Cân đối ngân sách 2014: Quyết sách mạnh, đồng thuận cao

Năm 2014 tiếp tục được dự báo đầy thách thức đối với ngành tài chính khi thu ngân sách khó khăn (kế hoạch 782.700 tỷ đồng, thấp hơn chỉ tiêu dự toán 2013 là 816.000 tỷ đồng). Trong khi đó dự toán chi tiếp tục lớn (1.006.700 tỷ đồng) và bội chi lên tới 5,3%. Thách thức trên đòi hỏi các quyết sách mạnh mẽ và cả sự nỗ lực, đồng thuận để vượt qua.

Năm 2014 tiếp tục được dự báo đầy thách thức đối với ngành tài chính khi thu ngân sách khó khăn (kế hoạch 782.700 tỷ đồng, thấp hơn chỉ tiêu dự toán 2013 là 816.000 tỷ đồng). Trong khi đó dự toán chi tiếp tục lớn (1.006.700 tỷ đồng) và bội chi lên tới 5,3%. Thách thức trên đòi hỏi các quyết sách mạnh mẽ và cả sự nỗ lực, đồng thuận để vượt qua.

Chống chuyển giá, đẩy mạnh thoái vốn

Thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) vài năm gần đây luôn gặp nhiều khó khăn khi thu giảm dần, trong khi tổng chi và bội chi tăng dần. Năm 2011 bội chi NSNN 120.000 tỷ đồng, năm 2013 tăng lên 195.000 tỷ đồng và năm 2014 dự kiến 224.000 tỷ đồng.

Nợ công cũng tăng nhanh: Năm 2012 hơn 1,6 triệu tỷ đồng, năm 2013 gần 2,1 triệu tỷ đồng và năm 2014 dự kiến hơn 2,5 triệu tỷ đồng. So với thu NSNN, nợ công năm 2013 gấp 2,63 lần và năm 2014 gấp 3,2 lần. Như vậy đến năm 2015 số nợ phải trả tăng lên trong khi khả năng thu để trả nợ tiếp tục khó gồng gánh.

Cần phải kiểm soát chặt chẽ phần chi trong danh mục, mức phân bổ vốn cho từng dự án, công trình cụ thể; kiên quyết không bố trí vốn bổ sung cho các dự án thuộc diện giãn, hoãn, chuyển đổi hình thức đầu tư và phần điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng quy mô, tăng giá, điều chỉnh kỹ thuật bất hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Giàu,
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế
của Quốc hội

Sau hàng loạt giải pháp giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) và thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ DN đang được áp dụng, một trong các biện pháp quan trọng của ngành tài chính cần thực hiện quyết liệt hơn nữa để hoàn thành thu ngân sách 2014 chính là chống thất thu.

Theo đó, cần ngăn chặn các biểu hiện khai lỗ nhiều năm nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh của nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài. Thời gian qua, các DN này đã thực hiện hành vi chuyển giá gây thất thu NSNN, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng với DN trong nước.

Vì thế, năm 2014, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai quyết liệt hơn, ráo riết hơn trong việc rà soát kết quả kinh doanh của DN, gắn công tác chống chuyển giá với việc cấp phép đầu tư, thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm về chuyển giá giữa công ty mẹ, công ty con, từ DN Nhà nước (DNNN) sang công ty cổ phần (CTCP).

Theo nghị quyết về dự toán ngân sách năm 2014, Chính phủ có trách nhiệm thực hiện thu NSNN đối với cổ tức được chia năm 2014 cho phần vốn của các CTCP có vốn góp của Nhà nước do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu, cũng như phần lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, việc thu cổ tức từ nguồn trên chỉ là “tiền lẻ” và “cọc tiền chẵn" còn lớn hơn chính là cổ phần hóa tất cả DNNN ở những lĩnh vực không cần thiết và nên cổ phần hóa các tổng công ty, chứ không chỉ thực hiện với các công ty con, nhất là những ngành như khách sạn, nhà hàng. “Tại sao chúng ta không thoái vốn mạnh để làm các công trình bức xúc về giao thông và hạ tầng” - ông Lịch nói.

