Cuộc “hôn nhân” nhiều trắc trở
Sự trở lại bất ngờ của ông Ermotti, diễn ra khi UBS phải đối mặt với khó khăn trong việc tiếp nhận gã khổng lồ ngân hàng thứ 2 của Thụy Sĩ sau thương vụ mua lại hồi tháng 3. Thỏa thuận trị giá 3,2 tỷ USD đã được dàn xếp vội vàng trước sự nghi ngờ của các nhà đầu tư về khả năng tồn tại của nó.
Không chỉ vậy, sự rắc rối pháp lý của Credit Suisse đã tăng lên, khi Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ cáo buộc ngân hàng Thụy Sĩ vi phạm thỏa thuận nhận tội năm 2014 với các công tố viên Mỹ trong việc giúp khách hàng trốn thuế. Kết thúc cuộc điều tra kéo dài 2 năm về Credit Suisse, báo cáo của Thượng viện Mỹ cho biết các lãnh đạo Credit Suisse đã giúp che giấu hơn 700 triệu USD của các ông chủ khỏi cơ quan thuế Mỹ.
Giờ đây, ông Ermotti chịu trách nhiệm quản lý các rắc rối pháp lý của Credit Suisse, có thể bao gồm hậu quả từ cuộc điều tra của Thượng viện Mỹ, trong khi ông giám sát việc sáp nhập 2 ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ. Quá trình đó dự kiến liên quan đến các nhiệm vụ nhạy cảm là đóng cửa các bộ phận hoạt động ngân hàng đầu tư của Credit Suisse.
UBS và Credit Suisse là 2 trong số 30 ngân hàng được các cơ quan quản lý chỉ định là “quan trọng về mặt hệ thống toàn cầu”, điều này khiến họ phải tuân theo các quy tắc và giám sát chặt chẽ hơn.
Ông Kelleher, giám đốc tài chính của Morgan Stanley trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cho biết thỏa thuận giữa UBS và Credit Suisse lớn hơn bất kỳ thỏa thuận nào xảy ra trong thời kỳ hỗn loạn vừa qua. Ông Kelleher cũng ám chỉ đến lịch sử thua lỗ và bê bối tài chính của Credit Suisse. Phát biểu trước khi báo cáo của Ủy ban Thượng viện được công bố, ông cho biết việc tiếp quản công ty yếu hơn cần phải bảo vệ UBS.
Trong báo cáo hôm 29-3, Ủy ban Thượng viện Mỹ đã đưa ra những vi phạm thỏa thuận nhận tội năm 2014 của Credit Suisse. Trong số đó có việc cho phép một gia đình có 2 công dân Mỹ-Mỹ Latin không phải báo cáo sự tồn tại của gần 100 triệu USD từng được giữ tại Credit Suisse.
Các nhà điều tra cho biết vụ việc có thể là một trong những vi phạm báo cáo ngân hàng lớn nhất được ghi nhận. Ngoài việc thúc giục Bộ Tư pháp và Sở Thuế vụ theo dõi các phát hiện của mình, Ủy ban Thượng viện nói rằng “bất kỳ tổ chức nào mua lại Credit Suisse” hoặc chính phủ Thụy Sĩ phải trả bất kỳ khoản tiền phạt nào phát sinh từ cuộc điều tra.
"Người hùng" trở lại
Trong nhiệm kỳ cuối cùng của Sergio Ermotti với tư cách là CEO tại UBS, ngân hàng đã cắt giảm hàng ngàn việc làm, tăng cường tập trung và trở thành định chế tài chính thống trị của Thụy Sĩ, trong khi đối thủ Credit Suisse vẫn phân tán về mặt chiến lược và dễ bị tai tiếng. Việc sáp nhập UBS-Credit Suisse là dự án có tầm quan trọng quốc gia đối với Thụy Sĩ và nền kinh tế thâm dụng tài chính của nó. UBS-Credit Suisse khi kết hợp sẽ là ngân hàng quan trọng trong hệ thống toàn cầu.
