Để tìm hiểu thêm về những thuận lợi, khó khăn đặt ra cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi tiếp cận thị trường ASEAN, nhất là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Thành, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Thành chia sẻ:
Hiện nay Việt Nam đã hội nhập ASEAN, WTO và đang tiến tới tham gia AEC, sau nữa là ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là cơ hội lớn cho DN Việt Nam phát triển và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, để thành công khi “chơi một cuộc chơi toàn cầu lớn” và thực sự trở thành một phần của ASEAN và thế giới, các DN trong nước cần hiểu rõ những lợi ích sẽ nhận được như giảm thuế, gỡ bỏ hàng rào thuế quan... khi Việt Nam tham gia các tổ chức thương mại thế giới.
Đồng thời, DN phải nhận thức được những thách thức, nguy cơ khi thị trường trở nên cạnh tranh hơn. Xúc tiến thị trường là quá trình tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng, khả năng cạnh tranh và cung ứng. Đây là điều DN Việt Nam cần làm ở các thị trường ASEAN.
PHÓNG VIÊN: - Việt Nam luôn nhập siêu từ các nước ASEAN (năm 2013, Việt Nam đã nhập siêu 2,8 tỷ USD từ thị trường này). Theo ông, nguyên nhân từ đâu?
TS. NGUYỄN ĐỨC THÀNH: - Theo nghiên cứu của chúng tôi, trong vài năm trở lại đây, tỷ giá danh nghĩa của đồng Việt Nam tăng lên nhưng tỷ giá thực tế lại giảm đi, có nghĩa tiền đồng của Việt Nam đang ngày càng mạnh.
Điều này gây ra một nguy cơ rất lớn đối với thị trường xuất khẩu nước ta, bởi hàng sản xuất từ Việt Nam sẽ càng ngày càng đắt lên, trong khi giá nhập khẩu các nguồn nguyên liệu từ các thị trường khác, trong đó có ASEAN lại rẻ đi. Tuy nhiên, đây vẫn là một thực tế và Việt Nam vẫn nhập siêu từ các nước cùng khối, bởi nguyên liệu nhập có giá rẻ hơn so với sản xuất trong nước.
- Theo ông lợi thế so sánh của DN Việt Nam đối với các nước ASEAN là gì và DN cần phải làm gì để khai thác thế mạnh đó?
ASEAN đang đứng trước triển vọng tăng cường hơn nữa vị thế của mình, trở thành khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao. Đây cũng là thời điểm để DN nhạy bén nhận diện và nắm bắt những lợi ích tiềm năng dự kiến từ AEC; tăng quy mô hoạt động của mình với khối thị trường ASEAN và với các thị trường khác. Sự liên thông giữa thị trường ASEAN và các đối tác đã ký FTA có tiềm năng rất lớn, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand. |
- Hiện tại, với tỷ giá đồng Việt Nam mạnh lên như thế, có nghĩa giá rẻ không còn là yếu tố lợi thế nhất của Việt Nam nữa, đặc biệt khi so sánh với Myanmar hay Lào. Tuy nhiên, DN Việt Nam có một lợi thế về địa lý khá quan trọng trong khối ASEAN khi là cầu nối giữa 3 nước Đông Bắc Á, gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước ASEAN.
Không phải ngẫu nhiên Việt Nam được chọn trong khối ASEAN (cùng Singapore và Brunei) để ký Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nhưng để có thể tận dụng được tối đa lợi thế này, DN Việt Nam phải có những hướng đi đúng đắn để có thể hòa nhập sâu ASEAN. Khi tiến trình hội nhập diễn ra, những rào cản về thuế suất, đầu tư, thương mại, con người sẽ bị gỡ bỏ, việc phân hóa ngành lao động sản xuất sẽ diễn ra nhanh chóng, đòi hỏi DN phải định hướng được trong “mâm cỗ” chung này, mình sẽ có vị trí ở đâu?
Trung tâm nông nghiệp, năng lượng, tài chính, công nghiệp, giải trí, nghệ thuật hay là gì của ASEAN? Theo tôi, với đặc tính hội nhập sâu, chúng ta tham gia cuộc chơi muộn hơn các nước khác nên phải tìm hướng đi mới, lựa chọn những đối tác DN có sản phẩm mới mang tính dẫn dắt xu hướng.
Thí dụ, Samsung đầu tư xây hệ thống nhà máy sản xuất smartphone ở Việt Nam - sản phẩm chưa từng có trong khoảng 10 năm trước. Khi đó chúng ta mới có thể thu được lợi ích trong cuộc chơi này.
- Theo ông, đâu là điểm yếu nhất trong cạnh tranh của DN Việt Nam so với DN các nước ASEAN?
- Mặc dù đón đầu nhiều cơ hội do AEC mang lại, song các chuyên gia khuyến cáo sẽ có 5 thách thức lớn đối với các DN Việt Nam. Đó là cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ, thu hút đầu tư, đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại và yêu cầu về chất lượng hàng hóa cũng như phương thức kinh doanh ngày càng cao.
Trong đó, với nhóm các nước ASEAN 6 (Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines), hàng hóa chịu sự cạnh tranh cao như tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã.
Thực tế hiện nay có nhiều yếu tố làm suy giảm khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam như kinh tế vĩ mô bất ổn, môi trường kinh doanh không được cải thiện sau nhiều năm, hiệu quả sử dụng nguồn vốn thấp, lĩnh vực đầu tư tư nhân yếu. Bên cạnh đó, tiết giảm đầu tư công lâu dài sẽ khiến Việt Nam gặp ách tắc về năng suất lao động trong tương lai khi hạ tầng y tế, trường học không được cải thiện...
Tuy nhiên, điểm cốt lõi vẫn là DN Việt Nam tự thân có năng lực cạnh tranh khá thấp. Mặc dù các cơ quan của Chính phủ đã rất nỗ lực mở ra cơ hội mới cho các DN khi ký kết nhiều hiệp định thương mại (FTA), nhưng khi không có năng lực thực sự, càng mở cửa DN Việt Nam càng chịu thiệt.
Trong khi đó, các DN ASEAN như DN Malaysia có tầm nhìn rất xa về tài chính, hoạch định sản phẩm, dây chuyền sản xuất cho tương lai. Chưa nói đến những nước rất mạnh như Singapore. Do đó, nếu muốn cạnh tranh bình đẳng và tận dụng được những ưu đãi thuế quan trước các DN ASEAN khác, DN Việt Nam cần phải có rất nhiều nỗ lực để cải tổ.
Vấn đề cốt yếu hiện nay để DN Việt Nam xác định được vị trí của mình trong hội nhập sâu là khi hoạch định chiến lược, các DN cần xác định rõ mục tiêu chiến lược dài hạn và mục tiêu cụ thể cho từng năm.
Đây là yếu tố rất quan trọng trong hoạch định chiến lược và là cái đích cần đạt tới, tránh trường hợp đưa ra mục tiêu chung chung không rõ ràng. Sau khi xác định được mục tiêu chiến lược, DN phải xác định rõ nội dung và biện pháp để phát huy hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh doanh, xuất khẩu với khối thị trường ASEAN đầy tiềm năng, đang hứa hẹn nhiều vận hội mới.
- Xin cảm ơn ông.