Bị Facebook từ chối
Jan Koum là người gốc Do Thái, sinh năm 1976 trong một gia đình nghèo ở ngoại ô Kiev, thủ đô Ukraine. Bố Koum làm quản lý xây dựng bệnh viện và trường học, mẹ làm nội trợ. Năm 16 tuổi, Koum theo mẹ và bà ngoại sang Mỹ định cư trước, dự định sau đó ổn định sẽ đón bố sang. Họ sống nhờ phúc lợi xã hội, từ tem phiếu thực phẩm dành cho những người không mua nổi thức ăn.
Mẹ Koum đi trông trẻ để có thêm tiền trang trải, còn Koum dọn dẹp vệ sinh cho một tiệm tạp hóa. Koum vẫn sử dụng những cuốn vở và bút viết mang sang từ Ukraine vì thiếu tiền mua. Năm 1997, lúc Koum 21 tuổi, bố ông qua đời tại quê nhà. Sau đó 3 năm, mẹ Koum cũng mất ở Mỹ vì căn bệnh ung thư.
Tại trường trung học, Jan Koum không có nhiều bạn bè và bị xem là học sinh cá biệt. Ông suýt nữa không đỗ tốt nghiệp vì học hành chểnh mảng. Jan Koum tìm niềm vui trong chiếc máy tính cũ. Thời gian này, Koum tham gia nhóm hacker tên là woowoo. Với những kinh nghiệm có được từ nhóm hacker này, ông đăng ký thi và đỗ vào Trường Đại học San Jose.
Trong thời gian theo học, ông làm việc cho Công ty Kiểm toán Ernst and Young ở vị trí kiểm tra lỗ hổng bảo mật. Năm 1997, ông tình cờ gặp nhân viên của Yahoo là Brian Acton. Nhờ sự giúp đỡ của Acton, 6 tháng sau Koum được nhận công việc về an ninh mạng ở Yahoo. Koum quyết định nghỉ học để tập trung làm việc cho Yahoo. Sau 9 năm làm cho Yahoo, Koum vươn lên vị trí quản lý cơ sở hạ tầng.
Năm 2007, Koum và Acton cùng nghỉ việc ở Yahoo, dành thời gian đi du lịch Nam Mỹ để tìm kiếm những nguồn cảm hứng mới. Khi trở về, 2 người cùng nộp đơn ứng tuyển vào Facebook, nhưng bị từ chối. Trong thời gian thất nghiệp, Koum nghiền ngẫm về công việc tiếp theo. Mua một chiếc iPhone, Koum nhận thấy mình có thể thành công với những ứng dụng từ App Store. Koum nảy ra ý tưởng cho phép mọi người thiết lập cập nhật tình trạng trên điện thoại của họ.
Ông chia sẻ: “Tôi cảm thấy phiền vì bỏ lỡ rất nhiều cuộc gọi khi ở phòng gym. Do đó tôi nảy ra ý tưởng ứng dụng giúp bạn bè biết người bên kia đầu dây có đang sẵn sàng nhận cuộc gọi hay không, bằng tính năng gọi là “trạng thái”. Ban đầu chúng tôi không định thành lập công ty, chỉ muốn làm ra một sản phẩm mọi người có thể dùng được”. Đến tháng 2-2009, Koum và Acton đồng sáng lập WhatsApp, biến sản phẩm thành ứng dụng nhắn tin.
Thời gian đầu, chi phí để xác minh SMS cho người dùng tiêu tốn khoảng 500.000USD/tháng, đã làm tài khoản ngân hàng của Koum gần như cạn kiệt. Đến tháng 12-2009 họ cập nhật phiên bản mới cho WhatsApp trên iPhone, giúp ứng dụng này có thể gửi cả hình ảnh, lập tức số lượng người sử dụng ngày càng tăng. Để đảm bảo trang trải, WhatsApp đã thu phí sử dụng khoảng 1USD/tháng, giúp đem về doanh thu khoảng 5.000USD vào đầu năm 2010, đủ để trang trải các chi phí sau đó.
