PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, vào cuối quý I-2020, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1,31%, đến cuối quý 2 tăng 3,63% và 6,09% vào cuối quý III. Đến ngày 21-12-2020, tín dụng tăng 10,14% và trong 10 ngày cuối năm tiếp tục có sự bứt tốc đáng kể khi tăng 2% (tương đương 150.000 tỷ đồng), cả năm tăng trưởng tín dụng đạt 12,13%. Ông nhận định gì về diễn biến này?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Tín dụng tăng đột biến như vậy có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, 3 quý đầu năm tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, vào quý cuối năm, doanh nghiệp (DN) phục hồi khá tốt, tăng trưởng kinh tế khởi sắc hơn, các NH cũng đẩy mạnh tín dụng để có mức tăng trưởng tín dụng tốt cho năm 2020.
Mức tăng trưởng này là nền tảng cho năm 2021 xin được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tốt từ NHNN. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng thấp trong các quý đầu năm cũng ảnh hưởng đến thu nhập tín dụng và lợi nhuận so với những năm trước, nên các NH cũng đẩy mạnh tín dụng để có thể tăng lợi nhuận cho cả năm 2020.
Thứ hai, thời điểm cuối năm 2020, hoạt động đầu tư sôi nổi hơn khi nền kinh tế đang hồi phục. Cùng lúc, lãi suất cho vay có xu hướng giảm, nhà đầu tư có thể vay với chi phí thấp để đầu tư chứng khoán cũng như các loại tài sản đầu tư khác. Điều này cũng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vay tiền đổ vào các kênh đầu tư.
Đó là những nguyên nhân đẩy tín dụng tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Trong đó, tôi đặc biệt chú ý đến kênh chứng khoán cuối năm 2020 trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư, đã khiến họ vay tiền mua chứng khoán.
- Từ năm 2016, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trên GDP đã giảm xuống khoảng 2-2,5 lần. Song năm 2020, tín dụng tăng 12,13% trong khi GDP chỉ tăng 2,91%, tức tăng gấp 4,1 lần. Như vậy năm 2020 hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, thưa ông?
Với dòng tiền đi vào kênh chứng khoán nếu được đẩy vào thị trường sơ cấp, tiền của nhà đầu tư đổ trực tiếp vào các nhà phát hành chứng khoán cũng hỗ trợ những nhà sản xuất kinh doanh. Nhưng dòng tiền cuối năm 2020 chỉ nằm ở thị trường thứ cấp, tức dành cho những người đã có chứng khoán mua đi bán lại trên thị trường tài chính. |
Còn bây giờ tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao gấp 4,1 lần trên GDP, có nghĩa tín dụng có thể đang được đẩy vào những tài sản rủi ro và không hỗ trợ tốt cho nền kinh tế. Nếu tỷ lệ quá cao có thể dẫn tới bong bóng giá tài sản.
Tín dụng phải phục vụ sản xuất kinh doanh là mục tiêu NHNN đặt ra. Nhưng vào cuối năm, khá nhiều vốn từ dòng tín dụng không chảy vào sản xuất kinh doanh, theo tôi dòng tiền này chỉ chảy vào thị trường thứ cấp.
Với dòng tiền đi vào kênh chứng khoán nếu được đẩy vào thị trường sơ cấp, tiền của nhà đầu tư đổ trực tiếp vào các nhà phát hành chứng khoán cũng hỗ trợ những nhà sản xuất kinh doanh.
Nhưng dòng tiền cuối năm 2020 chỉ nằm ở thị trường thứ cấp, tức dành cho những người đã có chứng khoán mua đi bán lại trên thị trường tài chính, chỉ phục vụ cho mục tiêu tài chính. Đây cũng là vấn đề NHNN và Bộ Tài chính phải lưu ý để có sự điều chỉnh, đưa dòng tiền vào sản xuất kinh doanh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2021.
Mô tả ảnh
- Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% năm nay có hợp lý và ông dự báo khả năng hấp thụ tín dụng của DN thế nào?
- Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% cho năm nay là hợp lý, bởi năm nay Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 6%. Trong tình hình dịch bệnh tiếp diễn phức tạp, nếu đạt được mức tăng trưởng này là quá tốt.
Với mức 6%, tăng trưởng tín dụng có thể ở mức 15%. Nhưng mục tiêu tăng trưởng tín dụng cũng có thể thấp hơn một chút, để nếu tăng trưởng ở mức 5%, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12% cũng phù hợp.
Khả năng hấp thụ vốn của DN luôn lớn, nhưng khả năng vay được vốn sẽ tiếp tục thấp vì các DN đang bị tác động rất nhiều bởi dịch bệnh. Các DN lớn có sức chịu đựng tốt trước áp lực thanh khoản, thị trường. Trái lại 97% DN là DNNVV có sức khỏe yếu, dễ bị tổn thương nên khả năng vay tiền của họ càng ngày càng thấp, có thể còn thấp hơn năm ngoái.
Do đó, năm nay cũng chỉ DN lớn mới vay được tiền, còn DN nhỏ đang chịu tác động của dịch bệnh không hấp thụ được vốn. Vì vậy, để nền kinh tế tăng trưởng như mục tiêu đề ra, theo tôi Chính phủ phải có những biện pháp để hỗ trợ DN, nhất là DNNVV. Tôi vẫn giữ quan điểm nên xây dựng tổ hợp tín dụng như đã từng đề xuất vào năm ngoái mới hỗ trợ được DNNVV tiếp cận vốn.
- Có ý kiến cho rằng cơ quan quản lý không nên dùng chỉ tiêu tín dụng để kiểm soát thị trường, nên để cho các NHTM tự quyết định. Quan điểm của ông thế nào?
- Tôi đồng ý với ý kiến đó. Cần phải tiến đến thị trường thông thoáng, tự do nhưng chặt chẽ hơn bằng cách quản lý các NH qua các chỉ tiêu quy định của pháp luật như về vốn chủ sở hữu, các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, dư nợ trên huy động, vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, các hệ số rủi ro… thay vì giao chỉ tiêu như hiện nay.
Vì khi các NH đã tuân thủ hệ số an toàn hoạt động, chỉ tiêu tín dụng là chốt chặn là không cần thiết. Nên để NH nào có khả năng tăng trưởng mạnh tự tăng trưởng theo khả năng, những NH nào không thể tăng trưởng được sẽ tự tăng trưởng thấp, đó cũng là điều phù hợp với cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, việc thanh tra của NHNN cần có sự thay đổi, chuyển đổi từ thanh tra tuân thủ sang thanh tra quản lý rủi ro để quản lý từ gốc, thay vì quản lý phần ngọn như hiện nay.
- Xin cảm ơn ông.