Chạy xe, giao hàng công nghệ có xem là nghề?

(ĐTTCO)-Theo đánh giá của ông Phạm Việt Anh (ảnh), chuyên gia chiến lược và tăng trưởng doanh nghiệp (DN), dịch Covid-19 là thời điểm thuận lợi cho các ứng dụng công nghệ phát triển. Và trong cuộc đua này DN nào mạnh về tài chính sẽ vươn lên bứt phá, chiếm lĩnh phần lớn thị phần. 
Ông PHẠM VIỆT ANH.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, các ứng dụng công nghệ như Grab, Be, Now, Baemin… đang tăng tốc, nhưng dường như DN ngoại vẫn đi nhanh hơn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? 
Ông PHẠM VIỆT ANH: - Đại dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động kinh tế bị hạn chế do những yếu tố như giãn cách xã hội, nhưng lại trở thành lực đẩy giúp kinh tế số (KTS) phát triển mạnh mẽ hơn. Đó là lý do các ứng dụng công nghệ (xe ôm công nghệ, giao hàng, giao đồ ăn công nghệ…) có cơ hội tăng tốc chiếm lĩnh thị phần.
Trong cuộc đua này các DN ngoại có khả năng chiếm ưu thế cao hơn do tiềm lực tài chính mạnh hơn. 
Thực tế, nếu xét xuất phát điểm của ý tưởng và công nghệ giai đoạn đầu, DN trong hay nước ngoài không có khác biệt nhiều, đều theo sát nhau trong việc phát triển dịch vụ để phục vụ mọi nhu cầu của người tiêu dùng.
Song với mỗi DN, để có thể tăng trưởng về quy mô cần rất nhiều tiền, đặc biệt là giai đoạn đầu tư và tăng trưởng quy mô thị phần, tăng trưởng khách hàng. Nếu thiếu vốn DN đương nhiên sẽ bị chậm lại, bất kể xuất hiện trước hay mới gia nhập thị trường.
Vốn mạnh sẽ giúp DN giải quyết nhiều bài toán về quảng bá, tiếp thị, giảm giá thu hút khách hàng, cũng như tung ra nhiều chính sách hỗ trợ các đối tác nhà hàng, tài xế… Vậy nhưng, vốn dường như là yếu thế của DN nội trong cuộc đua phát triển KTS. 
Có thể thấy, KTS là cuộc chơi toàn cầu nên DN cũng phải chấp nhận quy luật khắc nghiệt của thị trường, là ai yếu hơn sẽ thua. DN trong nước muốn mạnh lên trong sân chơi này buộc phải tham gia thị trường vốn toàn cầu, đây mới là yếu tố quyết định.
Vì thế, đã đến lúc chúng ta cần nhìn vào bài toán vĩ mô lớn hơn, là Việt Nam phải phát triển được những thị trường vốn có tầm vóc, có như vậy việc huy động vốn của DN sẽ hiệu quả hơn.
Hiện nay vẫn còn hiện tượng các DN công nghệ trong nước phải đặt trụ sở ở nước ngoài để gọi vốn thuận lợi hơn. 
Ảnh minh họa.
- Như ông đã chia sẻ, dịch Covid-19 giúp KTS phát triển tốt hơn, các ứng dụng gọi xe có cơ hội tăng tốc phát triển dịch vụ. Vậy khi dịch qua đi, những dịch vụ này liệu có thoái trào? 
- Theo góc nhìn của tôi thì không. Khi dịch qua đi tốc độ tăng trưởng của các ứng dụng công nghệ này có thể giữ nguyên hoặc chậm lại so với thời điểm dịch, nhưng nó là xu hướng tất yếu của nền KTS.
Cần phải nói thêm, tốc độ phát triển của KTS phụ thuộc vào sự phát triển của hệ sinh thái mỗi quốc gia, bởi nó liên quan đến cả hạ tầng sinh thái.
Hiện nay, Việt Nam hay một số nước chậm phát triển, nền KTS đang đi sau các quốc gia như Trung Quốc, nơi có hệ sinh thái số phát triển trước đó rất lâu nên đã phát triển rộng khắp cho các ngành nghề và toàn xã hội.
