Cẩn trọng phá trần nợ công

Trong khi lo ngại về áp lực nợ công ngày càng lớn, báo cáo của Chính phủ khẳng định nợ công hiện vẫn đang ở ngưỡng an toàn. Tại phiên họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ đã thống nhất đề nghị Quốc hội cho phép phát hành 58.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP) để thực hiện dự án mở rộng Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14. Liệu áp lực thúc đẩy tăng trưởng có khiến nợ công mất an toàn hay không, khi mà báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa công bố nợ công của Việt Nam, nếu tính cả phần vay nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), có thể lên đến 95% GDP.

Trong khi lo ngại về áp lực nợ công ngày càng lớn, báo cáo của Chính phủ khẳng định nợ công hiện vẫn đang ở ngưỡng an toàn. Tại phiên họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ đã thống nhất đề nghị Quốc hội cho phép phát hành 58.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP) để thực hiện dự án mở rộng Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14. Liệu áp lực thúc đẩy tăng trưởng có khiến nợ công mất an toàn hay không, khi mà báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa công bố nợ công của Việt Nam, nếu tính cả phần vay nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), có thể lên đến 95% GDP.

Tăng đầu tư công để thúc đẩy tổng cầu

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô vừa công bố cuối tháng 5, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, đến nay tổng cầu của nền kinh tế còn yếu và chưa có sự cải thiện đáng kể. Vì vậy trong những tháng còn lại của năm, chính sách vĩ mô cần ưu tiên hơn cho tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% năm 2013.

Theo TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ngoài các giải pháp hỗ trợ thị trường cần có những giải pháp mạnh hơn nhằm tạo cầu thông qua các biện pháp đẩy mạnh tốc độ chi đầu tư công vào những công trình trọng điểm, những dự án có kế hoạch sớm hoàn thành trong năm 2013 và có thể hoàn thành trong năm 2014.

Việc phát hành trái phiếu để có vốn thực hiện các dự án hạ tầng giao thông đã được đặt ra từ kỳ họp trước của Quốc hội, nhưng chúng ta cũng đang đứng trước bối cảnh áp lực nợ công. Vì thế, nếu thực hiện phải có giải pháp quản lý, sử dụng việc phát hành trái phiếu hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đồng thời công khai để nhân dân giám sát.

TS. NGUYỄN ĐỨC KIÊN,
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Tại phiên họp thường kỳ tháng 5, vấn đề được Chính phủ tập trung thảo luận và đi đến quyết định sẽ kiến nghị Quốc hội cho phép phát hành TPCP thay vì phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có sự bảo lãnh của Chính phủ để thực hiện dự án mở rộng Quốc lộ 1A, và các dự án trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua Tây nguyên.

Đây là những tuyến đường huyết mạch của đất nước nhưng hiện đã quá tải, yêu cầu cải tạo mở rộng đang rất cấp bách. Thực ra từ năm 2012, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội  xin phương án phát hành trái phiếu để thực hiện các dự án này. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho phép phát hành TPDN có bảo lãnh của Chính phủ để thực hiện.

Hơn 1 năm qua, dù Bộ GT-VT và các doanh nghiệp đã khẩn trương tiến hành các công việc chuẩn bị để phát hành TPDN có bảo lãnh của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam, khi tính toán lại thấy rằng thời điểm này rất khó khăn với doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất ngân hàng hiện nay, chi phí sau cùng tính vào chi phí làm đường sẽ rất cao. Do vậy, Chính phủ đã quyết định thay đổi phương án phát hành trái phiếu để nguồn vốn khả thi hơn.

Ủng hộ phương án mới của Chính phủ, tuy nhiên chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch cho rằng với phương án này phải có sự điều chỉnh kế hoạch TPCP giai đoạn 2011-2015, cụ thể là cần phá mức trần được phép phát hành trái phiếu là 225.000 tỷ đồng.

