Khi tôi tập tễnh bước vào thế giới điện ảnh thì Hồng Sến đã là một tượng đài. Trong lúc tôi còn loay hoay với những thuật ngữ sơ khai của điện ảnh thì ông đã là một đạo diễn ngôi sao, tên tuổi nức tiếng hàng đầu trong làng phim ảnh với hàng loạt tác phẩm nổi tiếng như “Nước về Bắc Hưng Hải”, “Đường ra phía trước”, “Nghệ thuật của tuổi thơ”, “Bông sen Đồng Tháp”, “Mùa gió chướng”, “Chị Sứ” và nhất là “Cánh đồng hoang” - bộ phim truyện nhiều người trong giới vẫn xưng tụng là một tác phẩm kinh điển trong lịch sử điện ảnh nước nhà.
Và khi tôi bắt đầu đặt khung hình đầu tiên cho bộ phim thực tập đầu tiên của mình thì ông đã ở đỉnh vinh quang của nghề với hàng loạt giải thưởng danh giá cả trong và ngoài nước, như giải Bông sen Vàng 1980 và huy chương vàng Liên hoan phim quốc tế Mát-xcơ-va 1981 dành cho phim “Cánh đồng hoang”.
Tôi học làm phim truyện, nhưng lại gắn bó nhiều hơn với thể loại tài liệu. Vì vậy, những phim tài liệu như “Đường ra phía trước” và “Bông sen Đồng Tháp” của ông đã thực sự thu hút và hấp dẫn tôi. Tôi đã thưởng lãm chúng không chỉ một lần.
Đạo diễn, NSND Hồng Sến và con gái Mai Phương. |
Ông là một nghệ sĩ đầy mẫn cảm. Tôi không rõ ông học cách làm phim như thế nào, nhưng phim của ông đậm tính duy mỹ, thường mang lại những cảm xúc và ấn tượng mạnh mẽ.
Là một nhà quay phim chuyển sang làm đạo diễn, có thể vì thế ngôn ngữ hình ảnh của ông nặng tính biểu hiện hơn là quan tâm đến cốt truyện với những quy luật kết cấu nội tại của nó. Người ta thường nhắc đến hiện thực cuộc sống thời chiến trong phim của ông, còn tôi thì thường nhớ đến tính gợi tả trong những thước phim đó.
Những dòng sông và những con đường chuyển lương tải đạn trong phim "Đường ra phía trước" có một cái không khí tưng bừng, vui tươi mà hình ảnh những chiếc máy bay và vài quả bom nổ chỉ mang thêm sự sống động cho nó.
Thậm chí những hy sinh, mất mát trong đó cũng thể hiện tính lãng mạn chủ quan hơn là mô tả hiện thực. Hay cú dolly ghi hình một buổi luyện múa của đoàn văn công trên những chiếc xuồng ván trong phim "Bông sen Đồng Tháp".
Động tác máy mượt mà hòa lẫn với động tác múa mềm mại uyển chuyển, dáng điệu vươn cao như biểu tượng của những vũ công khiến người xem liên tưởng đến những bông sen dằng dặc rợp ngàn nắng gió trong Đồng Tháp Mười bát ngát. Anh em trong giới thường nói rằng, Hồng Sến giỏi sáng tác đầu bờ.
Với Hồng Sến, tài liệu hay phim truyện cũng thế, kịch bản chỉ là cái cớ để ông đi tìm xúc cảm của mình, và ý tưởng của ông chỉ hình thành trên bối cảnh, trong hiện trường mà ông tìm kiếm và thấy được. Chuyện phim của ông bắt đầu từ đó và kết thúc cũng từ trong đó.
Một số nhà phê bình điện ảnh sau này cho rằng hình ảnh của phim "Đường ra phía trước" trau chuốt quá, bố cục cắt cúp kỹ lưỡng quá, dàn dựng bối cảnh chặt chẽ quá, đạo diễn chạy theo chất thơ quá, đã làm nhòe mất tính hiện thực của phim.
Nhưng xét lại bối cảnh sáng tác thuở ấy, văn học nghệ thuật phải luôn khích lệ tinh thần chiến đấu, mỹ cảm của thời đại phải luôn là: Đường ra trận mùa này đẹp lắm (thơ Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây của Phạm Tiến Duật).
Tư duy nghệ thuật của Hồng Sến là con đẻ của thời kháng chiến, sao ông lại phải nghĩ khác đi? Thực tế chứng minh rằng bất chấp những khiếm khuyết như thế, "Đường ra phía trước" vẫn là một bộ phim tài liệu xuất sắc, được nhiều thế hệ khán giả yêu thích.
