Cần vũ khí phòng vệ hữu hiệu

Hội nhập kinh tế thế giới ngoài những mặt tích cực cũng đã gây ra nhiều hệ lụy và sức ép đối với cộng đồng doanh nghiệp. Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Hùng Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Thành Nam, cho rằng doanh nghiệp đang rất cần được tiếp sức để tháo gỡ khó khăn.

Hội nhập kinh tế thế giới ngoài những mặt tích cực cũng đã gây ra nhiều hệ lụy và sức ép đối với cộng đồng doanh nghiệp. Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Hùng Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Thành Nam, cho rằng doanh nghiệp đang rất cần được tiếp sức để tháo gỡ khó khăn.

Hội nhập khi sức khỏe còn yếu

PHÓNG VIÊN: - Ông nhận định như thế nào về cơ hội và thách thức của doanh nghiệp sau khi Việt Nam gia nhập WTO và các FTA?

Lãi suất vay vốn sản xuất kinh doanh cần được giảm nhanh, vì hiện nay Việt Nam là nước có mức lãi suất vay vốn cao nhất khu vực ASEAN. Trong giai đoạn sức tiêu thụ toàn cầu suy giảm, lợi nhuận doanh nghiệp làm ra nhiều lúc không đủ bù lãi suất, khiến họ không còn vốn tái đầu tư, cạn kiệt sức cạnh tranh.

- Ông NGUYỄN HÙNG CƯỜNG: - Sau khi gia nhập WTO và thỏa thuận một số FTA với các nước, nước ta được hưởng một số lợi ích nhất định. Với những cam kết này, hàng hóa từ Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và cạnh tranh bình đẳng với nhiều đối thủ khác, không vướng rào cản về thuế và hạn ngạch.

Tuy nhiên, việc giảm thuế quan, ràng buộc tất cả các dòng thuế và phải dỡ bỏ hàng rào phi thuế quan trong một thời gian nhất định theo quy chế tối huệ quốc, quy chế đối xử quốc gia cho các quốc gia thành viên khác của WTO, đã khiến các doanh nghiệp trong nước chịu cạnh tranh khốc liệt hơn.

Trong khi đó, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hàng gia công, nên khi vào WTO các doanh nghiệp được hưởng lợi rất ít. Hơn nữa, theo quy định quy tắc xuất xứ, để được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu, trị giá nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa phải thấp hơn 65%, trong khi doanh nghiệp Việt Nam lại phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu.

- Trước thềm WTO, các doanh nghiệp đã kỳ vọng gì và đến nay cảm nhận như thế nào?

- Khi Việt Nam gia nhập WTO, tất cả doanh nghiệp đều nghĩ rằng con đường kinh doanh những năm tiếp theo sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Bởi khi hội nhập quốc tế, chắc chắn Nhà nước sẽ ban hành các chính sách giảm thuế, cải cách thủ tục hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn để có thể giữ vững thị phần trong nước và gia tăng sản lượng xuất khẩu, mở rộng thị trường mới.

Nhưng thực tế, nhìn lại hơn 5 năm vào WTO và đạt được các thỏa thuận FTA với một số nước, các ngành nghề, đặc biệt là ngành thép đang chịu sức ép rất lớn. Cứ mỗi năm đi qua, doanh nghiệp lại thấy khó khăn mới chồng lên khó khăn cũ, do chính sách thuế xuất nhập khẩu của nước ta lẫn nhiều nước trong WTO, hay các nước đã thỏa thuận FTA lại thay đổi liên tục, gây khó cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để bảo hộ sản xuất, các quốc gia còn xây dựng nhiều rào cản mang tính phi thị trường, bằng các thủ tục hành chính khiến cơ hội xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước ngày càng thu hẹp.

Thép là ngành sản xuất chịu nhiều sức ép khi hội nhập. Ảnh: CAO THĂNG

Thép là ngành sản xuất chịu nhiều sức ép khi hội nhập. Ảnh: CAO THĂNG

O ép bên ngoài, bất ổn bên trong

- Ông có thể nói cụ thể Công ty Thành Nam đã chịu những tác động gì sau WTO và các FTA?

- Trước khi nước ta hội nhập, các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp đã xuất khẩu sang hơn 30 nước trên thế giới. Tuy nhiên, sau khi gia nhập WTO, hàng hóa lại không thể tiếp cận với những thị trường cũ và các đối tác cũ cũng dần mất hết do sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam liên tục đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá.

Chẳng hạn tại Brazil, trước đây, Công ty Thành Nam xuất khẩu thép sang thị trường này khá lớn, nhưng từ năm 2012, họ bắt đầu đánh thuế chống bán phá giá với mặt hàng thép. Ngay cả các nước trong khu vực ASEAN cũng áp dụng thuế chống bán phá giá để hạn chế nguồn hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Mới đây nhất, trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Chống bán phá giá Indonesia đã được Bộ Thương mại Indonesia chấp thuận, Bộ Tài chính nước này đã thông báo mức thuế nhập khẩu bổ sung từ 5,9-55,6% sẽ được áp dụng trong thời gian 3 năm đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.

Theo Bộ Thương mại Indonesia, việc áp đặt thuế chống bán phá giá thép nhập khẩu nói trên là hoàn toàn tuân thủ nguyên tắc của WTO, cho phép một quốc gia thực hiện biện pháp này trong trường hợp sản phẩm nhập khẩu được bán dưới giá thành sản xuất.

Thế nhưng phía Việt Nam, dù hàng ngoại lấn sân, chiếm lĩnh thị trường nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa có nhiều động thái bảo hộ sản xuất trong nước, đã khiến doanh nghiệp chịu thiệt ở cả thị trường trong và ngoài nước.

- Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông có những đề xuất gì?

- Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Nhà nước nhanh chóng cải cách một số cản ngại thiết thực để doanh nghiệp có thể bứt phá trong thời gian tới. Dù xuất khẩu liên tục đối mặt với các rào cản nhưng thực tế xuất khẩu vẫn khả quan hơn thị trường nội địa vì doanh nghiệp vừa chịu sự ràng buộc của thuế nhập khẩu, vừa bị ảnh hưởng tình trạng hàng lậu, hàng nhái tràn lan trên thị trường.

Tình trạng này nếu không sớm được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp tại thị trường nội địa, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu.

Có thể nói, sau khi gia nhập WTO, các quốc gia khác đã tận dụng triệt để mọi quyền lợi mà WTO mang lại. Ngược lại, Việt Nam hầu như chưa hưởng lợi được gì, trong khi lại thường xuyên đưa ra các chính sách làm khó doanh nghiệp ngay trên sân nhà.

Trước tình hình này, các doanh nghiệp mong rằng Nhà nước sớm rà soát và ban hành các chính sách phù hợp với thực tiễn, tạo lực đỡ cho doanh nghiệp thay đổi thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm để đứng vững trong thời kỳ hội nhập.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác