Ông đã bàn giao FCA cho Mike Manley, người đứng đầu 2 thương hiệu Jeep và Ram. Đến nay, Fiat-Chrysler cùng 2 hãng GM, Ford được coi là “Big Three” trong ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Và Sergio Marchionne được xem là một trong những CEO xuất sắc và thành công nhất sau huyền thoại Henry Ford.
Hồi sinh “xác sống” ngành xe hơi
Sergio Marchionne sinh ra tại Abruzzo, Italia năm 1952. Sau đó ông theo gia đình chuyển tới Canada ở tuổi thiếu niên và theo học ngành triết học, rồi chuyển sang ngành luật và kế toán. Sau khi ra trường, ông bắt đầu sự nghiệp tại một số doanh nghiệp Canada trước khi trở lại châu Âu. Trước khi gia nhập Fiat, Marchionne không có kinh nghiệm trong ngành công nghiệp ô tô. Năm 2004, Marchionne được bổ nhiệm làm CEO của Fiat thay thế Giuseppe Morchio.
Khi nhậm chức, Marchionne tự nhận mình chỉ là người sửa chữa công ty. "Lúc đó Fiat mất định hướng phát triển. Bất cứ khi nào mở một tờ báo, mọi người đều thấy những thông tin không sáng sủa: Fiat tiếp tục thua lỗ; Dòng xe mới thất bại; Công nhân công ty biểu tình; thay thế 4 đời CEO chỉ trong 2 năm. Tôi là người thứ 5 gánh vác trách nhiệm hồi sinh thứ mà hầu hết đều coi là xác chết" - Marchionne chia sẻ trên Tạp chí Harvard Business Review.
Ông được tiếp nhận một nhà sản xuất ô tô đang thua lỗ hơn 7 tỷ USD trong năm 2003, cùng lực lượng lao động khổng lồ 200.000 người trên toàn cầu. Marchionne lột xác Fiat với phong cách làm việc tràn đầy năng lượng, không biết mệt mỏi và luôn đặt yêu cầu cao. Ông chú trọng đến việc tái thiết bộ phận ô tô, kết quả đưa đến sự thành công của dòng sản phẩm Grande Punto cũng như Bravo.
Ông yêu cầu bộ phận thiết kế và sản xuất giảm thời gian đưa xe mới ra thị trường từ 4 năm xuống chỉ còn 18 tháng. Thời gian này, Fiat mở rộng thị phần bằng việc lập liên doanh với Tata Motors của Ấn Độ và Chery Motors của Trung Quốc để mở rộng hoạt động sang các thị trường mới nổi. Dưới sự điều hành của CEO mới, Fiat đã thành công trong việc quay trở lại một số thị trường lớn như Mexico, Australia. Năm 2005, Marchionne đã giúp Fiat thoát khỏi tình cảnh thua lỗ khi thu được lợi nhuận khoảng 2 tỷ USD thông qua liên minh với General Motors. Đến quý IV-2005, Fiat đã công bố mức lãi đầu tiên sau 17 quý thua lỗ. Sang năm 2006, Fiat đã đạt lợi nhuận 196 triệu EUR.
Tài năng lội ngược dòng
Không chỉ cứu Fiat, ông Marchionne cũng vực dậy thành công hãng xe Chrysler vào năm 2009 đang gần như phá sản sau khủng hoảng tài chính. Năm 1998, Chrysler được hãng ô tô danh tiếng của Đức Daimler AG mua lại với giá 36 tỷ USD. Đến năm 2007, Daimler chấp nhận thua lỗ 80% vốn đầu tư ban đầu để bán cổ phần Chrysler cho Tập đoàn đầu tư của Mỹ Cerberus Capital Management với giá còn 7,4 tỷ USD. Cuối năm 2008, Cerberus thấy tình cảnh Chrysler khó khăn, cũng chấp nhận thua lỗ tìm kiếm những hãng xe hơi như Renault (Pháp), Nissan (Nhật) và General Motors (Mỹ) để bán, nhưng đều bị từ chối.