Đồng tình với việc bán vốn nhà nước tại DN, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nên thực hiện trên cơ sở phân DN làm 2 loại. Thứ nhất, DN mà Nhà nước phải đầu tư vốn vì lợi ích quốc gia mà các thành phần kinh tế khác không được làm, không được phép làm.

Với các DN này không thu cổ tức và nếu nguồn lực của đất nước còn dồi dào thậm chí phải bổ sung thêm cho DN để tăng tiềm lực tài chính. Thứ hai, các DN mà Nhà nước không cần tham gia vốn và mạnh dạn cho bán vốn nhà nước ra thị trường để nâng cao hiệu quả kinh tế. Làm như vậy sẽ có thêm nguồn lực cho đất nước với số tiền thu về có thể nhiều chục ngàn tỷ đồng.

Đảm bảo chi trong tầm kiểm soát

Thu khó khăn nên chưa khi nào vấn đề kỷ luật trong chi tiêu lại được nhấn mạnh như hiện nay. Theo Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Cao Sỹ Kiêm, 2014 là năm NSNN tiếp tục gặp khó khăn, nền kinh tế bị tác động bởi nhiều yếu tố cùng những tồn tại của năm 2013 chuyển sang.

Dù tổng thu, chi cân đối NSNN 2014 vừa phải, có khả năng thực thi, nhưng việc thực hiện cần phải cụ thể hóa, định hướng, có giải pháp và điều hành kiên quyết trong việc kiểm soát, tăng cường kỷ luật thu, chi, công khai vi phạm, tạo kỷ cương để chi tiêu ngân sách có tính bền vững.

Chuyển giá, gửi giá làm sai lệch bức tranh kinh tế, gây thất thu NSNN nghiêm trọng; làm tài nguyên, tài sản của đất nước bị đánh cắp; sức lao động của người lao động bị bóc lột, lòng tin DN làm ăn chân chính bị phai mòn. Để chống tình trạng này cần coi việc chuyển giá, gửi giá là hành vi lừa đảo, gian lận, trốn thuế và phải chế tài xử lý mạnh, thu hồi cho NSNN toàn bộ số tiền phát hiện được.

Ông Trần Quang Chiểu,
Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Tại kỳ họp vừa rồi của Quốc hội khóa XIII, bà Bùi Thị An (đại biểu Quốc hội Hà Nội), đề nghị thu, chi ngân sách năm 2014 còn nhiều khó khăn, do đó vấn đề quan trọng là phải giám sát chi và khống chế chi không vượt mức 5,3% GDP. Theo đó, việc giám sát nguồn chi cần tập trung vào nguồn chi thường xuyên (chi lương, chi bộ máy hành chính…), hiệu quả chi đầu tư công để giảm lãng phí, tổn thất.

Đại biểu Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) cũng cho rằng trong điều kiện nguồn thu đã thấp, hụt thu lớn, đòi hỏi phải có một nguồn lực nhất định cho nền kinh tế. Vì vậy việc nâng mức bội chi ngân sách năm 2014 lên 5,3% là cần thiết.

Tuy nhiên, Chính phủ cần phải có giải pháp kiểm soát chặt chẽ để lạm phát không tăng trở lại, đồng thời phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính để đến năm 2015 giảm dần mức bội chi.

Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho rằng để giảm bội chi NSNN năm 2014 cần phải khắc phục được những hạn chế của năm 2013, nhất là công tác kiểm soát thu. Bởi trên thực tế năng lực, bộ máy cơ quan thuế chưa đủ sức về chất lượng và số lượng, dẫn đến nợ đọng thuế lớn.

