Châu Âu từ chối thông qua thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc

(ĐTTCO) - Nghị viện châu Âu vừa bỏ phiếu bác bỏ việc phê duyệt thỏa thuận đầu tư giữa Liên minh châu Âu (EU) với Trung Quốc vì Bắc Kinh áp trừng phạt 5 quan chức của khối.

Hãng thông tấn EuroNews đưa tin, nghị quyết được thông qua chiều 20/5 với 599 phiếu ủng hộ, 30 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Diễn biến là đòn giáng mới đối với Hiệp định đầu tư toàn diện EU - Trung Quốc (CAI) mà các lãnh đạo châu Âu đạt được trong một cuộc họp video với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cách đây không đầy 5 tháng.

Châu Âu từ chối thông qua thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc

Mục tiêu chính của CAI là tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và đảm bảo đối xử công bằng đối với các nhà đầu tư và công ty EU kinh doanh tại đại lục. Thỏa thuận nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng và chứa các điều khoản cụ thể về các doanh nghiệp nhà nước cũng như trợ cấp.

Mặc dù ban đầu được ca ngợi là bước ngoặt, nhưng hiệp định nhanh chóng bị chỉ trích với lí do không có đủ cam kết liên quan đến các quyền lao động. Ngay từ khi dự thảo thỏa thuận được công bố, trong dư luận đã xuất hiện hoài nghi về khả năng nghị viện châu Âu sẽ phê duyệt nó.

Căng thẳng giữa hai bên nhanh chóng leo thang khi cuối tháng 3, EU quyết định áp trừng phạt với Trung Quốc lần đầu tiên trong hơn 30 năm qua. Bắc Kinh tỏ ra phẫn nộ và lập tức trả đũa bằng các lệnh trừng phạt đối với 10 cá nhân châu Âu, bao gồm 5 thành viên Nghị viện châu Âu và 4 tổ chức, trong đó có Tiểu ban về nhân quyền của nghị viện.

Thêm nhiều quan chức của Anh, Mỹ và Canada cũng bị Trung Quốc đưa vào "danh sách đen". Tổng cộng, Bắc Kinh đã trừng phạt hơn 30 cá nhân và thực thể của phương Tây.

Trong nghị quyết mới thông qua, Nghị viện châu Âu lên án phản ứng của Trung Quốc là "một cuộc tấn công nhằm vào cả EU và nghị viện, trái tim của nền dân chủ cùng với các giá trị của châu lục". Cơ quan này cũng từ chối đàm phán chừng nào các lệnh trừng phạt của Bắc Kinh vẫn còn hiệu lực

Các nhà lập pháp châu Âu cũng thúc giục Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan đóng vai trò bên đàm phán chính về CAI, nắm lấy cơ hội buộc Bắc Kinh phải thay đổi ứng xử trong nhiều vấn đề cũng như phê chuẩn và triển khai nhiều công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).

Các tin khác