Đến tháng 2-2013, khi số người dùng của WhatsApp đạt khoảng 200 triệu và số nhân viên là 50, Acton và Koum quyết định tổ chức gây quỹ và được Quỹ đầu tư Sequoia rót vốn 50 triệu USD, nâng giá trị WhatsApp lên 1,5 tỷ USD. Bộ đôi sáng lập rất quan tâm đến bảo mật cho người dùng. “Chúng tôi muốn biết càng ít thông tin của người dùng càng tốt. Chúng tôi không chạy quảng cáo nên không cần những dữ liệu cá nhân” - Koum nói. WhatsApp nhanh chóng phát triển không cần bất cứ chiến dịch tiếp thị hay PR nào, đặc biệt ở các quốc gia kém phát triển - nơi người dùng rất tin tưởng vào các tin nhắn SMS.
Quay lại chinh phục ông lớn
Sự phát triển của WhatsApp khiến CEO của Facebook chú ý. Năm 2012, Mark Zuckerberg đã gọi điện thoại cho Koum bày tỏ sự quan tâm WhatsApp. 2 người sau đó luôn giữ liên lạc, thường xuyên leo núi và trò chuyện về chủ đề kết nối thế giới. Tháng 2-2014, Zuckerberg gặp Koum và đề nghị mua lại WhatsApp với giá 19 tỷ USD (gồm 4 tỷ USD tiền mặt, còn lại bằng cổ phiếu Facebook). Vào thời điểm Facebook thâu tóm WhatsApp, ứng dụng có 450 triệu người dùng thường xuyên mỗi tháng. Năm 2019, con số này đã chạm ngưỡng 1,5 tỷ. Đến tháng 2-2021, ứng dụng đã vượt 2 tỷ người dùng tại 180 quốc gia, là ứng dụng nhắn tin miễn phí qua internet được sử dụng phổ biến nhất thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, thương vụ bán WhatsApp của 2 nhà đồng sáng lập Jan Koum và Brian Acton được cho là quyết định không mấy đúng đắn. Sự chia rẽ lớn nhất giữa WhatsApp với Facebook là chính sách kiếm tiền từ ứng dụng nhắn tin. Koum và Acton đã chống lại việc áp dụng mô hình quảng cáo rộng rãi của Facebook, sử dụng dữ liệu cá nhân cho phép các nhà tiếp thị hiển thị quảng cáo cho các tệp khách hàng cụ thể trên mạng xã hội.
Những bất đồng đó đã dẫn đến căng thẳng với CEO Facebook Mark Zuckerberg và COO Sheryl Sandberg. Acton rời WhatsApp vào năm 2017, sau đó 8 tháng Jan Koum cũng ra đi. "Tôi đã bán công ty của mình. Vì lợi ích cá nhân to lớn tôi đã bán quyền riêng tư của người dùng cho Facebook. Tôi đã quyết định và thỏa hiệp với điều ấy và tôi hối hận vì điều ấy" - Jan Koum chia sẻ với Forbes.
Sau khi 2 nhà sáng lập ra đi, Facebook vẫn kiên trì với chính sách đưa ra cho WhatsApp. Đầu tháng 1-2021, WhatsApp đã có quyết định gây tranh cãi, khi thay đổi lại chính sách và điều khoản sử dụng, yêu cầu người dùng WhatsApp phải đồng ý với việc chia sẻ thông tin cá nhân của mình với công ty mẹ Facebook và các công ty liên kết của Facebook.
Theo WhatsApp, việc chia sẻ thông tin sẽ giúp ứng dụng này hiểu rõ người dùng hơn, nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng của dịch vụ. Tuy nhiên, động thái này của WhatsApp đã khiến nhiều người dùng phẫn nộ và kêu gọi tẩy chay ứng dụng, vì không muốn chia sẻ thông tin của mình với Facebook. Nhiều người dùng WhatsApp đã chuyển sang sử dụng các ứng dụng và dịch vụ nhắn tin miễn phí qua internet khác, như Telegram và Signal.
Năm 2014, Jan Koum lọt vào danh sách 400 người Mỹ giàu nhất của Forbes ở vị trí thứ 62, với tài sản ròng ước tính 7,5 tỷ USD. Tính đến tháng 8-2020, tài sản ròng của ông ước tính 10 tỷ USD. |