Chặn đà suy giảm kinh tế: Tăng tốc giải pháp, kích hoạt tăng trưởng

Trước thềm kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, ĐTTC đã liên tục đăng tải các loạt bài và nhận định của các chuyên gia, cho rằng kinh tế năm 2013 tiếp tục bất ổn và đang đứng trước quá nhiều thách thức. Những giải pháp kích hoạt tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh dường như chưa tạo được kết quả đáng kể, mà nguyên nhân là các chính sách hỗ trợ triển khai quá chậm chạp.

Trước thềm kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, ĐTTC đã liên tục đăng tải các loạt bài và nhận định của các chuyên gia, cho rằng kinh tế năm 2013 tiếp tục bất ổn và đang đứng trước quá nhiều thách thức. Những giải pháp kích hoạt tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh dường như chưa tạo được kết quả đáng kể, mà nguyên nhân là các chính sách hỗ trợ triển khai quá chậm chạp.

"Gay go lắm rồi!"

Tại phiên họp ngày 14-5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi nghe báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã phải thốt lên: "Tình hình kinh tế gay go lắm rồi!". Những thông tin không ngớt về khó khăn trong sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu ngân sách giảm… kéo dài từ năm 2012 đến nay dường như chưa có điểm dừng. Những từ "khó khăn, thách thức" xuất hiện dày đặc trong các báo cáo kinh tế thời gian gần đây.

Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2013 ước đạt 244.100 tỷ đồng, bằng 29,9% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 30,1% dự toán, đạt thấp về tiến độ thực hiện dự toán so với cùng kỳ nhiều năm gần đây. Nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cảnh báo về khả năng hụt thu ngân sách trong năm nay và đề nghị Chính phủ theo dõi sát tình hình thực tế, biến động sản xuất, kinh doanh và số thu ngân sách để lường trước khả năng này. Cần có phương án xử lý trường hợp hụt thu ngân sách, nếu thấy cần thiết, phải báo cáo Quốc hội điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2013.

Ông PHÙNG QUỐC HIỂN,
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính -
Ngân sách của Quốc hội

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng tăng trưởng GDP 4,89% trong quý I-2013 không cao như kỳ vọng nhưng là mức tăng hợp lý trong điều kiện nền kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, phải ưu tiên tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, đại diện Chính phủ cũng thừa nhận nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức, ẩn chứa nhiều rủi ro gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Sức mua của nền kinh tế khó có thể tăng mạnh trở lại khi việc làm và thu nhập của người lao động giảm sút, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn, số lượng doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, giải thể và phá sản nhiều, tồn kho vẫn ở mức cao.

Tăng trưởng tín dụng cũng sẽ khó tăng cao trong ngắn hạn nếu nợ xấu không sớm được giải quyết. "Nếu các khó khăn này không được xử lý thì khả năng GDP đạt 5,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra năm nay là khó hiện thực" – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cảnh báo.

Thậm chí, có những "điểm sáng" trong điều hành kinh tế như kiềm chế lạm phát cũng được coi là không ổn. "Mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2012 được Quốc hội bàn ở mức 7-8% nhưng kết quả cuối cùng chỉ 6,8% là tốt… quá, nên ảnh hưởng đến tăng trưởng. Điều hành thế là dở. Nếu để lạm phát trên 7% thì giờ tăng trưởng không thấp thế" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định.

Bước sang năm 2013, tính đến hết tháng 4 CPI chỉ tăng 2,41% so với cuối năm 2012, là mức thấp nhất trong 4 năm qua, nhưng thực tế đây là chỉ báo cho thấy tổng cầu giảm mạnh chưa có dấu hiệu nhích lên.

Chậm chạp xoay chuyển tình thế

Đánh giá về tình hình kinh tế những tháng đầu năm 2013, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng các nỗ lực chính sách thực hiện thời gian qua và những kết quả tích cực đạt được ban đầu vẫn chưa bảo đảm xoay chuyển xu thế tốt hơn; tăng trưởng kinh tế sẽ rất khó khăn trong năm nay với những dấu hiệu chỉ báo tình trạng suy giảm đang rõ nét hơn.