Ông Ermotti, 62 tuổi, sinh ra ở Lugano, một thành phố thượng lưu ven hồ ở khu vực nói tiếng Ý của Thụy Sĩ, ông Ermotti là nhân viên ngân hàng từ khi còn trẻ. Ông bắt đầu học việc tại một ngân hàng địa phương của Thụy Sĩ, trước khi gia nhập Merrill Lynch vào năm 1987. Ông đã thăng tiến để trở thành đồng giám đốc thị trường chứng khoán toàn cầu của Merrill Lynch trước khi nhận công việc cấp cao tại ngân hàng Ý UniCredit SpA.
Mới làm việc tại UBS được 5 tháng ông Ermotti đã được bổ nhiệm làm quyền Giám đốc điều hành trong một cuộc cải tổ bất ngờ. Một giao dịch giả mạo đã khiến ngân hàng thiệt hại 2,3 tỷ USD và khiến Giám đốc điều hành lúc bấy giờ là Oswald Grübel phải từ chức. HĐQT đã chọn ông Ermotti, người đang giám sát hoạt động kinh doanh tại châu Âu của ngân hàng. Ngay cả trước khi trở thành CEO chính thức, ông đã bắt đầu thực hiện cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ để đưa UBS đi đúng hướng.
Được đặt tên là dự án Tăng tốc, kế hoạch đã khiến UBS cắt giảm phần lớn ngân hàng đầu tư của mình, tập trung chủ yếu vào quản lý tài sản và tiền của người giàu. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, UBS đã phải hứng chịu hậu quả nặng nề, khi giảm 50 tỷ USD cùng các tài sản khác từ năm 2007-2008 và yêu cầu nhà nước cứu trợ.
Ông Ermotti nhận định UBS không thể tập trung vào cả 2 trụ cột là ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản. Vì vậy đã thực hiện dự án Tăng tốc. Kế hoạch đã thành công. Lợi nhuận tăng lên đã đẩy giá cổ phiếu và lấy lại danh tiếng cho UBS. Nhánh ngân hàng đầu tư dù vẫn tham gia các lĩnh vực như sáp nhập, mua lại và giao dịch chứng khoán, nhưng nhánh này không còn là một trụ cột của UBS như trước kia.
Đó là sự tương phản rõ rệt với Credit Suisse, vốn không cần nhận viện trợ của nhà nước trong cuộc khủng hoảng. Credit Suisse đã cắt giảm hết lần này đến lần khác trong hơn 1 thập niên và vẫn đang đại tu ngân hàng đầu tư của mình khi được UBS mua lại. Trong khi UBS tập hợp lại và phát triển, Credit Suisse phải vật lộn với các vụ bê bối và tổn thất liên quan đến các khách hàng có rủi ro cao, một số trong đó vẫn cần được ông Ermotti xử lý.
Vị thế của 2 ngân hàng trên trường thế giới và với các cổ đông cũng thay đổi. Khi ông Ermotti bắt đầu lãnh đạo UBS vào năm 2011, 2 ngân hàng có quy mô và doanh thu tương đương nhau: Credit Suisse có doanh thu 28 tỷ USD và UBS có 30 tỷ USD. Đến năm 2020, UBS đạt doanh thu 32 tỷ USD, trong khi doanh thu của Credit Suisse giảm xuống còn 24 tỷ USD.
Với ngân hàng đã có chỗ đứng vững chắc hơn, ông Ermotti cho biết đã sẵn sàng cho điều gì đó mới mẻ nên rời đi vào năm 2020 và đảm nhận vai trò chủ tịch tại Swiss Re. Giờ đây, cựu giao dịch viên phái sinh ăn mặc giản dị, chỉn chu sắp phụ trách cả 2 ngân hàng này.
“Nhiệm vụ trước mắt rất cấp bách và đầy thách thức” - ông nói trong một tuyên bố, đồng thời cho biết thêm UBS sẽ đánh giá một cách cẩn thận và có hệ thống tất cả lựa chọn khi kết hợp các ngân hàng.
Ông Ermotti phải đối mặt với thách thức là sa thải hàng ngàn nhân viên, cắt giảm hoạt động của Credit Suisse và trấn an những người giàu rằng UBS vẫn là bến đỗ an toàn cho tiền mặt của họ.