Doanh nghiệp tìm cách giữ chân lao động
Bà Nguyễn Võ Minh Thư - Phó Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, hiện chỉ có một doanh nghiệp báo cắt giảm lao động đối với 25 người. Còn các doanh nghiệp khác bị giảm đơn hàng nhưng vẫn đang giải quyết cho người lao động nghỉ phép năm hoặc bố trí nghỉ luân phiên từ 2-3 ngày/tuần.
Dự báo trong năm 2023, các doanh nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng theo tình hình chung, các ngành cơ khí, hóa nhựa và dệt may da giày sẽ tiếp tục giảm đơn hàng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động với khoảng 12.0000 người trong năm 2023.
“Ban Quản lý cũng thực hiện khảo sát đơn hàng năm 2023 của 240 doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm 2023 thì có sự ảnh hưởng. Có 42% doanh nghiệp giảm đơn hàng với mức giảm trung bình 20%, 35% doanh nghiệp có đơn hàng ổn định” - bà Nguyễn Võ Minh Thư cho biết.
Tại huyện Hóc Môn có 2.597 doanh nghiệp với tổng số 36.000 lao động, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, với 78% là doanh nghiệp có dưới 10 lao động. Trong tháng 11, có 4 doanh nghiệp có tình trạng giảm giờ làm do thiếu nguồn nguyên vật liệu, trong đó có 2 doanh nghiệp vốn nước ngoài. Các doanh nghiệp đã bố trí thay đổi giờ làm để người lao động có điều kiện làm việc.
Còn ở quận Bình Tân, trong số 142 doanh nghiệp 30 lao động trở lên thì có 26 doanh nghiệp với 32.000 công nhân bị ảnh hưởng do cắt giảm đơn hàng.
Có doanh nghiệp thưởng Tết 300 triệu đồng
Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, năm nay có một doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động cao nhất lên đến 300 triệu đồng. Có doanh nghiệp dự kiến không thưởng Tết cho người lao động, nhưng sau khi được quận động viên, công ty này đồng ý thưởng. Riêng tại Công ty PouYuen với 54.000 lao động, mức thưởng tăng 20-30% so với 2022.
Tết Quý Mão 2023 này, quận Bình Tân sẽ chăm lo cho hơn 26.000 công nhân lao động với kinh phí dự kiến 8,6 tỉ đồng từ nguồn vận động, đồng thời vận động chủ nhà trọ tạo điều kiện chăm lo cho công nhân không có điều kiện về quê ăn Tết.
Sau khi giám sát thực tế và làm việc với UBND TP.HCM, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội nhận định, TP.HCM có 110.000 lao động bị ảnh hưởng, chủ yếu là không tăng ca, làm luân phiên và 6.300 lao động bị mất việc làm. Trong khi đó, trong tháng 12/2022 nhu cầu nhân lực Thành phố cần khoảng 23.000 - 25.000 chỗ làm việc.
Như vậy, xét tương quan giữa cung - cầu, cho thấy lượng cầu lớn. Tuy nhiên, có tình trạng nơi người mất việc làm, nơi lại tuyển người không được do tình trạng mất cân đối cung- cầu theo ngành nghề và địa bàn. Lao động bị cắt giảm ở các ngành đang sụt giảm đơn hàng như may mặc, da giày không thể chuyển sang làm việc ở các ngành nghề khác như điện tử, cơ khí, dịch vụ…
“Phải đôn đốc người sử dụng lao động có trách nhiệm với người lao động, đặc biệt trong dịp tết này rất nhạy cảm. Người lao động mà không được thưởng, đã nợ lương mà còn không được thưởng nữa thì rất dễ xảy ra tranh chấp. Đề nghị phải thống kê hết các doanh nghiệp, thưởng Tết bao nhiêu. Có doanh nghiệp nào không thưởng không, nếu không thưởng phải đến tận nơi tìm hiểu lý do” - Ông Lê Văn Thanh nói.
Thực tế đang đặt ra yêu cầu TP và ngành chức năng phải có một khảo sát mang tính tổng thể, để biết lao động cần thêm kỹ năng gì, cần đào tạo lại hay cần chuyển đổi ngay, từ đó tăng cường kết nối cung- cầu việc làm, đồng thời chăm lo đời sống cho người lao động. Đây cũng là yếu tố hạn chế được việc rút bảo hiểm xã hội một lần.