Vừa mừng, vừa lo
Dấu hiệu tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ 2020, như nông-lâm-thủy sản tăng khá 3,82%; công nghiệp-xây dựng 8,36%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo 11,42%; xây dựng tăng 5,59%, thu ngân sách đạt 57,7%; đầu tư tăng 7,2%...
Những lĩnh vực có dấu hiệu giảm quá rõ như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phục hồi chậm; doanh thu du lịch lữ hành giảm sâu 51,8%, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 2,7%, hoạt động vận tải hành khách tiếp tục giảm 0,7%; vận tải, kho bãi giảm 0,39%; lưu trú, văn phòng giảm 5,02%...
Về bức tranh doanh nghiệp (DN), trong nửa đầu năm đã có hơn 67.000 DN đăng ký thành lập mới, tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Điều tra xu hướng kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 30,5% DN đánh giá tốt hơn so với quý I; 37,7% DN kinh doanh ổn định; 81% DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) báo tình hình sản xuất kinh doanh quý II tốt hơn.
Theo số liệu từ FiinPro, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế quý I tính chung các DN trên sàn chứng khoán tăng trưởng lần lượt 11,9% và 117,8% so với cùng kỳ; DN niêm yết trên sàn công bố kết quả kinh doanh quý II dự báo tiếp tục tăng.
Nhưng quý II cũng cho thấy những nỗi lo đang dần hiện hữu. Trong quý đã có 35.607 DN tạm ngừng kinh doanh (tăng 22,1% so với cùng kỳ), 24.660 DN ngừng hoạt động chờ giải thể (tăng 25,7% so với cùng kỳ), 9.942 DN giải thể (tăng 33,8% so với cùng kỳ). Lao động, việc làm tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh.
Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm lần lượt 2,4% và 2,6%, đều tăng so với quý I (2,19% và 2,2%). Khảo sát của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tình hình DN đầu năm 2021, khó khăn của DN nói chung vẫn là thị trường, tiêu thụ sản phẩm, nguyên liệu đầu vào, lao động và vốn.
Ngoài ra, DN đang đối mặt với khó khăn do gia tăng chi phí kinh doanh. Thứ nhất, nhiều DN phát sinh thêm nhiều chi phí phòng chống dịch, như chi phí xét nghiệm người lao động, mua sắm trang thiết bị, vật tư chống dịch. Với DN có số lượng lao động lớn hoặc trong khu vực hoặc có lao động nhiễm virus, chi phí này rất lớn.
Thứ hai, chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng cao, gây khó khăn cho DN xuất nhập khẩu. Chi phí logistics ở Việt Nam hiện cao hơn so với mức trung bình thế giới. Đối với khu vực công nghiệp và xây dựng, giá một số nguyên vật liệu ở mức cao, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xây dựng và đầu tư, trong đó có đầu tư công.
Theo báo cáo của Chính phủ, giá sản xuất nhóm sản phẩm sắt, thép bình quân 6 tháng đầu năm tăng 29,87% so với cùng kỳ năm trước, giá sản phẩm đá, cát, sỏi, đất sét tăng 5,14%.
Cần giải pháp mang tính dài hơi
Trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã rất tích cực đề xuất và ban hành các chính sách hỗ trợ DN ứng phó tác động của dịch Covid-19 lần thứ 4. Nhiều bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực thi chính sách đã được rút kinh nghiệm để đề ra chính sách hợp lý hơn, phù hợp hơn.
Hàng loạt quyết sách đã được ban hành như xã hội hóa nguồn tài chính về vaccine, đa dạng hóa đối tượng là DN tự mua và tiêm vaccine.
Tuy nhiên, việc thiết kế chính sách cho phát triển kinh tế cần tách bạch rõ về 2 nhóm giải pháp. (1) Hỗ trợ DN, người dân ứng phó với dịch, duy trì sản xuất kinh doanh. (2) Giải pháp căn cơ, dài hạn để chuẩn bị nền tảng cho phát triển và phục hồi kinh tế trong và sau dịch. Điều này cần được thể hiện trong cả tư duy và hành động, tránh tập trung quá mức vào giải pháp ngắn hạn đối phó với tác động của dịch như hiện nay.
Về giải pháp trước mắt, Chính phủ nên nghiên cứu, bổ sung thêm các giải pháp cắt, giảm (không chỉ tạm giãn, tạm hoãn) chi phí để hỗ trợ DN giảm chi phí hoạt động, duy trì sản xuất. Theo đó, miễn hoặc giảm thuế VAT cho các vật tư phòng chống dịch, xét nghiệm. Dừng ban hành các quy định làm gia tăng chi phí về thời gian và tiền cho DN, thực hiện rà soát các quy định gây khó khăn cho DN...
Các giải pháp, biện pháp hỗ trợ phải hướng tới thị trường, hỗ trợ đúng đối tượng, hiệu quả hơn và giảm hỗ trợ cào bằng, tài chính trực tiếp. Thí dụ, các biện pháp kỹ thuật như khuyến khích mua cổ phần hay cổ phần ưu đãi trong DN có thể hiệu quả hơn là cấp tiền mặt hoặc cho vay.
Về giải pháp dài hạn, căn cơ để phục hồi và phát triển nền kinh tế vẫn cần xem đây là chiến lược lâu dài. Dịch Covid-19 là dịp và cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế và khu vực DN, hướng nền kinh tế năng động, tự lực tự cường, xây dựng dư địa cho tăng trưởng cao và phát triển bền vững trong tương lai. Để đạt được điều này, cần dựa trên 3 nhóm giải pháp trụ cột.
Thứ nhất, phân bổ nguồn lực hiệu quả với khu vực DN năng động. Theo đó, tập trung các giải pháp tăng năng suất, thúc đẩy đầu tư có hiệu quả, bao gồm cả đầu tư công; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh bảo đảm cạnh tranh, dễ dàng gia nhập, rút lui khỏi thị trường và tái cấu trúc DN; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số và mô hình kinh doanh mới.
Thứ hai, trợ giúp đối tượng bị tác động bởi dịch bệnh. Ngoài giải pháp hỗ trợ khó khăn cho người lao động, nên tập trung cơ cấu lại lao động, việc làm thông qua chương trình đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung kỹ năng mới cho lao động đáp ứng yêu cầu kinh doanh trong bối cảnh mới cách mạng 4.0 và kinh tế chia sẻ.
Thứ ba, phát triển bền vững, bao trùm chính là bài học từ việc phát sinh và tác động của dịch Covid-19. Do đó, để đạt mục tiêu kép về phát triển kinh tế trong thời gian trước mắt và hướng đến phục hồi kinh tế bền vững, mạnh mẽ, Chính phủ cần sớm xây dựng và triển khai chiến lược tổng thể về cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó nhấn mạnh đến giải pháp dài hạn, nền tảng.