Theo ông Lịch, sở dĩ phải xin Quốc hội phá trần vì trong 5 năm từ 2011-2015, tổng vốn phát hành TPCP được Quốc hội giao là 225.000 tỷ đồng, tương đương mỗi năm 45.000 tỷ đồng.

Ngân sách trước “vòng xoáy” nợ nần

Tăng chi đầu tư công vào các dự án trọng điểm về hạ tầng, một mặt sớm giải quyết được ách tắc về giao thương giữa các vùng kinh tế và giảm tai nạn giao thông, mặt khác còn có tác động tích cực tới nhiều ngành sản xuất khác như xây dựng, vật liệu xây dựng, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

Thế nhưng, nhiều chuyên gia lo ngại nếu phát hành quá nhiều trái phiếu, nợ công có thể tăng cao quá ngưỡng an toàn trong khi khả năng trả nợ đang ngày càng phát sinh nhiều vấn đề.

Việc phát hành trái phiếu để có vốn thực hiện các dự án hạ tầng cần được công khai và sử dụng hiệu quả. Ảnh: LONG THANH

Việc phát hành trái phiếu để có vốn thực hiện các dự án hạ tầng
cần được công khai và sử dụng hiệu quả. Ảnh: LONG THANH

Trên thực tế đối với nợ công, chi trả nợ gốc năm 2012 đã tái diễn tình trạng thường xuyên vượt dự toán từ 16-26% trong mấy năm gần đây, tình trạng này rất có thể lặp lại trong năm 2013 khi dự toán chi trả nợ gốc là gần 61.000 tỷ đồng - chiếm hơn 6% tổng chi cân đối ngân sách nhà nước.

Nếu tính gần 43.000 tỷ đồng chi trả nợ lãi thì tổng chi trả nợ năm 2013 chiếm tới 10,6% tổng chi cân đối ngân sách nhà nước. Nhiều ý kiến đang kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh mục tiêu bội chi ngân sách 4,8% của năm 2013, nhưng cũng có ý kiến phản bác quan điểm này.

Chuyên gia tài chính, TS. Vũ Đình Ánh phân tích, để bù đắp bội chi Việt Nam buộc phải vay trong nước và vay nước ngoài. Do số nợ vay được sử dụng vào những mục đích không sinh lợi nên toàn bộ số chi trả nợ gốc phải trông vào phát hành nợ mới, đặc biệt là vay trong nước và ngân sách nhà nước Việt Nam đang đứng trước “vòng xoáy” nợ nần với quy mô nợ Chính phủ ngày càng lớn. 

Đến hết năm 2011, nợ công Việt Nam theo báo cáo của Bộ Tài chính chiếm khoảng 54,9% GDP. Nhưng báo cáo về nợ công vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố cho rằng mầm mống đe dọa tính bền vững lại đến từ những khoản nợ xấu của khu vực DNNN mà ngân sách nhà nước có thể phải đứng ra trả thay.

Nếu tính thêm cả khoản nợ của khu vực DNNN mà không được Chính phủ bảo lãnh như nợ nước ngoài, trái phiếu trong nước và nợ hệ thống ngân hàng thì nợ công Việt Nam lên xấp xỉ 95% GDP, vượt xa so với ngưỡng an toàn 60% GDP được các tổ chức quốc tế khuyến cáo.

Trên thực tế, nhiều DNNN lâm vào cảnh phá sản đã được Chính phủ hỗ trợ ở mức tối đa dưới hình thức bổ sung vốn, khoanh nợ, giãn nợ, chuyển nợ, xóa nợ. Những "ngân sách mềm" này, theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cuối cùng sẽ khiến chi tiêu ngân sách tăng và trở nên liên tục thâm hụt. Để bù đắp phần chi tiêu ngân sách cho DNNN, Nhà nước buộc phát hành trái phiếu, như vậy nợ công sẽ càng tăng.

