Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi sản xuất xanh

(ĐTTCO) - Qua diễn đàn Kinh tế TP.HCM mới đây, lãnh đạo TP khẳng định, kinh tế xanh không chỉ là xu hướng phát triển tất yếu mà còn là yêu cầu bắt buộc của thị trường.
Nhân viên Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM tặng sản phẩm tái chế của công ty cho người dân (Ảnh: Lệ Hằng)
Nhân viên Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM tặng sản phẩm tái chế của công ty cho người dân (Ảnh: Lệ Hằng)

Đồng thời, nó tạo ra động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Thành phố phát triển bền vững hơn. Có rất nhiều việc phải làm để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, trong đó có việc đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi sản xuất mà TP.HCM cần thực hiện và đề xuất với Chính phủ.

Doanh nghiệp nhỏ, vừa cần hỗ trợ chuyển đổi xanh

Hiện nay, TP.HCM có nhiều doanh nghiệp dệt may xuất khẩu vào châu Âu (EU). Theo ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội May thêu đan TP.HCM, đến năm 2024, các doanh nghiệp dệt may không đáp ứng được các tiêu chí xanh của EU sẽ bị áp Thuế Bảo vệ môi trường.

Khi đó, doanh nghiệp phải mua tín chỉ cacbon với giá 86 USD/tấn khi xuất khẩu vào thị trường này. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu một vài triệu sản phẩm/năm thì sẽ không đủ tiền mua tín chỉ này. Nhưng đến thời điểm này, TP.HCM mới chỉ có 5-10% doanh nghiệp dệt may đạt các tiêu chuẩn của xanh châu Âu (EU).

Ông Việt cho biết, để sản xuất xanh thì phải xanh từ đầu vào đến đầu ra, từ khâu thiết kế, lựa chọn nguyên liệu, công nghệ đến tiêu dùng. Điều này đối với doanh nghiệp lớn thì có thể chủ động làm được, còn đối với doanh nghiệp nhỏ chỉ làm gia công thì khó nên cần có chính sách hỗ trợ cụ thể.

“Đối với doanh nghiệp Việt Nam thì hiện nay khó khăn là họ chỉ đánh giá theo công đoạn nên nếu là doanh nghiệp gia công hoặc FOB (chỉ định) thì rất khó. Doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng hàng hóa có tiêu chuẩn thì doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện và họ sẽ tư vấn cho mình nhưng chậm. Vì vậy, chúng phải có kế hoạch, nhà tư vấn thiết kế dây chuyền như thế nào cho hiệu quả nhất và phân tích kĩ thì mới đầu tư” - ông Việt nói.

Không chỉ dệt may mà ở nhiều lĩnh vực khác việc chuyển đổi xanh cũng khó khăn, vì 97% doanh nghiệp của TP.HCM là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên yếu cả vốn lẫn công nghệ. Doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh thì khó do khung pháp lý chưa đầy đủ để ngân hàng mạnh dạn cho vay.

Về năng lượng, mỗi năm TP.HCM tiêu thụ 25 tỷ Kwh điện, chiếm 10% tổng năng lượng của cả nước, trong đó năng lượng sạch, điện mặt trời chỉ chiếm 7%. Phương tiện giao thông công cộng ít, 86% người dân TP.HCM đi xe gắn máy, xe sử dụng điện chiếm tỷ lệ rất thấp… Đây cũng là thách thức lớn của TP.HCM trong tăng trưởng kinh tế xanh, vì việc sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo cần vốn lớn.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong việc tăng trưởng kinh tế xanh của Singapore, PGS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên cao cấp Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore cho rằng: TP.HCM và Singapore đều có những điểm tương đồng về tiềm năng lớn khai thác năng lượng mặt trời, làm điện mặt trời mái nhà.

Trong chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, TP.HCM cần cấu trúc, tổ chức thực hiện với người chịu trách nhiệm cụ thể, có nguồn lực thỏa đáng để quyết định và chịu trách nhiệm. Ngoài ra, Chính phủ cần có một tổ hỗ trợ nhằm tháo gỡ những vấn đề về cơ chế, chính sách cho địa phương, doanh nghiệp.

PGS.TS Vũ Minh Khương chia sẻ thêm: “Kinh nghiệm của Singapore, Chính phủ bỏ ra 70% để các doanh nghiệp thực hiện các dự án xanh. Doanh nghiệp nào có dự án xanh nào hay thì Chính phủ sẽ bỏ ra khoản đầu tư ban đầu để thúc đẩy, đặc biệt là dự án tiết kiệm điện. Singapore có cơ quan chịu trách nhiệm là Tổng cục Năng lượng về việc chuyển đổi năng lượng này mà tôi có kiến nghị Việt Nam nên tổ chức. TP.HCM có Nghị quyết 98 rất hay mà chúng ta vận dụng làm thế nào ít nhất 50% tòa nhà có điện mặt trời”.

Sẽ có bộ tiêu chí đánh giá, đo lượng phát thải

Còn ở một số nước châu Âu, để thúc đẩy tăng trưởng xanh, các nước không chỉ đánh thuế đối cao đối với các sản phẩm không đạt tiêu chí xanh mà còn có chính sách hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp sản xuất xanh, người tiêu dùng xanh.

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Eurocham chia sẻ kinh nghiệm: “Ở châu Âu kinh tế xanh có rất nhiều chính sách, đối với người tiêu dùng nhiều nước áp dụng ưu đãi giảm thuế mua sắm đồ dùng, máy móc thiết bị tiết kiệm điện phục vụ cho căn nhà của họ. Nhiều nước châu Âu giảm thuế, có tiền tài trợ trực tiếp cho doanh nghiệp sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng”.

Để đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất xanh, TP.HCM cần cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, từ năm 2012, Việt Nam đã có một số văn bản vi phạm pháp luật về kinh tế xanh, nhưng chỉ ở mức định hướng, chưa có cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp. Vì vậy, cơ quan chức năng cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách này và đặc biệt TP.HCM cần vận dụng tốt Nghị quyết 98 cho kinh tế xanh.

Về cơ chế, chính sách, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Hiện nay, TP.HCM đang tập trung xây dựng khung chính sách về phát triển kinh tế xanh. Khung chính sách này sẽ hoàn thiện trong năm sau. Bên cạnh đó, TP cũng xây dựng thêm bộ tiêu chí đánh giá, đo lường phát thải của các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước để có cơ chế, chính sách khuyến khích.

“Chúng ta sẽ xây dựng bộ tiêu chí đo lường được việc phát thải, quản trị phát thải và giảm thải. Mỗi một doanh nghiệp phải biết mình sử dụng năng lượng như thế nào, thải bao nhiêu tấn cacbon. Ngành sản xuất, ngành công nghiệp, ngành nông nghiệp… có tiêu chí như thế thì chúng ta mới có chính sách phù hợp, chính sách khuyến khích. Doanh nghiệp nào sử dụng ít năng lượng, năng lượng ít phát khí thải thì sẽ được hưởng ưu đãi như thế nào” - ông Võ Văn Hoan nói.

Hiện nay, số doanh nghiệp của TP.HCM chiếm 30% doanh nghiệp của cả nước và lượng phát thải nhà kính chiếm đến 23% tổng lượng phát thải nhà kính của cả quốc gia. Đây là thách thức của TP.HCM trong phát triển kinh tế xanh.

Tuy nhiên, việc TP.HCM đang tập trung xây dựng những khung chính sách đồng bộ, thiết thực, sát thực tiễn sẽ là cơ sở khuyến khích, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp, đồng thời huy động được nhiều nguồn lực trong và ngoài nước tham gia.

Các tin khác