Nợ xấu tăng cao
Tại thời điểm các CTCK công bố báo cáo phân tích, TPB đã công bố báo cáo tài chính quý III-2023 với những con số không mấy sáng sủa. Cụ thể, trong kỳ TPB ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 2.963 tỷ đồng (tăng 8,1%), thu nhập ngoài lãi đạt 1.251 tỷ đồng (tăng 22,2%), giúp tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 4.214 tỷ đồng (tăng 11,9%).
Tuy nhiên, do chi phí trích lập dự phòng tăng mạnh, đạt 1.293 tỷ đồng (gấp 2,9 lần so với cùng kỳ 2022), khiến lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 1.576 tỷ đồng (giảm 26,2%). Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế TPB đạt 4.959 tỷ đồng (giảm 16,3%).
Theo thống kê, tỷ lệ nợ xấu tăng cao trong khi “bộ đệm” dự phòng của TPB khá khiêm tốn. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu quý III của TPB lên đến 2,97%, thế nên dù TPB đã gia tăng trích lập nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) vẫn giảm mạnh xuống còn 47%, và tiếp tục nằm trong nhóm những NH có LLCR thấp nhất hệ thống.
Theo lý giải của TPB, nợ xấu và nợ nhóm 2 trong quý III tăng mạnh chủ yếu đến từ nhóm khách hàng cá nhân. Cụ thể, nợ xấu phân khúc này đang là 2,87%, trong khi đó nợ nhóm 2 mảng khách hàng cá nhân đang ở mức khá cao là 5,85% (so với mức chung là 3,77%), cho thấy rủi ro hình thành nợ xấu ở nhóm khách hàng này sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Những rủi ro có thể ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của TPB, bao gồm: biến động lãi suất đầu ra không như kỳ vọng, chất lượng tài sản tiếp tục suy yếu và tăng trưởng tín dụng không đạt mục tiêu do ảnh hưởng chung của nền kinh tế.
Trong báo cáo phân tích của mình, CTCK VNDirect (VNDS) tăng dự phóng chi phí tín dụng của TPB từ 0,8% lên 1,9% trong năm 2023, và từ 1,5% lên 2,5% trong năm 2024, để phản ánh chi phí dự phòng cao hơn trong bối cảnh nợ xấu và nợ nhóm 2 tăng.
Theo VNDS, TPB có thể gặp khó khăn trong việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu do thị trường bất động sản ảm đạm, và các vướng mắc về mặt pháp lý liên quan đến các dự án nhà ở thương mại.
Còn theo CTCK Sài Gòn (SSI), chất lượng tài sản của TPB suy giảm cũng được phản ánh qua danh mục trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), với dư nợ quá hạn tăng 360% so với quý II lên 2.300 tỷ đồng, chủ yếu đến từ ngành năng lượng và bất động sản. Nợ quá hạn có thể được cải thiện phần nào khi lãi suất cho vay giảm, ước tính khoảng 80% danh mục cho vay khách hàng sẽ được định lại mức lãi suất thấp hơn trong quý IV-2023.
Tuy nhiên, theo SSI, các khoản cho vay mua nhà dự án và chủ đầu tư có dự án chậm tiến độ hoặc gặp vấn đề pháp lý, có thể sẽ khó phục hồi trong thời gian ngắn.
Áp lực vẫn còn trong năm 2024?
Thực tế, đúng như dự báo của các CTCK, kết quả kinh doanh cả năm 2023 vừa được TPB công bố là con số tiêu cực, trái ngược với sự lạc quan về kết quả kinh doanh của ngành. Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý IV, lợi nhuận trước thuế giảm đến 67%, chỉ đạt gần 630 tỷ đồng.
Năm 2023, TPB đặt mục tiêu 8.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, như vậy NH này chỉ hoàn thành 64% kế hoạch.
Song song đó, chất lượng nợ vay của TPB tiếp tục đi lùi, khi tổng nợ xấu tại ngày 31-12-2023 hơn 4.200 tỷ đồng, gấp 3 lần đầu năm. Đáng chú ý, tất cả nhóm nợ xấu đều tăng bằng lần như: tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 0,84% đầu năm lên 2,05%, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 331%, nợ nghi ngờ tăng 205%, nợ có khả năng mất vốn tăng 121%.
Theo TPB, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận giảm mạnh trong quý IV là do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao gấp 17 lần cùng kỳ năm 2022, cùng với đó chi phí hoạt động của NH cũng tăng 12%, trong khi thu nhập hoạt động chỉ tăng trên 21%.
Về lợi nhuận cả năm 2023, nguyên nhân giảm là do chi phí dự phòng và chi phí hoạt động tăng mạnh, trong khi thu nhập hoạt động chỉ tăng nhẹ.
Từ thực tế này, CTCK KB Việt Nam (KBSV) cho rằng áp lực trích lập của TPB vẫn chưa thể hạ nhiệt trong nửa đầu năm 2024, đặc biệt là khi Thông tư 02 hết hiệu lực trong khi bộ đệm dự phòng của NH lại khá khiêm tốn.
Theo KBSV, thị trường TPDN vẫn chưa hồi phục, tuy nhiên triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan sẽ là yếu tố hỗ trợ nhu cầu tín dụng cho các NH. Bên cạnh đó, TPB vẫn còn dư địa để giảm lãi cho vay với lợi thế cạnh tranh là chi phí vốn (COF) đã được cải thiện nhờ lãi suất huy động giảm đáng kể. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của TPB thời gian tới sẽ được hỗ trợ từ phía chi phí đầu vào nhờ các khoản tiền gửi lãi suất cao kỳ hạn 12 tháng đáo hạn, và tỷ lệ tiền gởi không kỳ hạn (CASA) cải thiện.
Dự báo kết quả kinh doanh năm 2024 của TPB, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế là 7.600 tỷ đồng (tăng 15,2%), do tăng trưởng tín dụng dần phục hồi, đạt 14,3% so với đầu năm. Với xu hướng lãi suất giảm dần, kỳ vọng NIM sẽ tiếp tục phục hồi 10 điểm cơ bản lên mức 3,87%.
Tuy nhiên, chất lượng tài sản vẫn là mối quan tâm chính, mặc dù TPB sẽ tích cực xử lý nợ xấu, ước tính 1.800 tỷ đồng, để giảm tỷ lệ nợ xấu xuống mức 2,4% trong năm 2024. Chi phí tín dụng sẽ dao động quanh mức cao là 1,65%, giúp tỷ lệ bao phủ nợ xấu phục hồi lên 82,1% trong năm 2024.
Do vậy, SSI cho rằng cải thiện chất lượng tài sản là nhiệm vụ tiên quyết của TPB.
Trong khi đó, VNDS giảm dự phóng EPS trong giai đoạn 2023-2024 xuống lần lượt 6,7% và 25,5% do giảm mức tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn 2023-2024 và tăng chi phí tín dụng thêm 1,1 và 1 điểm %.
Động lực tăng giá dự phóng là sự phục hồi sớm hơn dự kiến của thị trường TPDN, nhưng rủi ro giảm giá là nợ xấu cao hơn dự kiến và NHNN tăng lãi suất điều hành nhằm giảm rủi ro tỷ giá. Do vậy, VNDS hạ khuyến nghị TPB từ mức “khả quan” xuống mức “trung lập”.