Cân đối NSNN: Tăng chi để có thu?

Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) có  nguy cơ giảm mạnh, phân bổ ngân sách năm 2013 đang rất nan giải. Nhiều khoản mục như tăng lương, chi đầu tư phát triển, trả nợ công… gặp khó khăn do thiếu nguồn cân đối. Tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện dự toán NSNN 2012; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương 2013 hôm qua 31-10, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng Chính phủ cần tính toán thật kỹ để tăng thu, bảo đảm nguồn chi cho mục tiêu phát triển. Có đại biểu đề nghị nên dự toán theo hướng “tăng chi để có thu”.

Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) có  nguy cơ giảm mạnh, phân bổ ngân sách năm 2013 đang rất nan giải. Nhiều khoản mục như tăng lương, chi đầu tư phát triển, trả nợ công… gặp khó khăn do thiếu nguồn cân đối. Tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện dự toán NSNN 2012; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương 2013 hôm qua 31-10, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng Chính phủ cần tính toán thật kỹ để tăng thu, bảo đảm nguồn chi cho mục tiêu phát triển. Có đại biểu đề nghị nên dự toán theo hướng “tăng chi để có thu”.

Đề xuất tăng lương thêm 100.000 đồng/tháng

Vấn đề được quan tâm nhiều nhất trước phiên thảo luận hôm qua là khả năng lộ trình tăng lương tối thiểu phải dời lại do chưa cân đối được nguồn. Theo nhiều ĐBQH, trong bối cảnh kinh tế khó khăn cần xem xét cắt giảm các nguồn không cần thiết để cân đối ngân sách, bảo đảm tăng lương đúng lộ trình hoặc một phần lộ trình.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng vấn đề tăng lương theo lộ trình không chỉ là mong muốn của người hưởng lương, mà còn là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Trong hoàn cảnh khó khăn chúng ta vẫn phải tính tới việc tiết kiệm, qua đó có nguồn nâng mức lương vốn ít ỏi, giảm bớt khó khăn cho đối tượng chính sách, cán bộ hưu trí, những người đang hưởng mức lương thấp.

Ông NGUYỄN SINH HÙNG,
Chủ tịch Quốc hội

Để có thể đảm bảo tăng lương theo lộ trình ở thời điểm 1-5-2013, theo mức dự kiến cần khoảng 60.000-65.000 tỷ đồng, chưa kể 29.000 tỷ đồng bố trí thực hiện mức lương tối thiểu 1,05 triệu đồng và phụ cấp công vụ 25% thêm 4 tháng trong năm 2013 (do năm 2012 mới thực hiện 8 tháng, năm 2013 phải bố trí lương đủ 12 tháng).

“Điều này vượt quá khả năng cân đối ngân sách năm 2013 do thu ngân sách năm 2012 và 28/63 tỉnh, thành phố, trong đó chủ yếu là các tỉnh trọng điểm thu có thể không đạt được dự toán thu năm 2013 và mức tăng thu năm 2013 sẽ rất khó khăn” - Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết.

Tiếp thu ý kiến thảo luận của ĐBQH, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo báo cáo Quốc hội phương án tăng lương mới. Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, sau khi tính toán lại cân đối ngân sách, chủ động cắt giảm các khoản chi, trong đó có chi đầu tư, Chính phủ quyết định vẫn giữ lộ trình tăng lương trong năm 2013.

Giá cả đều tăng cao, tăng lương mới giải tỏa một phần gánh nặng chi tiêu cho người lao động.

Giá cả đều tăng cao, tăng lương mới giải tỏa một phần
gánh nặng chi tiêu cho người lao động.

Tuy nhiên mức tăng sẽ thấp hơn so với dự kiến trước đó. Cụ thể, lương tối thiểu của khoảng 8,3 triệu người lao động, người hưởng lương hưu, các đối tượng chính sách… sẽ được điều chỉnh tăng thêm khoảng 100.000 đồng so với mức 1,05 triệu đồng hiện nay.