Khủng hoảng tài chính 2009 xảy ra, Chrysler càng lâm tình cảnh bi đát. Khoản đầu tư của Cerberus vào hãng xe mất trắng. Khi Fiat tiếp quản vào tháng 6-2009, Chrysler gần như không có gì: người tiêu dùng quay lưng, tiền mặt trong công ty trống trơn, sản phẩm đưa ra thị trường bị đánh giá là những chiếc xe kém cỏi nhất trong ngành như mẫu Chrysler Sebring và Dodge Caliber, đều có doanh số bán ì ạch. Tập đoàn Cerberus lúc đó đề nghị bán hãng xe với giá 1USD cho Bộ Tài chính Mỹ để tháo chạy.
Nhận thấy tiềm năng từ thương vụ này, Marchionne đã mặc cả với chính phủ Mỹ và Canada để thành lập liên minh Fiat-Chrysler. Theo đó, Fiat sẽ có 35% cổ phần trong Chrysler mà không phải bỏ đồng vốn nào và có được cơ hội tiếp cận thị trường Bắc Mỹ. Đổi lại, Fiat cung cấp cho Chrysler loại khung gầm xe để phát triển các mẫu xe nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu cho người tiêu dùng Mỹ và giúp sản phẩm Chrysler tiếp cận mạng lưới phân phối toàn cầu của Fiat. Fiat sẽ được quyền chọn mua thêm 16% cổ phần trong Chrysler để nâng cổ phần lên mức chi phối 51%, nhưng với điều kiện Chrysler phải trả hết nợ vay cho chính phủ Mỹ và Canada. Việc mua lại Chrysler sẽ giúp Fiat cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ.
Marchionne được biết đến là người nghiện công việc, thái độ thẳng thắn và đôi khi độc đoán. Ông từng gây bão khi sa thải hầu hết các quản lý cao cấp rồi tuyển thêm hàng loạt người mới trẻ trung, năng động chỉ trong ngày tiếp quản thứ hai tại Chrysler. Marchionne đã mở rộng đầu tư, kết hợp công nghệ giữa Fiat và Chrysler vào sản xuất để tung ra hàng loạt sản phẩm mới.
Đồng thời thuyết phục các đại lý xây dựng mạng lưới bán hàng với phương thức hoạt động tốt nhất cho khách hàng. Sau 2 năm liên doanh, các cơ sở hoạt động của Fiat và Chrysler đã hoạt động ổn định. Năm 2010, Fiat và Chrysler đã bán được hơn 3,6 triệu xe trên toàn cầu, dù thấp hơn mục tiêu 8 triệu xe đặt ra khi sáp nhập, nhưng là dấu hiệu tích cực. Năm 2011, hơn 60% doanh số bán của Chrysler đến từ các dòng sản phẩm được Marchionne yêu cầu thiết kế lại hoàn toàn như chiếc Jeep Grand Cherokee hay các mẫu xe Dodge. Cụ thể, doanh số bán xe Dodge chiếm tới 37% tổng doanh số bán của Chrysler, trong khi xe Jeep chiếm khoảng 30%.
Ngày 1-1-2014, Fiat đã ký thỏa thuận mua toàn bộ số cổ phần còn lại của Chrysler do Quỹ VEBA (Quỹ chăm sóc sức khỏe công nhân nghỉ hưu thuộc Hiệp hội công nhân sản xuất ôtô của Mỹ-UAW) nắm giữ, trong một hợp đồng trị giá lên tới 3,65 tỷ USD. Trong đó, Fiat sẽ trả 1,75 tỷ USD và Chrysler trả 1,9 tỷ USD tiền mặt cho VEBA nhằm mua lại 41,46% cổ phần của Chrysler mà quỹ này nắm giữ kể từ khi Chrysler tiến hành tái cấu trúc do phá sản vào năm 2009. Sau 5 năm, Fiat đã hoàn toàn thâu tóm Chrysler.
Năm 2019, tại Triển lãm Ôtô Geneva năm 2019, hơn 80 giám khảo đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới đã bình chọn Sergio Marchionne, CEO quá cố của tập đoàn xe hơi FCA là Nhân vật của năm trong làng ôtô (World Car Person of the Year). Giải thưởng ghi nhận những cống hiến của ông trong việc hợp nhất Fiat và Chrysler, hình thành một trong những nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới. |