Để hiểu rõ hơn, ĐTTC đã có cuộc trò chuyện với TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính ngân hàng xung quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, hiện tại ông dự báo gì về biến chuyển của kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Nếu dựa vào những tuyên bố trong thời gian tranh cử, có thể dự báo rằng sẽ có những biến động rất lớn trong nhiệm kỳ của ông Trump. Những biến động đó có thể diễn ra trên các thị trường như chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ, tiền số và xuất nhập khẩu của Mỹ.
Thực ra các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán không bị tác động trực tiếp từ những chính sách của ông Trump, nhưng có thể bị ảnh hưởng gián tiếp từ những thay đổi bất ngờ trong các chính sách tiền tệ. Chẳng hạn trong nhiệm kỳ trước của ông Trump, nợ công của Mỹ đã tăng lên rất mạnh làm ảnh hưởng tới lãi suất cũng như lạm phát và thị trường tài chính. Ngoài ra, ông đã từng tuyên bố biến đổi khí hậu là sản phẩm giả tưởng của các nhà khoa học, và rất ủng hộ việc phát triển năng lượng dầu khí.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ trước ông đã áp dụng chính sách ngoại thương mang tính “hướng nội” mạnh mẽ, và đã có những kế hoạch khá gay gắt. Ông muốn người Mỹ tiêu dùng hàng của Mỹ và muốn các doanh nghiệp Mỹ trở về Mỹ. Biện pháp đánh thuế mạnh đối với hàng hóa các quốc gia xuất siêu sang Mỹ nhằm thực hiện mục tiêu này.
Như đã tuyên bố trước đó, ông có thể sẽ áp mức thuế bổ sung 60% trở lên đối với hàng hóa Trung Quốc bán cho Mỹ và những nước có xuất siêu vào Mỹ. Mặc dù ông không nêu tên Việt Nam, nhưng Việt Nam là một trong những nước xuất siêu lớn của Mỹ, nên có thể Việt Nam cũng sẽ chịu một số ảnh hưởng
- Theo ông những vấn đề Việt Nam có thể đối mặt sắp tới là gì?
- Nếu thật sự ông Donald Trump áp đặt các mức thuế quan cao hơn đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ, chắc chắn Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thuế quan tuy áp dụng trên hàng nhập khẩu của quốc gia khác, nhưng cuối cùng người tiêu dùng của Mỹ phải chịu mức thuế đó, nếu họ vẫn muốn mua hàng hóa của quốc gia đó.
Trong khi đó, hàng hóa của Việt Nam gồm có nông sản, thủy hải sản và hàng tiêu dùng đang phải cạnh tranh gay gắt với rất nhiều các nước khác. Vì vậy, nếu sản phẩm của Việt Nam chịu một mức thuế suất cao hơn, khả năng người tiêu dùng của Mỹ tiêu thụ sản phẩm Việt Nam sẽ giảm rất nhiều.
Trong nhiệm kỳ trước của ông Donald Trump, Việt Nam đã bị đưa vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ. Lúc bấy giờ, Việt Nam đã đạt hai tiêu chí. Tiêu chí thứ nhất là thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD, tức xuất siêu vào Mỹ. Tiêu chí thứ hai là thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP (hiện tại quy định mới là thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 3% GDP).
Ở tiêu chí thứ ba, Việt Nam chưa đạt là can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng giai đoạn 12 tháng, với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng. Lần này, ông Trump có thể sẽ trở lại bài toán thao túng tiền tệ, đưa một số quốc gia vào trong tầm ngắm này.
Hiện Việt Nam có thặng dư thương mại khoảng 100 tỷ USD với Mỹ vào năm 2023, trở thành quốc gia có cán cân thương mại lớn thứ 3 với Mỹ, sau Trung Quốc và Mexico. Để cân bằng lại, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu hàng của Mỹ nhiều hơn. Hoặc có thể chúng ta phải tìm thị trường xuất khẩu khác để thay thế thị trường Mỹ.
Còn đối với vấn đề tỷ giá, như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhiều lần khẳng định với Bộ Tài chính Mỹ, Việt Nam không chủ trương phá giá tiền tệ để có lợi cho xuất khẩu, nhưng có nhiều yếu tố khác tác động đến tỷ giá. Trong thời gian tới đối với vấn đề tỷ giá, NHNN cũng cần phải có sự cân bằng đối với diễn biến của đồng USD.
Tỷ giá USD/VNĐ đang trong xu hướng tăng. Trong khi đó, đồng USD có thể sẽ tiếp tục mạnh lên, do có rất nhiều tác động về mặt tâm lý của các nhà đầu tư và các nhà tài chính. Họ cảm thấy phấn khởi khi ông Donald Trump đắc cử và họ sẵn sàng mua USD với giá cao, từ đó đẩy đồng USD lên. Còn về vấn đề ngoại thương, vẫn chưa có những dịch chuyển gì đáng kể để tăng giá đồng USD.
Như vậy trong trường hợp đồng USD gia tăng sức mạnh, tỷ giá USD/VNĐ sẽ phải duy trì đà tăng, nhưng nếu tăng quá mạnh Việt Nam sẽ khó đáp ứng tiêu chí thứ ba trong 3 tiêu chí xem xét vấn đề thao túng tiền tệ. Nếu thời gian tới, đồng USD đảo chiều, tỷ giá hạ, Việt Nam cũng có thể vừa cân bằng được việc nhập khẩu nhiều từ Mỹ, và cũng giảm bất lợi cho các nhà nhập khẩu trong nước.
- Một diễn biến nữa sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, giá vàng lao dốc không phanh. Theo ông, vì sao lại như vậy?
- Thông thường, vàng lên giá khi thế giới xảy ra những vấn đề khủng hoảng và nhà đầu tư cảm thấy lo lắng, họ mua vàng để tìm nơi trú ẩn an toàn. Còn hiện tại, các nhà đầu tư thấy phấn khởi khi ông Donald Trump đắc cử. Họ cảm thấy yên tâm hơn với những chính sách kinh tế, chính sách đối ngoại của ông ấy.
Vì vậy, các nhà đầu tư không còn mặn mà trong vấn đề phải tìm kênh trú ẩn an toàn và đã đi tìm những kênh khác như chứng khoán. Điều đó đã đẩy giá chứng khoán lên và đẩy giá vàng thế giới xuống. Diễn biến này cũng đẩy giá vàng của Việt Nam đi xuống, tuy nhiên phải nói rằng mức giảm giá trong nước lại khá bất thường.
- Xin cảm ơn ông.
Giá vàng còn tùy vào tình hình địa chính trị trên thế giới. Thời điểm này có hai điểm rất nóng tại Ukraine và Trung Đông. Nếu chiến sự ở hai vùng này tăng lên, có thể các nhà đầu tư quay trở lại vàng. Vì vậy, phản ứng cho thị trường vàng có lẽ chỉ là chuyện ngắn hạn.