Hệ lụy giá dầu giảm

Căng thẳng nguồn thu, phân bổ ngân sách

(ĐTTCO) - Những bất ổn chính trị trên thế giới, kinh tế toàn cầu dự báo khó phục hồi... đang được xem là nguyên nhân khiến giá dầu chỉ loanh quanh 30-60USD/thùng. Việc giá dầu thấp đang tạo một thách thức rất lớn lên ngân sách nước ta khi dự toán thu từ dầu thô khoảng 60USD/thùng, trong khi đó kể từ đầu năm 2016 giá dầu liên tục lao dốc và chỉ còn 30USD/thùng vào ngày 12-1.

(ĐTTCO) - Những bất ổn chính trị trên thế giới, kinh tế toàn cầu dự báo khó phục hồi... đang được xem là nguyên nhân khiến giá dầu chỉ loanh quanh 30-60USD/thùng. Việc giá dầu thấp đang tạo một thách thức rất lớn lên ngân sách nước ta khi dự toán thu từ dầu thô khoảng 60USD/thùng, trong khi đó kể từ đầu năm 2016 giá dầu liên tục lao dốc và chỉ còn 30USD/thùng vào ngày 12-1.

Tiết kiệm tối đa chi phí vận hành khai thác

Giá dầu thực tế năm 2015 bình quân 54,5USD/thùng, trong khi dự toán lên tới 100USD/thùng, đã khiến thu ngân sách từ dầu chỉ đạt 73% dự toán (93.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, mức thu từ dầu vẫn không quá bết bát, bởi lẽ năm 2015 việc khai thác dầu đã được đẩy mạnh bù đắp giá thấp khi sản lượng khai thác vượt 11,5% so với kế hoạch, đạt 18,74 triệu tấn (vượt 2,12 triệu tấn).

Để hoàn thành việc thu ngân sách, ngành tài chính phải phấn đấu thu nội địa tăng 7-8% mới bù đắp được hụt thu về dầu. Thu nội địa năm 2016 dự toán gần 800.000 tỷ đồng. Nhưng nếu tăng 7%, nguồn thu tăng thêm tương đương khoảng 56.000 tỷ đồng. Như vậy khi giá dầu xuống 30USD/thùng mới có thể bù đắp được.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh

Năm 2016, dự toán thu ngân sách từ dầu 54.500 tỷ đồng (tương đương 5% tổng thu ngân sách), giảm 38.500 tỷ đồng so với năm 2015, dựa trên tính toán giá dầu 60USD/thùng. Song, mức giá dự toán này vẫn không dễ dàng đạt được, khi nhiều dự báo đều cho thấy đây là mức giá đỉnh của năm 2016. Theo dự báo Cơ quan Năng lượng Hoa Kỳ, giá dầu trung bình năm 2016 là 50USD/thùng. Hãng Reuters cập nhật dự báo của các tổ chức tài chính, ngân hàng lớn (Bank of America, Citigroup, Morgan Stanley), giá dầu Brent 58USD/thùng. Wood Mackenzie chỉ dự báo 52,3USD/thùng. Bộ Tài chính Nga dự báo đưa xuống 40USD/thùng và khó giảm xuống tới mức 30USD/thùng. Nguyên nhân khiến giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu và kéo dài do cung vượt cầu. Sản lượng hiện tại trên thế giới 93-94 triệu thùng/ngày, nhưng nhu cầu 90-92 triệu thùng/ngày. Trong khi đó các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC tuyên bố không cắt giảm sản lượng để giữ vững thị phần, nguồn cung dầu từ Iran tăng do lệnh trừng phạt của các nước phương Tây được gỡ bỏ, nhu cầu tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc giảm và sự giảm giá mạnh của đồng NDT...

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, quyền Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), 2016 tiếp tục là năm hết sức khó khăn của PVN do giá dầu dự báo thấp hơn giá kế hoạch (60USD/thùng). Theo tính toán của PVN, nếu giá dầu giảm 1USD/thùng, doanh thu giảm 5.400 tỷ đồng, nộp ngân sách giảm 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế giảm 560 tỷ đồng. Để ứng phó, PVN đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực, bằng việc kiểm soát giá thành từng mỏ để xây dựng các giải pháp kinh tế khả thi. Dự kiến giá thành khai thác dầu trung bình tại các mỏ trong nước năm 2016 là 27,4USD/thùng, trong đó mỏ có giá thành cao nhất là Sông Đốc (58USD/thùng), thấp nhất là các mỏ Cửu Long (Sư tử vàng - Sư tử đen giá thành 12,7USD/thùng). Với giá thành tại các mỏ nêu trên, nếu xuất bán Nhà nước có nguồn thu ngân sách 18-20USD/thùng.

Cũng theo ông Khánh, trong trường hợp giá dầu xuất bán trên 45USD/thùng, việc khai thác dầu tại các mỏ sẽ đạt hiệu quả. Nếu giá dưới 45USD/thùng, một số mỏ sẽ gặp khó khăn nếu dừng khai thác Nhà nước không có nguồn thu, PVN lỗ phần chi phí bảo dưỡng mỏ. Vì vậy, để đối phó với phương án này, PVN đã chỉ đạo các đơn vị, nhà thầu thực hiện giải pháp: rà soát tổng thể chi phí từng mỏ, tiết kiệm tối đa chi phí vận hành; cân đối sản lượng và giá thành từng mỏ; tăng cường công tác quản trị rủi ro, các phương thức quản lý tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Quyết liệt chống thất thu

