Căng thẳng cân đối ngân sách

Phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) gặp khó khăn và phải tính đến vay vốn quốc tế; ngân sách hụt do giá dầu, thiếu thanh khoản... Những điều đó đã khiến cân đối ngân sách cho việc chi đầu tư đang đối mặt nhiều áp lực.

Phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) gặp khó khăn và phải tính đến vay vốn quốc tế; ngân sách hụt do giá dầu, thiếu thanh khoản... Những điều đó đã khiến cân đối ngân sách cho việc chi đầu tư đang đối mặt nhiều áp lực.

Nguồn thu gặp khó

 

Kế hoạch phát hành 250.000 tỷ đồng TPCP năm 2015 xem ra không có khả năng hoàn thành, khi hết 9 tháng ngân sách mới huy động được hơn 127.400 tỷ đồng  (bao gồm 1 tỷ USD trái phiếu ngoại tệ), đạt 51% kế hoạch năm 2015.

Để giảm bớt áp lực huy động vốn trong nước, Chính phủ đã trình Quốc hội trong năm 2015-2016 dự kiến phát hành 3 tỷ USD TPCP ra thị trường vốn quốc tế để tái cơ cấu danh mục nợ chính phủ. Kỳ hạn phát hành từ 10 đến 30 năm.

Thẩm tra về nội dung này, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho biết nhiều ý kiến trong ủy ban ủng hộ vì cho rằng trong bối cảnh nguồn lực vốn vay trong nước, ODA... khó khăn, việc cơ cấu lại nợ, không làm tăng nợ nên vay là cần thiết.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần cân nhắc vì đây chưa hẳn là biện pháp hiệu quả, tối ưu, đảm bảo an toàn an ninh tài chính nợ công, vì chỉ kéo dài chứ không giảm khả năng trả nợ. Điều này cũng gây ảnh hưởng đến thị trường vốn trong nước, chưa phù hợp Nghị quyết của Quốc hội vì đây là hình thức vay mới và sử dụng một phần để đảo nợ, trong khi Nghị quyết 78 yêu cầu giảm vay để đảo nợ.

Mặt khác cũng chưa có những phân tích ưu thế của việc phát hành trái phiếu quốc tế so với trong nước, mức độ rủi ro liên quan đến tỷ giá...

Bên cạnh việc huy động vốn, thu ngân sách cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn khi 9 tháng ước đạt 640.400 tỷ đồng, bằng 70,3% dự toán năm (cùng kỳ đạt 81,3%). Nguyên nhân của việc thu gặp khó khăn do thu từ dầu và khí hụt lớn so với dự toán.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, năm 2015, giá dầu chỉ đạt 56,7USD/thùng, giảm trên 43USD/thùng so với giá tính dự toán. Điều đó dẫn đến số hụt thu từ dầu thô và các khoản thu khác khoảng 63.000 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô hụt khoảng 32.000 tỷ đồng, thu nội địa giảm khoảng 12.000 tỷ đồng (do giảm thu từ hoạt động khai thác khí, thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất), thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm khoảng 19.000 tỷ đồng.

Để góp phần xử lý hụt thu ngân sách năm 2015, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép bán bớt phần vốn nhà nước ở một số doanh nghiệp với dự kiến thu về 40.000 tỷ đồng, trong đó 10.000 tỷ đồng được bổ sung ngân sách trung ương. Vừa qua, để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của ngân sách, Bộ Tài chính đã phải tiến hành vay NHNN 30.000 tỷ đồng để bù đắp thiếu hụt ngân sách tạm thời.

Trước tình hình hụt thu trên, trong cân đối vốn đầu tư phát triển, dự kiến khả năng huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2016 khoảng 1.587 ngàn tỷ đồng, bằng khoảng 31% GDP. Dự kiến huy động nguồn vốn đầu tư từ ngân sách khoảng 255,7 ngàn tỷ đồng, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đầu tư từ vốn TPCP 60.000 tỷ đồng, chiếm 3,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; từ vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước khoảng 65.000 tỷ đồng, chiếm 4,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; vốn đầu tư khu vực doanh nghiệp nhà nước khoảng 160.000 tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân khoảng 692.000 tỷ đồng, chiếm 43,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Chi thường xuyên quá lớn

Không nên đưa các khoản thu từ nguồn bán cổ phần vào cân đối thu chi do không đúng nguyên tắc và có sự không rõ ràng, tách bạch. Tôi đồng tình việc sử dụng nguồn tiền này vào việc tái cơ cấu nợ công hoặc đầu tư cho các công trình hạ tầng quan trọng cần vốn. Riêng chi thường xuyên, tôi thấy vẫn còn quá lớn, nên cắt giảm, tinh gọn bộ máy, giảm chi tiền lương nhưng để bộ máy, nhân sự cứ phình to, chi thường xuyên không bao giờ đủ được.

TS. Trần Du Lịch,
Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Theo ông Phùng Quốc Hiển, Chính phủ trình bội chi trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định là 226.000 tỷ đồng, bằng 5% GDP. Theo đó, mức dư nợ công đến hết năm 2015 khoảng 61,3% GDP, trong giới hạn an toàn cho phép (65% GDP).

Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng thực tế sẽ khó giữ mức bội chi ngân sách nêu trên, vì theo báo cáo của Chính phủ mức giải ngân vốn ODA trong năm 2015 sẽ vượt khoảng 30.000 tỷ đồng so với dự toán đã được Quốc hội quyết định; một số khoản đã chi chưa có nguồn bù đắp (như nợ cấp bù chênh lệch lãi suất đối với NH Chính sách xã hội và NH Phát triển Việt Nam…).

Năm 2016, ngân sách vẫn đứng trước sức ép tăng chi ngày càng lớn khi tốc độ tăng thu ở mức 9,4% nhưng tốc độ tăng chi 11%. Trong đó, riêng chi đầu tư phát triển tăng 31,2%, chi thường xuyên tăng 5,8%. Điều đó cho thấy việc cân đối ngân sách đã rất căng thẳng, đó là chưa nói đến ngân sách còn nợ nhiều khoản chi chưa có nguồn thanh toán: nợ xây dựng cơ bản còn lớn; nợ 2 NH chính sách; nợ các chính sách đã ban hành…

Tiết kiệm chi tiêu khi nguồn thu ngân sách ít có khả năng được cải thiện là khuyến cáo của nhiều chuyên gia trong bối cảnh ngân sách đang “quay cuồng” trong việc thu. Khuyến cáo này không thừa khi chính Ủy ban Tài chính - Ngân sách trong thẩm tra về ngân sách 2015 tiếp tục khuyến cáo là vẫn còn tình trạng chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, một số khoản chi ngân sách vượt dự toán, chi tiêu chưa thực sự tiết kiệm triệt để như quy định tại nghị quyết của Quốc hội...

Chính vì vậy, theo các chuyên gia, Chính phủ cần có các biện pháp tiết giảm mạnh chi thường xuyên và cần rà soát, đánh giá kỹ hơn hiệu quả của nhiều chương trình, dự án để có giải pháp tiết kiệm chi thường xuyên một cách triệt để hơn so với năm 2015. Trong đó, cắt giảm mạnh các khoản chi không cần thiết, phô trương hình thức, lãng phí, đặc biệt là các khoản chi khánh tiết, hội nghị, lễ hội, chi công tác nước ngoài…

Các tin khác