LTS: Những ngày qua lãi suất trên thị trường liên ngân hàng liên tiếp tăng nóng, có lúc kỳ hạn 1 tuần đã leo đến trên 30%/năm, không thua gì lãi suất vay nóng tín dụng “đen”. Phải chăng các NHTM bị mất thanh khoản và vì sao việc này xảy ra khi trước đó NHNN tuyên bố sẵn sàng can thiệp thanh khoản cho các NHTM? ĐTTC giới thiệu ý kiến phân tích của Th.S Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, xoay quanh vấn đề này.
Kẽ hở đầu ra
Nhìn bề nổi của cơn sốt lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có thể thấy các NHTM nhỏ bị sụt giảm mạnh vốn huy động, trong khi không dám vượt rào lãi suất vì ngại NHNN xử lý nên đành cầu cứu vay vốn trên thị trường liên ngân hàng.
Các NHTM lớn thừa vốn nhân cơ hội này làm giá lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Tuy nhiên, “tảng băng chìm” của thực trạng này là sự mất cân đối trong đầu vào và đầu ra của hệ thống NHTM.
NHNN dù có bơm ra nhiều cũng chỉ là cung tiền cơ sở (M1) trên thị trường liên ngân hàng chứ không tạo ra cung tiền vào nền kinh tế (M2) nên không phải lo tác động lên lạm phát. Như vậy, có thể thấy nếu giám sát chặt được tất cả đầu ra vốn tín dụng của các NHTM, không nhất thiết NHNN phải áp trần lãi suất huy động hay trần lãi suất liên ngân hàng như nhiều ý kiến đề xuất trước đó. |
Năm nay, hạn mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống NHTM bị chặn ở mức không quá 20%; các quy định tỷ lệ góp vốn vào các định chế ngân hàng cũng hạn chế kênh đầu tư của các NHTM; việc nắm giữ các tài sản tài chính như ngoại tệ bị hạn chế từ quy định về trạng thái ngoại tệ; kinh doanh vàng cũng bị chặn khi các NHTM không được kinh doanh trực tiếp mà phải thành lập công ty kinh doanh vàng; đầu tư vào trái phiếu hiện nay cũng bị tính vào dư nợ, các NHTM chỉ còn cửa đầu tư trái phiếu chính phủ…
Với những quy định trên tưởng chừng NHNN đã nắm bắt cụ thể và dự kiến được lượng vốn sẽ bơm ra từ hệ thống NHTM trong năm nay, từ đó có thể linh hoạt điều hòa dòng vốn trên thị trường mở phù hợp với đầu ra của các NHTM. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn một kênh đầu ra cho tín dụng của các NHTM là ủy thác đầu tư, mà NHNN chưa “sờ gáy”, dù trước đó NHNN đã nhận thấy được kẽ hở này.
Vì vậy, thời gian qua không ít tổ chức, doanh nghiệp có tiền ủy thác đầu tư cho NHTM để lách trần lãi suất, NHTM lại ủy thác đầu tư cho doanh nghiệp khác để lách hạn mức tăng trưởng tín dụng. Và vụ vỡ nợ gần đây nhất trên TTCK cũng có sự tiếp tay của các NHTM trong việc sử dụng chiêu bài ủy thác đầu tư.
Ở nước ngoài, nghiệp vụ ủy thác đầu tư được giám sát chặt chẽ. Các NHTM muốn thực hiện nghiệp vụ này phải thông qua công ty quản lý quỹ quản lý tài sản. Vì thế, thay vì bỏ ngỏ NHNN nên có quy định hạn chế nghiệp vụ ủy thác đầu tư. Theo đó, các NHTM thực hiện ủy thác buộc phải thông qua công ty quản lý.
Các công ty quản lý quỹ này sẽ giám sát chặt chẽ danh mục đầu tư thông qua các báo cáo định kỳ gửi cơ quan quản lý. Khi đó NHNN có thể can thiệp hạ nhiệt thị trường lãi suất liên ngân hàng thông qua việc bơm vốn trên thị trường mở với mức lãi suất do NHNN ấn định, chẳng hạn 14-15%/năm.