Một cảnh trong phim "Cánh đồng hoang". |
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng khi viết xong kịch bản "Cánh đồng hoang" nghĩ rằng không thể trao cho ai ngoài đạo diễn Hồng Sến, vì "ngoài tài năng và tâm huyết của anh, tôi với anh có cùng một vốn sống". Đúng là Hồng Sến am hiểu Đồng Tháp Mười vì ông sinh trưởng từ đó và chính những năm tháng lăn lộn làm phim tại vô vàn cánh đồng hoang ở đây đã giúp ông tường tận từng ngóc ngách của vùng đất nổi tiếng Tây Nam bộ này.
Song quan trọng hơn, tôi nghĩ Nguyễn Quang Sáng ngẫm ngợi nhiều hơn đến bản năng nghệ sĩ của Hồng Sến, ông cho rằng nó đủ mạnh để tạo động lực thúc đẩy câu chuyện phim phát triển.
Kịch bản phim không dài, chỉ vài mươi trang đánh máy; bối cảnh phim đơn sơ như tranh thủy mặc; cấu trúc đơn tuyến, không đặt nền tảng trên kỹ thuật cài chốt hệ thống xung đột như thường thấy; nhân vật ít, đám đông loáng thoáng không kể, chủ yếu đi suốt phim là cặp vợ chồng giao liên, đứa con một tuổi và viên phi công trực thăng Mỹ.
Song chính độ mở của kịch bản lại là điều kiện cần để Hồng Sến khai triển trọn vẹn quan điểm sáng tác của mình. Ông xẻ bối cảnh ra thành nhiều tầng nhiều lớp khác nhau, trên cánh đồng, dưới mặt nước và cắt lát cả khoảng không bao la của nơi đồng không mông quạnh, soi rọi bằng nhiều nguồn sáng, cài đặt tình huống trong từng mảng một, tạo cớ hành động và như vậy ông thúc đẩy nhân vật vận động và phát triển tính cách.
Bằng cách đó, hai tuyến hình tượng tương phản hình thành, rồi xung đột làm cho quan hệ giữa họ dần dần bộc lộ: tình yêu giữa vợ và chồng, tình thương giữa cha mẹ và con cái, sự đối kháng giữa hai thế lực, sự hiện hữu giữa cái sống và cái chết, sự căm thù giữa người yêu nước và kẻ xâm lược. Sự xung đột giữa cỏ cây hoa lá, trời nước gió mây yên ả với cái bạo liệt của sắt thép kỹ thuật cao đã tạo nên biểu đồ chuyển động khác thường cho bộ phim.
"Cánh đồng hoang" mênh mang tiếng chim hót, tiếng cá quẫy, tiếng gió rung cây chính là cuộc sống êm ả thường nhật của một Việt Nam thanh bình bỗng dưng đột biến và náo động ầm ĩ bởi âm thanh chiến tranh phát ra từ tiếng động gay gắt của cánh quạt trực thăng đang quay những vòng hăm hở tìm và diệt.
Có thể tôi không thích lắm mái tóc và hàm râu kiểu hippi của viên phi công trực thăng. Quân đội Mỹ là quân đội nhà nghề, tính chuyên nghiệp và kỷ luật làm nên sức mạnh của họ. Nhưng với Hồng Sến, chi tiết hiện thực chính xác như thế không phải là điều ông quan tâm nhất và hình tượng nhân vật của ông luôn có xu hướng biến thành biểu tượng.
Với tôi, cái kết theo kiểu bi kịch lạc quan của Cánh đồng hoang thể hiện rõ nét mỹ cảm của Hồng Sến: nhiệm vụ của người nghệ sĩ là đi tìm cái đẹp, thể hiện cái đẹp và tôn vinh cái đẹp trên nền tảng của một hiện thực cụ thể, dẫu đó là một hiện thực đổ vỡ, hoang tàn và tơi bời vì khói lửa chiến tranh.
Tôi được biết vừa rồi tại Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội, đã có một cuộc triển lãm ảnh giới thiệu các tác phẩm điện ảnh đặc sắc của Hồng Sến, nhằm vinh danh nhà quay phim - đạo diễn tài ba này.
Tôi nghĩ ông xứng đáng với những danh hiệu cao quý, cũng như những tác phẩm "Đường ra phía trước", "Nghệ thuật của tuổi thơ", "Bông sen Đồng Tháp", "Mùa gió chướng", và nhất là "Cánh đồng hoang", ông xứng đáng nhận được sự trân quý của khán giả yêu chuộng nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.