Đúng 10 năm trước Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 20-NQ/TW với định hướng xây dựng TPHCM trở thành thành phố XHCN văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn cho khu vực phía Nam và cả nước; từng bước hình thành trung tâm thương mại, tài chính, khoa học công nghệ lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Nhân dịp năm mới, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng trường đại học kinh tế TPHCM, về vấn đề này.
![]() |
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, nhìn lại năm cũ 2011 ông thấy kinh tế Việt Nam có những điểm sáng?
PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN: - Năm qua cả nước triển khai việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ với chính sách tiền tệ chặt chẽ và tài chính công thắt chặt nhưng giá cả vẫn tăng. Chỉ số giá tiêu dùng CPI vẫn trên 18% dù cung tiền không quá 15% và tín dụng không quá 20%. Cung tiền (M2) chưa bao giờ thấp như vậy và vòng quay tiền tệ cũng như khả năng tạo bút tệ của nền kinh tế rất ít, dẫn đến thanh khoản của nền kinh tế bị “đóng băng”.
Diễn biến hiện nay cho thấy nền kinh tế đang mất thanh khoản ở nhiều góc độ: thị trường bất động sản đóng băng, thị trường chứng khoán giảm sâu, hàng hóa tồn đọng. Tuy nhiên, năm 2011 vẫn có những điểm sáng, một trong những điểm sáng cần ghi nhận là nhập siêu giảm. Nhập siêu năm 2011 xác định khoảng 16-18 tỷ USD nhưng thực tế chỉ ở mức 10% kim ngạch xuất khẩu.
Tín hiệu tốt này giúp bài toán tỷ giá không bị sốc như các năm trước vào thời điểm cuối năm, đồng thời góp phần cân bằng cán cân tổng thể (từ âm 3 tỷ USD năm trước sang dương gần 3 tỷ USD năm 2011), cầu ngoại tệ đã giảm đi. Nếu tác nhân gây lạm phát trong nhiều năm qua có yếu tố tỷ giá thì bước sang năm mới sẽ giảm đi rất nhiều.
- Định hướng phát triển TPHCM là trở thành trung tâm tài chính của cả nước và hướng đến trở thành một trong những trung tâm tài chính của khu vực. Thực tế ra sao, thưa ông?
- TPHCM vốn dĩ là trung tâm tài chính của cả nước. Nhưng trung tâm tài chính này bị phụ thuộc rất nhiều bởi cơ chế của Chính phủ. Thí dụ, hệ thống ngân hàng thương mại thuộc quản lý của Ngân hàng Trung ương, thị trường chứng khoán thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Cho nên TPHCM chỉ có thể tạo điều kiện hỗ trợ để hệ thống ngân hàng thương mại đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội TPHCM. Có thể thấy thị trường tài chính ngân hàng, chứng khoán, bất động sản ở TPHCM chỉ phát triển được khi những khó khăn về kinh tế vĩ mô được giải quyết. Hiện nay GDP của TPHCM đóng góp 20% GDP của cả nước, ngân sách của TPHCM chiếm 30% tổng thu ngân sách của cả nước nhưng chi ngân sách TPHCM chỉ chiếm 5% trong tổng chi của cả nước. Điều này là bất bình thường.
Do vậy, phải có chính sách để thúc đẩy TPHCM trở thành trung tâm kinh tế - tài chính cả nước bên cạnh sự nỗ lực của lãnh đạo thành phố. Theo tôi cần có những chính sách đặc thù để TPHCM phát huy và đóng góp nhiều hơn cho cả nước. Thí dụ, việc chi ngân sách cần có tỷ lệ thích đáng cho TPHCM để giải quyết các vấn đề giao thông, xã hội, y tế, giáo dục..., tạo lực đẩy bứt phá của một đầu tàu kinh tế.
Cần lưu ý rằng đầu tư cho TPHCM là đầu tư cho cả nước, đầu tư cho cả khu vực. Khi cơ sở hạ tầng TPHCM cải thiện tốt, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến làm ăn nhiều, khi đó TPHCM mới thật sự trở thành trung tâm tài chính cả nước và khu vực.
- Hiện nay TPHCM đã có trái phiếu đô thị nhưng mức huy động thấp, chỉ có 2.000 tỷ đồng. Theo ông, Chính phủ nên có cơ chế tạo vốn cho TPHCM hay bản thân thành phố tự tạo vốn. Làm thế nào để TPHCM có thể huy động vốn lớn đầu tư cơ sở hạ tầng?
- TPHCM đã có quỹ đầu tư phát triển đô thị (HIFU) và cơ chế 93 để huy động vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng vấn đề hiện nay là phải tìm dự án để đảm bảo hiệu quả. TPHCM là nơi nộp thuế nhiều nhất trong cả nước thì đầu tư công phải phục vụ lại cho người đóng thuế. Tư tưởng bắt TPHCM vì cả nước là không được. Hiện nay, phúc lợi xã hội Chính phủ để TPHCM lo cho người dân vẫn còn rất ít. Khi bệnh nhân nằm 3-4 người một giường, giao thông tắc nghẽn... sẽ dập tắt đi tinh thần và hào khí đóng thuế của người dân.
Việc phát hành trái phiếu huy động vốn có thể làm được nhưng vướng ở lãi suất. Với mặt bằng lãi suất cao như hiện nay, các dự án huy động vốn cả trăm tỷ đồng phải trả lãi cao sẽ không ai chịu nổi. Lãi suất trái phiếu ở các nước châu Âu hiện nay chỉ 5-6%/năm đã bị cho là quá cao.
Bài toán trái phiếu là cần thiết nhưng phải chọn những dự án hiệu quả. Hơn nữa, nguồn thu của trái phiếu là từ dự án đi vào hoạt động (thu phí cầu đường), như vậy người dân lại tiếp tục nộp thuế lần 2 bằng việc thu qua phí. Tôi cho rằng nên hạn chế trong vấn đề thu phí của người dân thành phố vì họ đã đóng thuế quá nhiều nhưng việc hưởng phúc lợi xã hội thấp.
- Xin cảm ơn ông.