Cải cách tài khóa toàn diện

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, tăng chi đầu tư công vẫn được xem là một cứu cánh trong ngắn hạn. Nhưng với tầm nhìn dài hơn, cần giải bài toán tăng trưởng - nợ công một cách hợp lý nhất. Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng với những thách thức tài khóa và nợ công hiện nay, đã đến lúc Việt Nam cần có một cuộc cải cách tài khóa triệt để và toàn diện nhằm đưa ngân sách dần trở về trạng thái cân bằng nhằm bảo đảm tính bền vững của nợ công.

Nếu thâm hụt ngân sách cơ bản được duy trì ở mức 1% GDP thì tỷ lệ nợ công/GDP sẽ tăng lên mức 57,7% vào năm 2020 với kịch bản tốt, 62,9% với kịch bản trung bình và 68,5% với kịch bản xấu. Nếu thâm hụt ngân sách cơ bản tăng lên mức 2% GDP, năm 2020 nợ công sẽ tăng lên mức 66,1% với kịch bản tốt, 71,8% với kịch bản trung bình và 78% GDP với kịch bản xấu... Cuối cùng, nếu thâm hụt ngân sách cơ bản tăng mạnh lên mức 3% GDP thì nợ công năm 2020 sẽ lần lượt cán mốc 74,5% với kịch bản tốt, 80,8% với kịch bản trung bình, và 87,5% GDP với kịch bản xấu. Trong trường hợp này, nguy cơ khủng hoảng nợ công xảy ra rất rõ ràng trong mọi kịch bản của nền kinh tế.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Việc sớm chuẩn bị cho một kế hoạch tài khóa bền vững dài hơi là rất cần thiết để giúp nền kinh tế tránh được những cú sốc tài khóa tiêu cực trong tương lai. Chính vì thế, nhóm nghiên cứu kiến nghị cần thành lập Ban Giám sát nợ công thuộc Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội.

Cơ quan này sẽ theo dõi, quản lý và giám sát nợ công một cách sát sao, khách quan và độc lập với quyền được truy cập mọi thông tin về nợ công và nợ nước ngoài từ các bộ, ngành. Các thông tin này phải bao gồm chi tiết về quy mô, kỳ hạn, lãi suất, tiền tệ, chiến lược… của mọi khoản nợ trong nước cũng như nợ nước ngoài.

Đây sẽ là cơ sở cho những người giám sát và quản lý nợ công có thể theo dõi, phân tích và giám sát tổng nợ của khu vực công và từ đó đưa ra các tham mưu chính sách phù hợp cho Quốc hội. Ban Giám sát nợ công sẽ thực hiện và giúp Ủy ban Tài chính-Ngân sách lập báo cáo tổng thể về giám sát và quản lý nợ công trình Quốc hội xem xét hàng quý. Một khi đã được ban hành, Ban Giám sát nợ công cần phải theo dõi sát sao việc tuân thủ kỷ luật tài khóa này của Chính phủ.

Một kiến nghị khác được đưa ra là tập trung phát triển thị trường nợ trong nước. Trong ngắn hạn, Chính phủ có thể phải chấp nhận chi phí vay mượn trong nước cao nhằm phát triển thị trường TPCP.

Tuy nhiên, theo thời gian, khi thị trường này phát triển và có tính thanh khoản cao hơn, Chính phủ có thể huy động được vốn với chi phí thấp. Sự phát triển của thị trường TPCP sẽ giúp cho Chính phủ huy động được vốn với kỳ hạn dài, lãi suất cố định và đặc biệt là bằng nội tệ.

Do vậy, các rủi ro liên quan đến lãi suất, tỷ giá và đảo nợ sẽ được giảm thiểu. Ngoài ra, sự phát triển của thị trường TPCP thứ cấp còn giúp kéo theo sự phát triển của thị trường TPDN, vì TPCP là tiêu chuẩn để xác định rủi ro của các công cụ nợ khác.

Các tin khác