Những số liệu về tăng trưởng GDP, tăng trưởng tín dụng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) thấp phản ánh khả năng hấp thụ vốn và năng lực sản xuất của nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó, tồn kho tiếp tục là điểm nghẽn của tăng trưởng với tỷ lệ tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở mức cao, ảnh hưởng đến mối quan hệ an toàn giữa khâu sản xuất - tiêu thụ và tồn kho trong nền kinh tế.

Dòng tiền "đóng băng" tại các NH phản ánh khả năng hấp thụ vốn và năng lực sản xuất nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: LONG THANH

Dòng tiền "đóng băng" tại các NH phản ánh khả năng hấp thụ vốn
và năng lực sản xuất nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: LONG THANH

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, một số ý kiến cho rằng những nỗ lực chính sách nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là mức giảm thuế, giải phóng hàng hóa tồn kho, xử lý thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu... còn quá chậm và kết quả chưa rõ ràng.

Thực tế 3 tháng đầu năm nay doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn trong sản xuất kinh doanh, số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 15.700, giảm 6,8% về số lượng, giảm 16,1% về vốn so với cùng kỳ. Trong khi đó số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể là 15.300, tăng 14,6% so với quý I-2012.

Các chuyên gia nhận định tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng chưa có những chuyển biến cụ thể. Về chính sách, tái cơ cấu đầu tư công đến nay mới chỉ thực hiện theo Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ, trong khi dự án Luật Đầu tư công chậm so với dự kiến (chuyển trình Quốc hội từ kỳ họp thứ 4 lên kỳ họp thứ 6).

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng chưa triển khai thực hiện khẩn trương, chưa có tiêu chí phân loại theo ngành nghề, lĩnh vực; chưa thực hiện sắp xếp các doanh nghiệp hiện có thành các nhóm để có giải pháp tái cấu trúc đối với từng nhóm (nhóm 100 % vốn nhà nước; nhóm có trên 51% vốn thuộc sở hữu nhà nước; nhóm Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối...) mà thực hiện ở từng doanh nghiệp, chủ yếu tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, chuyển giao nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các doanh nghiệp nhà nước, chưa tạo ra động lực và áp lực để buộc các doanh nghiệp nhà nước đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, đổi mới công nghệ.

Đến nay vẫn chưa ban hành được hệ thống chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, nhất là vấn đề xử lý các khoản lỗ, dôi dư cán bộ, người lao động. Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng triển khai có kết quả bước đầu nhưng vẫn chậm chạp, chưa minh bạch.

Hỗ trợ doanh nghiệp, gia tăng tổng cầu

Với các chỉ báo nền kinh tế những tháng đầu năm, nhiệm vụ trong những tháng còn lại hết sức nặng nề. Thách thức chính sách nổi lên là phải xử lý hài hòa và bảo đảm thực hiện cả hai mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong điều kiện nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.

Hiện tổng cầu của nền kinh tế rất thấp, lạm phát đang có xu hướng giảm, nên trong những tháng còn lại của năm 2013 chính sách kinh tế vĩ mô cần ưu tiên mục tiêu tăng trưởng, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 5,5% GDP.

Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp rất bi đát. Tôi cho rằng có tới một trăm ngàn doanh nghiệp đã chết hoặc chỉ tồn tại trên hình thức chứ không phải chỉ mấy chục ngàn; tỷ lệ doanh nghiệp lỗ có thể còn hơn 65%.

Ông NGUYỄN SINH HÙNG,
Chủ tịch Quốc hội

Đây cũng là kiến nghị được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra trong báo cáo kinh tế vĩ mô mới đây. TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng để đạt được mục tiêu này, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cần hỗ trợ cả tổng cầu.

Để mang lại hiệu quả, các giải pháp trên phải được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng và tính toán sao cho đủ liều lượng.

Về phía Chính phủ, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết thời gian tới sẽ tăng tốc thực hiện tốt các giải pháp, chính sách đề ra tại Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 của Chính phủ; thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm phục hồi nền kinh tế, tạo việc làm, đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, Chính phủ sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để tăng tổng cầu cho nền kinh tế. Điều hành lãi suất ở mức hợp lý theo tín hiệu thị trường và tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nhưng không làm bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát trở lại.

Mặt khác, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về mức 20-22%. Đồng thời, nghiên cứu giảm thuế có thời hạn đối với thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ tăng cầu về hàng hóa đang quá yếu hiện nay.

Các tin khác