Thời điểm áp dụng kể từ 1-7-2013. Như vậy, theo tính toán của Bộ Tài chính, để có nguồn thực hiện tăng lương trong 6 tháng cuối năm 2013, ngân sách sẽ cần thêm 20.700 tỷ đồng, trong đó trung ương 18.400 tỷ đồng, địa phương 3.300 tỷ đồng. “Do các khoản dự toán thu đã ở mức rất cao nên Chính phủ sẽ phải cơ cấu lại chi” - Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết.

Cụ thể, chi đầu tư công sẽ giảm 10.000 tỷ đồng, xuống còn 170.000 tỷ đồng, nhưng vẫn đảm bảo thấp hơn bội chi ngân sách. Chính phủ cũng dự kiến đề nghị phát hành 55.000-60.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong năm 2013, nhưng vẫn đảm bảo đúng kế hoạch phát hành cho cả giai đoạn 2012-2015. Ngoài ra, ngân sách trung ương cũng sẽ phải tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn.

Nhiều ĐBQH đồng tình với phương án tăng lương của Chính phủ, nhưng vẫn tỏ ra băn khoăn về cân đối nguồn. ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) nói ông mừng vì lương vẫn tăng, nhưng khi xem phương án của Chính phủ vẫn chưa hiểu sẽ “kéo nguồn từ đâu?”.

ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) đề nghị để có nguồn tăng lương nên rà soát lại để tiết kiệm chi thường xuyên với mức bao nhiêu, ở khu vực nào? Còn ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng nguồn cải cách lương nên chuyển từ những nguồn chi chưa thực sự bức xúc, nếu quá khó khăn chỉ nên tăng lương cho đối tượng chính sách, hưu trí, người có thu nhập thấp.

Tăng chi để nuôi dưỡng, bồi bổ nguồn thu

Qua thảo luận, nhiều ĐBQH đồng tình và chia sẻ nỗ lực của Chính phủ trong việc cố gắng đạt dự toán NSNN năm 2012. Tuy nhiên, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng những hạn chế yếu kém trong công tác dự toán ngân sách vẫn chưa được đề cập rõ trong báo cáo của Chính phủ: “Đây là vấn đề cần nhìn nhận nghiêm túc, bởi chỉ khi thấy rõ đang yếu ở điểm nào mới có giải pháp khắc phục, giải quyết tốt vấn đề của năm sau”.

Phân tích các báo cáo ngân sách từ nhiều năm qua, ĐB Nguyễn Đức Kiên lưu ý dường như công tác lập dự toán đang có vấn đề: “Năm 2012 dù GDP không đạt kế hoạch nhưng thu ngân sách vẫn đạt kế hoạch. Những năm trước thu ngân sách cũng luôn vượt dự toán, nghĩa là tính chưa sát. Năm 2013, chúng ta đặt mục tiêu GDP tăng 5,5%, cao hơn 0,3% so với năm 2012, nhưng lại dự kiến tăng thu ngân sách tới 15%. Chúng tôi rất muốn trao đổi với cơ quan lập dự toán để có cơ sở giải thích với cử tri”.

Năm 2013 nhu cầu đầu tư của các địa phương, bộ, ngành trung ương rất lớn, nhưng nguồn lực đáp ứng được rất thấp. Ban đầu dự kiến chi cho đầu tư phát triển 180.000 tỷ đồng, nhưng nay có thể cắt bớt 10.000 tỷ đồng để tăng lương. Đây có thể nói là mức chi thấp nhất từ trước tới nay. Trong số này có 39.000 tỷ đồng dự kiến tiền thu từ bán đất, tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, trong điều kiện tình hình kinh tế khó khăn, bất động sản đóng băng, con số thực tế có thể  chỉ đạt 130.000-140.000 tỷ đồng. Mức chi đầu tư phát triển càng giảm, áp lực càng lớn. Rất mong các địa phương chia sẻ với Chính phủ.