Năm 2015, để đối phó với việc giá dầu liên tục giảm sâu, Bộ Tài chính đã xác định phải thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu tăng thu nội địa để bù đắp số giảm thu do giá dầu giảm. Để thực hiện được nhiệm vụ, cơ quan này đã chỉ đạo ngành thuế, hải quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại các doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng chống chuyển giá, chống gian lận thương mại và buôn lậu qua biên giới; điều tra, khởi tố đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về thuế... Cụ thể, tính đến tháng 12-2015, cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra 68.000 doanh nghiệp, tăng 8,5% so với năm 2014 (số tăng thu qua thanh tra, kiểm tra 10.200 tỷ đồng); thanh tra, kiểm tra 2.421 doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá, có hoạt động giao dịch liên kết, đã giảm lỗ trên 4.400 tỷ đồng, thu trên 39.000 tỷ đồng số nợ thuế, tăng 27,1% so cùng kỳ năm 2014; cơ quan hải quan thu khoảng 838 tỷ đồng nợ thuế quá hạn... Với các giải pháp đồng bộ này, kết thúc 2015 tổng thu ngân sách vượt so với dự toán Quốc hội giao đầu năm gần 8%.

Để hoàn thành các nhiệm vụ tài chính, trong đó có việc thu ngân sách, Bộ Tài chính đã giao các vụ, cục triển khai quyết liệt các biện pháp ngay từ tháng đầu của năm 2016. Tuy nhiên vẫn ưu tiên trong chính sách tài chính, tức hỗ trợ và tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển. Bên cạnh đó, để tận dụng giá dầu giảm sâu, việc quản lý giá sẽ tập trung kiểm soát đầu vào của nền kinh tế, thúc việc giảm cước vận tải... Bộ Tài chính cũng đã xây dựng kịch bản về giá dầu thô 55, 50, 45, 40, 35 và nay là 30USD/thùng để làm cơ sở điều hành ngân sách nhà nước hợp lý cho năm 2016.

Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính

Theo bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, bộ đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ dự toán thu ngân sách, triển khai giao nhiệm vụ thu ngân sách cho các đơn vị trực thuộc và chính quyền cấp dưới, đảm bảo không thấp hơn so với dự toán được giao. Các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan để nắm chắc nguồn thu, nhất là các địa bàn, lĩnh vực, doanh nghiệp trọng điểm thu, có những giải pháp phù hợp để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phát sinh. Phấn đấu tăng thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ở mức cao nhất để bù đắp số giảm thu từ dầu thô; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế, đảm bảo trong phạm vi dự toán được giao. Cùng với đó, quyết liệt kiên quyết xử lý, cưỡng chế, thu hồi nợ thuế theo quy định của pháp luật, giảm nợ đọng thuế, định kỳ công khai các doanh nghiệp nợ thuế; thanh tra chuyên đề về chuyển giá, hoạt động giao dịch liên kết, thương mại điện tử và các lĩnh vực ngân hàng, kinh doanh bất động sản, kinh doanh dược phẩm; tăng cường kiểm tra sau thông quan; giám sát đối với hàng tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, hàng hóa ra, vào các khu chế xuất, kho ngoại quan.

Ở góc độ địa phương, ông Hà Minh Hải, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, cho biết xác định nhiệm vụ công tác thuế năm 2016 sẽ gặp nhiều khó khăn, cơ quan này đã thông qua các giải pháp để hoàn thành dự toán được giao. Trong đó nhiệm vụ quan trọng là hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, duy trì ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách. Cục Thuế sẽ tăng cường đối thoại trực tiếp để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, tiếp thu ý kiến xây dựng phản biện tích cực của người dân và doanh nghiệp về chính sách, thủ tục hành chính để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện pháp luật thuế, tạo môi trường thông thoáng cho người nộp thuế... Còn theo ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường quản lý, khai thác, bồi dưỡng nguồn thu; đẩy mạnh thanh, kiểm tra nhằm ngăn chặn gian lận thuế; tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính...

Quản lý chặt cơ cấu chi

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị ngành tài chính vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh băn khoăn thu ngân sách năm nào cũng vượt kế hoạch, năm sau thu cao hơn năm trước, nhưng cân đối ngân sách lại hết sức khó khăn, căng thẳng. Bội chi vẫn còn cao và chưa thực hiện được mục tiêu đặt ra cả nhiệm kỳ 2011-2015. Phó Thủ tướng đề nghị ngành tài chính cần có sự phân tích, đánh giá và có phương án phù hợp xem cơ cấu chi đã hợp lý chưa. “Hiện nay chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách tăng nhanh và tốc độ tăng cao hơn thu. Do đó cần phải xem xét lại cơ cấu chi thường xuyên. Bên cạnh đó, nhiều nơi chi tiêu lãng phí cần phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ” - Phó Thủ tướng nói.

Căng thẳng nguồn thu, phân bổ ngân sách ảnh 1

2016 sẽ là năm hết sức khó khăn của PVN khi nhiều dự báo giá dầu sẽ xuống dưới giá thành khai thác.

Theo Bộ Tài chính, một trong những mục tiêu quan trọng năm 2016 được bộ này xác định là điều hành, quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, chống lãng phí; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Trong đó, thực hiện phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo đúng quy định và ưu tiên tập trung bố trí kế hoạch vốn được giao năm 2016 đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án, công trình trọng điểm quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang...

Riêng đối với chi thường xuyên, Bộ Tài chính sẽ chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; lồng ghép các chính sách, tiết kiệm triệt để ngay từ khâu phân bổ dự toán và cả trong quá trình thực hiện; cắt giảm tối đa và công khai các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; hạn chế mua sắm ô tô công và trang thiết bị đắt tiền; từng bước thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công đối với một số chức danh và địa bàn phù hợp; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo.

Các tin khác