tới. Những địa phương có kết cấu hạ tầng tương đối hiện đại và nguồn nhân lực có chất lượng, tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, dự án nghiên cứu phát triển, dịch vụ hiện đại.

Những địa phương điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn vẫn tiếp tục thu hút các dự án FDI vào những ngành thâm dụng lao động, nhưng phải đảm bảo các điều kiện về công nghệ, môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Danh mục các dự án quốc gia gọi vốn FDI sẽ xác định rõ từng loại dự án quy mô lớn theo ngành trên từng địa bàn cụ thể, vừa rõ ràng minh bạch với các nhà đầu tư nước ngoài, vừa tránh được sự cạnh tranh chạy dự án giữa các địa phương, giữa các nhà đầu tư... làm xấu và giảm sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam.

Về đối tác, cần định hướng ưu tiên thu hút các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, khuyến khích chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam. Duy trì sức hút đối với các thị trường và đối tác truyền thống, đồng thời mở rộng hợp tác với các thị trường, đối tác giàu tiềm năng khác như Anh, Ấn Độ…

Thích ứng trước các biến động

Thực tế cho thấy, sau khi Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 được ban hành, Việt Nam đã trở thành điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư nước ngoài. Có 3 lý do chính dẫn đến sự tăng trưởng nhanh và ổn định của dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Thứ nhất, sự ổn định về chính trị - xã hội của đất nước.

Thứ hai, sự nỗ lực của Chính phủ trong việc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế thông qua việc cải tiến thể chế, luật pháp, chính sách, ký kết các hiệp định song phương và đa phương liên quan đến thương mại và đầu tư.

Thứ ba, sự tăng trưởng về quy mô nền kinh tế, đảm bảo khả năng hấp thụ ngày càng tăng lượng vốn FDI. Trong đó phải kể đến sự lớn mạnh cũng như đóng góp của kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước, đã giúp nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam.

Trong năm 2022, những biến động của tình hình thế giới đã tác động đến dòng vốn FDI vào Việt Nam. Điều này sẽ dẫn tới giảm đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp và giảm tiêu dùng trên toàn cầu. Và khi thế giới ngày càng thay đổi, các nước lớn đều phải tính lại chiến lược của riêng mình, trong đó có chiến lược thương mại và đầu tư.

Quốc gia nào cũng phải sản xuất, phải tồn tại, lo an sinh xã hội. Những yếu tố này tác động đến xu hướng chuyển dịch FDI trên toàn cầu gây cản trở dòng vốn FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó Việt Nam nổi lên là một trong những nền kinh tế ổn định, triển vọng, vẫn thu hút số lượng lớn vốn FDI. Việt Nam có môi trường chính trị - xã hội ổn định, thị trường rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào. Nhiều dự án FDI lớn vẫn đổ vào Việt Nam bất chấp dịch Covid-19.

Ngoài ra, đại dịch Covid-19 gây ra nhiều tác hại nhưng cũng tạo cơ hội đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ở mọi lĩnh vực, mọi địa phương. Đây là động lực tạo nên bước nhảy vọt trong tương lai về năng suất lao động, tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút đầu tư có hàm lượng công nghệ cao.

Việc biến nguy cơ thành cơ hội đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng xác định được những “điểm nghẽn” của đất nước hiện nay, tiếp tục tư duy đột phá, táo bạo để theo kịp xu thế và thích ứng với sự thay đổi của thế giới.

Để xác định đúng đối tác đầu tư không thể nhìn vào lợi ích trước mắt, mà cần có bộ tiêu chí chọn lọc phù hợp với định hướng “đa phương hóa, đa dạng hóa’” với điều kiện kinh tế - xã hội và địa chính trị của đất nước.

Các tin khác