Do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cùng với những khó khăn trong nước như thiếu vốn, lãi suất cao, chi phí đầu tư tăng, các ngành hàng xuất khẩu nông sản đang gặp nhiều khó khăn và đối mặt với các nguy cơ giảm mạnh tăng trưởng trong giai đoạn tới.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến tháng 9-2013, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 4,7 triệu tấn, trị giá xuất khẩu (theo giá FOB) đạt 2 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2012 xuất khẩu gạo nước ta giảm cả số lượng và trị giá (số lượng giảm 7,86%, trị giá 10,98%).
Cùng với đó, mức giá xuất khẩu bình quân cũng giảm 15,04USD/tấn. Với tình hình này, xuất khẩu gạo sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm. Lý giải nguyên nhân, nhiều chuyên gia cho rằng ngành sản xuất, xuất khẩu gạo đang bộc lộ nhiều bất cập.
Trước hết, chất lượng gạo xuất khẩu Việt Nam chưa được đánh giá cao trên thị trường, chưa xây dựng được thương hiệu gạo, giá gạo xuất khẩu không ổn định. Bên cạnh đó, nhiều thương nhân xuất khẩu gạo không thực sự định hướng đầu tư lâu dài cho hoạt động xuất khẩu, thiếu chiến lược kinh doanh và mở rộng thị trường, chưa gắn kết được khâu sản xuất với chế biến xuất khẩu. Doanh nghiệp cũng không có khả năng dự trữ lúa gạo lâu dài, lại phải chịu áp lực từ lãi suất ngân hàng nên phải bán nhanh, dẫn đến giá giảm.
Ngoài gạo, giá các mặt hàng nông sản xuất khẩu trong 8 tháng qua như thủy sản, hạt điều và tiêu cũng giảm mạnh. Theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), giá xuất khẩu nhân điều giảm hơn 8%, hạt tiêu giảm 3,6%, cao su giảm 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái…
Lý giải nguyên nhân, Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điều ở các quốc gia nhập khẩu vẫn tăng cao, nhưng giá xuất khẩu giảm do kinh doanh khó khăn, doanh nghiệp trong ngành buộc phải cạnh tranh giá bán, chào giá thấp và chấp nhận giảm lợi nhuận để đẩy nhanh số lượng bán hàng trong những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, việc thống nhất giá xuất khẩu trong ngành điều khó có thể thực hiện được, bởi hiện có đến 50% là doanh nghiệp nhỏ. Với mặt hàng tiêu xuất khẩu, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng khuyến cáo doanh nghiệp không nên giảm giá bán quá sâu sẽ gây thiệt hại cho ngành sản xuất tiêu trong nước, nhưng vẫn không khả thi.
Từ kết quả trên, có thể thấy các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu luôn trong trạng thái bị động dẫn đến việc sản lượng và giá xuất khẩu không ổn định. Do vậy, việc tập trung nâng cao chất lượng và thương hiệu cho các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu nhằm tạo dựng uy tín lâu dài với đối tác, nâng cao tính cạnh tranh trên trường quốc tế là việc hết sức cần thiết.
Thực tế, để chặn đà suy giảm nông sản hàng hóa, ngay từ giữa năm 2013, các cơ quan quản lý nhà nước đã nghĩ tới phương án cần có “phao cứu trợ” tín dụng đối với một số mặt hàng nông sản chủ lực. Chẳng hạn Chính phủ đã đồng ý gia hạn cho vay tín dụng xuất khẩu đối với mặt hàng cà phê và một số mặt hàng nông sản xuất khẩu từ 12 tháng lên 36 tháng; đồng thời giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, đánh giá khó khăn, trở ngại hiện nay đối với từng mặt hàng nông sản xuất khẩu, từ đó xác định đối tượng cụ thể cần hỗ trợ, đề xuất biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Vấn đề đặt ra là cần xác định lại mục tiêu xuất khẩu các mặt hàng nông sản, không nên chạy theo số lượng. Thí dụ, với gạo, chỉ hạn chế ở mức 6 triệu tấn/năm. Ngành trồng trọt cần có những bộ phận phối hợp với hiệp hội các doanh nghiệp xuất khẩu theo dõi chặt chẽ tình hình tiêu thụ và nhu cầu thị trường để khuyến cáo người dân nên trồng cây gì, nuôi con gì để có thể bán được giá cao.
Bên cạnh đó, những chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng cho xuất khẩu cần được triển khai rốt ráo. Về lâu dài, phải cải thiện chất lượng nông sản xuất khẩu. Hiện nay, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản vẫn gây nhiều bức xúc, cản trở nông sản Việt thâm nhập thị trường thế giới. Tỷ lệ nông sản xuất khẩu bị từ chối và bị liệt vào danh sách phải kiểm soát chặt chẽ tại các nước quá cao, khiến việc tiêu thụ nông sản bị ách tắc, giá xuất khẩu bị ép thông qua những rào cản kỹ thuật và phòng vệ thương mại.
Nếu sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng theo chiều rộng, nguy cơ ảnh hưởng xấu tới tiêu thụ là khó tránh khỏi. Vì thế việc cần làm hiện nay là cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Chúng ta đã nói nhiều đến phát triển chuỗi giá trị nông sản, quan hệ chặt chẽ giữa sản xuất và thương mại, marketing trong nông nghiệp, nhưng đang có cản trở lớn về chính sách. 2 lĩnh vực này ở 2 bộ khác nhau: Bộ NN-PTNT chuyên phụ trách về sản xuất, Bộ Công Thương phụ trách marketing.
Trong khi đó, khả năng thương mại nông sản nước ta rất kém, không đáp ứng được yêu cầu, còn marketing nông sản chưa làm được bao nhiêu. Những khúc mắc này không sớm được giải quyết để nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu, đời sống nông dân sẽ ngày càng khó khăn.