Trường hợp các NHTM nhỏ không đủ điều kiện để vay tái chiết khấu hay tái cấp vốn với NHNN, phải vay liên ngân hàng, NHNN vẫn có thể tác động lên thị trường liên ngân hàng. Bởi nếu đã bịt đầu ra, các NHTM lớn không thể nào “găm” giữ vốn, buộc phải hạ lãi suất cho vay với các NHTM nhỏ.
Vui ngắn, buồn dài
Thông tư 13 của NHNN ra đời năm 2010 trong bối cảnh khủng hoảng đúng với tinh thần Basel III mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng. Cụ thể, Thông tư 13 quy định tỷ lệ cho vay trên vốn huy động không được quá 80%. Thông tư 19 bổ sung quy định các NHTM chỉ được sử dụng 25% tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi kho bạc để cho vay.
Có thể các quy định này được coi là khắt khe khi làm chi phí vốn huy động của các NHTM tăng lên, nhưng nó giúp tiền dự trữ để thanh toán của các NHTM tăng lên, giúp các ngân hàng có thể đảm bảo thanh khoản ngắn hạn. Tuy vậy, ngày 30-8-2011 NHNN đã bãi bỏ quy định cho vay trên vốn huy động không quá 80% bằng Thông tư 22, với lập luận để các NHTM được sử dụng lượng tiền nhiều hơn, khơi thông dòng vốn để giảm lãi suất cho vay.
Trong bối cảnh nguồn vốn khó khăn, nhiều ngân hàng tư vấn khách hàng cẩn trọng trước khi vay vốn. Ảnh: LÃ ANH |
Nghĩa là, theo Thông tư 22, các NHTM huy động được 10 đồng, được phép cho vay cả 10 đồng thay vì chỉ được cho vay 8 hay 8,5 đồng như quy định trước đó. Cho vay nhiều lợi nhuận nhiều, đương nhiên các NHTM tìm mọi cách cho vay hết vốn huy động. Việc không giữ lại một tỷ lệ dự trữ sẽ khiến các NHTM phải đối mặt với việc rút vốn tiền gửi.
Vào tháng 9, khi NHNN siết mạnh trần lãi suất huy động 14%/năm với những quy định xử phạt mạnh tay, các NHTM nhỏ “mải vui vẻ” với những quy định của Thông tư 22, đã quên đi nỗi lo lớn nhất là thanh khoản. Và hệ quả tất yếu là phải vay nóng trên thị trường liên ngân hàng.
Như vậy, có thể thấy Thông tư 22 làm “cái hồn” chống khủng hoảng của Thông tư 13 không còn nữa, đã khiến các NHTM tái lập thời kỳ của năm 2008: Mất thanh khoản và làm lãi suất liên ngân hàng nhảy vọt lên 30%/năm.
Phải chăng NHNN đang làm trầm trọng hơn vấn đề rút vốn tiền gửi ở các NHTM? Bởi lẽ để giải quyết vấn đề này, NHNN chỉ cần siết trần lãi suất huy động chứ không nhất thiết phải ban hành Thông tư 22. Khi đó, dù người dân có rút tiền gửi, các NHTM vẫn có thể đảm bảo thanh khoản; đồng thời việc siết trần lãi suất 14%/năm cũng đã làm giảm chi phí vốn thực tế của hệ thống NHTM, giúp giảm lãi suất cho vay ra nền kinh tế.
Thực tế “cơn sốt” lãi suất liên ngân hàng hiện nay cho thấy vấn đề thanh khoản đang trở nên đáng lo ngại trong khi chính sách của cơ quan quản lý chỉ mới tập trung vào việc gia tăng tiêu chuẩn an toàn vốn chứ chưa chú trọng vào việc nâng cao khả năng đảm bảo thanh khoản của các NHTM.
Cơ chế điều hành hiện nay của NHNN vô hình trung đang tạo cơ hội kiếm lợi lớn cho các “đại gia” NHTM, gây rủi ro rất lớn cho các NHTM nhỏ. Đặc biệt nếu các NHTM lớn cứ tiếp tục găm giữ vốn, tạo nên cơn khát vốn của các NHTM nhỏ và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn tăng cao, bài toán giảm lãi suất cho vay khó có thể giải quyết, bế tắc thị trường tiền tệ khó được khơi thông.