Mặt khác, cơ quan thuế có một bộ phận cán bộ có phẩm chất, năng lực, đạo đức không tốt, thông đồng với DN để ăn chia khoản khai gian lận thuế, trốn thuế. Do đó, cần tăng cường năng lực cơ quan thuế để đảm bảo thu NSNN, tránh thất thoát từ nguồn thuế.

Tạo nguồn thu không thể cào bằng

Để thực hiện được kế hoạch NSNN thời gian tới, điều quan trọng phải đưa ra các giải pháp mạnh để phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo đó, cần tạo cơ chế tháo gỡ, khuyến khích các khu vực đầu tàu kinh tế, khu vực có tiềm lực phát triển và nguồn thu lớn.

Một trong những giải pháp tăng thu là phải thực hiện quyết liệt chống chuyển giá. (Trong ảnh: Dự án Keangnam Vina đã bị thanh tra phát hiện do không chấp hành xác định giá thị trường trong giao dịch, đã bị truy thu 95,2 tỷ đồng thuế).

Một trong những giải pháp tăng thu là
phải thực hiện quyết liệt chống chuyển giá.
(Trong ảnh: Dự án Keangnam Vina đã bị thanh
tra phát hiện do không chấp hành xác định giá
thị trường trong giao dịch,
đã bị truy thu 95,2 tỷ đồng thuế).

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM, cho rằng trong nguyên tắc phân bổ ngân sách cần tránh bình quân và dàn đều, thiếu trọng tâm, trọng điểm trong đầu tư phát triển. Theo bà Tâm, phân bổ bình quân có vẻ công bằng nhưng không tạo dòng tiền so với đầu tư vào nơi sinh lợi, có lợi thế cạnh tranh hơn, tạo số thu ngân sách.

Chẳng hạn, hơn 10 tỉnh có thu nộp ngân sách lớn cần phải suy nghĩ xem có lợi thế cạnh tranh là gì, nguồn đầu tư như thế nào để đầu tư, giám sát nhằm tạo động lực phát triển cho địa phương và tạo nguồn thu nhiều hơn.

“Khi Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tiến hành giám sát, tỉnh Đồng Nai đề nghị được đầu tư lại cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nhưng không được. TPHCM cũng có nhu cầu như vậy nhưng thiếu vốn đầu tư cho phát triển. Nếu được đầu tư, thu NSNN sẽ nhiều hơn. Do vậy, cần thay đổi tư duy trong phân bổ đầu tư, tránh cào bằng” - bà Tâm nói.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, vấn đề quan trọng trong thời gian tới vẫn là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế.

Việc cắt giảm đầu tư công là cần thiết, khắc phục đầu tư dàn trải kém hiệu quả là hoàn toàn đúng đắn, nhưng để thúc đẩy tăng trưởng phải có nguồn lực, nếu cắt giảm quá mức nguồn lực sẽ không có tăng trưởng. Do đó, năm 2014 việc cắt giảm đầu tư công phải được tiến hành từng bước, có lộ trình cụ thể, tuy nhiên không được nới lỏng.

Thực tế cho thấy, tăng trưởng và bội chi ngân sách 3 năm qua chúng ta đã chủ động điều hành ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đến nay cơ bản đã đạt được mục tiêu. Song do tổng cầu thu hẹp trong thời gian dài nên tăng trưởng thấp.

Nếu kéo dài sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế vĩ mô trong tương lai. Nguy cơ tụt hậu ngày càng xa với các nước trong khu vực và sẽ không có tiền đề vật chất để nâng cao phúc lợi xã hội và tái cấu trúc ngành kinh tế. Theo đó, năm 2014-2015 cần quan tâm hơn phục hồi tăng trưởng, kích thích tăng tổng cầu khi chính sách tiền tệ dù được khởi động sớm nhưng tác dụng còn hạn chế.

Do đó, việc tăng tổng cầu và đầu tư công trong giai đoạn hiện nay là phù hợp, nhằm đầu tư các công trình trọng điểm gắn với việc tái cơ cấu đầu tư công, giải quyết việc làm, giải phóng hàng tồn kho.

Các tin khác