Ông BÙI QUANG VINH,
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT

Từ thực tế ở địa phương, ĐB Nguyễn Công Bình (Yên Bái) nhận định công tác phân bổ NSNN đã công khai, minh bạch hơn, nhưng xét về tính kịp thời thì không đạt. Chính điều này đã ảnh hưởng nhiều tới hoạt động đầu tư, phát triển trong năm 2012.

Do giao vốn chậm, tình trạng phải chuyển nguồn từ năm nay sang năm 2013 xảy ra ở rất nhiều địa phương. Đồng quan điểm, ĐB Trần Quang Chiều (Nam Định) cho rằng trong năm 2012 Chính phủ đưa ra nhiều chính sách đúng nhưng quá chậm.

Trong thời gian tới, để tăng nguồn thu, Chính phủ cần tập trung chống nợ đọng thuế, làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra để chống chuyển giá với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Trong đó, cần lưu ý lĩnh vực đất đai, lĩnh vực xây dựng - nơi dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, trốn thuế nhiều nhất. 

Nhận định năm 2013 là năm rất khó khăn, thu ngân sách sẽ không dễ dàng, ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) băn khoăn: “Mức thu như vậy sẽ lấy gì để chi”. Và ông tự đưa ra câu trả lời rằng, có lẽ nên điều hành chính sách theo hướng “tăng chi để có thu”.

Lý lẽ được vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra là khi tăng chi đúng địa chỉ sẽ nuôi dưỡng, bồi bổ nguồn thu. Chẳng hạn, nếu tăng lương đúng lộ trình hoặc một phần lộ trình, sẽ có tác động làm tăng tiêu dùng, kích thích sản xuất.

Ngoài ra, ông Phúc đề nghị cần tăng chi cho đầu tư hạ tầng giao thông, bệnh viện: “Hiện nay có hàng trăm ngàn căn hộ chung cư bị tồn đọng không bán được. Trong khi người dân vẫn thiếu nhà, bệnh viện vẫn quá tải. Nên chăng chúng ta tính đến phương án phát hành trái phiếu công trình, dùng nguồn vốn đó mua chung cư và cải tạo thành bệnh viện”.

Tại Diễn đàn kinh tế mùa thu vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, một số chuyên gia kinh tế đã đưa ra gợi ý khi đầu tư của khu vực tư nhân giảm cần tăng đầu tư công để bù lại, duy trì sự ổn định của nền kinh tế. “Đó là một ý tưởng hay. Tôi nghĩ chúng ta không nên quá lo lắng nếu tăng đầu tư công trong năm tới” - ông Phúc nói.

Tuy nhiên, nhiều ĐBQH đề nghị cần tăng cường công tác giám sát để ngân sách chi đúng địa chỉ và đạt hiệu quả. ĐB Đỗ Mạnh Hùng cho rằng cần có thái độ nghiêm khắc với việc chi vượt dự toán, gây ra nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài.

Bên cạnh đó, cần xem xét sửa Luật Kiểm toán bởi hiện nay chỉ có 70% kết luận của kiểm toán, thanh tra được thực thi. Một vấn đề khác là kiên quyết nói không với các dự án gây lãng phí: “Dự án cảng Vân Phong là thí dụ điển hình cho tình trạng lãng phí chiến lược. Dự án này ban đầu dự kiến vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, khi khởi công lên 6.000 tỷ đồng và đến nay theo tính toán cần khoảng 10.000 tỷ đồng. Những dự án kiểu này cần phải được xem xét, đánh giá nghiêm túc để chống lãng phí”.

DỰ TOÁN NSNN NĂM 2013

- Dự toán thu nội địa: 545.500 tỷ đồng
- Dự toán thu từ dầu thô: 99.000 tỷ đồng
- Thu cân đối từ xuất nhập khẩu: 157.500 tỷ đồng
- Thu viện trợ: 5.000 tỷ đồng
- Dự kiến tổng chi cân đối ngân sách: 969.000 tỷ đồng.
- Dự toán dự  phòng chi ngân sách nhà nước: 23.400 tỷ đồng
- Bội chi ngân sách: 162.000 tỷ đồng, bằng 4,8% GDP.

Các tin khác