Cũng vì đi sau nên hiện nay chúng ta đang phải dần hoàn thiện các thể chế để có thể quản lý tốt hơn các ứng dụng công nghệ, nhằm mang lại lợi ích cho nền kinh tế. 
- Một báo cáo mới đây của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ ra rằng, hiện nay nhiều lao động thất nghiệp chuyển sang làm cho các DN dịch vụ công nghệ. Điều này giúp giải quyết khó khăn bước đầu cho người lao động, nhưng về lâu dài với người trẻ có trình độ nếu tiếp tục chọn con đường này liệu có lãng phí, thưa ông? 
- Thực tế mọi quyết định của người lao động trước tiên phải được xem xét ở mặt lợi ích. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không ít lao động mất việc buộc họ phải lựa chọn công việc khác để thay thế. Lúc này việc chạy xe ôm công nghệ hay tham gia đội ngũ giao nhận cho các hãng công nghệ là lựa chọn không tồi.
Còn khi dịch qua đi, suy thoái chấm dứt quay về thời kỳ phát triển, muốn thu hút lực lượng lao động có kỹ năng đang tạm tham gia lĩnh vực dịch vụ công nghệ quay trở lại, phụ thuộc vào thu nhập có đủ hấp dẫn hay không. 
Với lực lượng lao động được đào tạo như cử nhân, thạc sĩ… cũng không thể bỏ qua bài toán thu nhập dù là chạy xe ôm công nghệ. Có những tiếc nuối cho rằng các lao động này nếu không quay lại làm cho các DN sẽ bị mai một kiến thức đã được đào tạo trước đó.
Thứ nhất, với những lao động giản đơn trước đây làm công nhân ở các nhà máy nếu thu nhập khi quay lại không hấp dẫn, có lẽ họ vẫn chọn hợp tác với những hãng công nghệ, vì thời gian làm việc chủ động hơn, thu nhập cũng khá hơn.
Hiện nay, ngoài tiền thu nhập cứng những người chạy xe ôm công nghệ, giao hàng công nghệ cũng thường nhận được tiền bo từ khách hàng, khoản thu nhập này không chính thức nhưng cũng không ít. 
Thứ hai, với lực lượng lao động được đào tạo như cử nhân, thạc sĩ… cũng không thể bỏ qua bài toán thu nhập. Có những tiếc nuối cho rằng các lao động này nếu không quay lại làm cho các DN sẽ bị mai một kiến thức đã được đào tạo trước đó. Song chúng ta cần hiểu bất cứ ngành nào phát triển cũng tạo thêm việc làm, nếu tất cả mọi lợi ích là so sánh, người lao động cũng có quyền so sánh.
Có người sẽ quay lại công việc họ cho rằng được sử dụng chất xám hữu ích với điều kiện đi kèm mức thu nhập hấp dẫn, đồng thời cũng có người tiếp tục lựa chọn công việc tự do.
Chúng ta muốn lao động được đào tạo làm đúng ngành nghề hoặc sử dụng kiến thức đã được đào tạo, quan trọng nhất phải phát triển được các ngành công nghiệp, từ đó tạo ra nhiều việc làm với thu nhập tốt cho người lao động. 
Hiện nay có ý kiến cho rằng người lao động làm việc cho các DN dịch vụ công nghệ không có các chính sách đãi ngộ cần có, là thiệt thòi cho họ. Nhưng dưới góc nhìn của tôi, đã chấp nhận lựa chọn không có thiệt thòi. Họ chấp nhận một công việc linh hoạt, dễ dàng tham gia, dễ dàng rút lui sẽ khó để có chính sách như lao động làm công ăn lương bị quản lý thời gian, công việc.
Người lao động khi tham gia các hãng công nghệ, nếu muốn bảo đảm cho tương lai của mình hoàn toàn có thể mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, hoặc bất cứ loại hình bảo hiểm nào cho bản thân. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác