Nếu như quý 1/2023, chi ngân sách địa phương của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ 9.600 tỷ đồng, đạt 7,6% dự toán và giảm 8,5% so với cùng kỳ, thì bước sang quý 2 lại có sự phục hồi đáng kể, khi tăng gấp 3,5 lần so với quý 1/2023 và gấp 2,2 lần cùng kỳ.
Sự phục hồi này ghi nhận từ việc giải ngân vốn đầu tư công ở Thành phố Hồ Chí Minh bất ngờ tăng mạnh.
Theo Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) trong quý 2/2023 ước trên 34.000 tỷ đồng, tăng hơn 116% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn cân đối ngân sách thành phố đạt 9.972 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ; chi thường xuyên 11.964 tỷ đồng, tăng 8,93% cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng năm 2023, chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) của Thành phố Hồ Chí Minh ước thực hiện 44.789 tỷ đồng, đạt 35,5% dự toán và tăng 70,9% so với cùng kỳ.
Tổng chi cân đối ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) ước thực hiện 32.553 tỷ đồng, đạt 29,4% dự toán và tăng 29,7% so với cùng kỳ.
Cụ thể, chi đầu tư phát triển ước thực hiện 11.484 tỷ đồng, đạt 24,9% dự toán và tăng 90,4% so với cùng kỳ. Chi thường xuyên ước thực hiện 20.942 tỷ đồng, đạt 34,8% dự toán và tăng 10,4%; trong đó, chi cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề ước thực hiện 7.257 tỷ đồng, đạt 34,5% dự toán và tăng 21,5%; chi cho sự nghiệp y tế ước thực hiện 1.217 tỷ đồng, đạt 19,3% dự toán và giảm 39,8%; chi khoa học và công nghệ ước thực hiện 345 tỷ đồng, đạt 35,9% dự toán và giảm 30,9%.
Việc chi ngân sách địa phương của Thành phố Hồ Chí Minh tăng mạnh trong quý 2/2023 có sự đóng góp chính từ những chuyển biến tích cực của giải ngân đầu tư công.
Trong năm 2023, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố Hồ Chí Minh là hơn 68.490 tỷ đồng (gấp hai lần so với kế hoạch đầu tư công năm 2022), bao gồm vốn ngân sách Trung ương gần 15.000 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là hơn 53.490 tỷ đồng.
Theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến hết ngày 23/6, tổng vốn kế hoạch đầu tư công đã giải ngân là 10.244 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 15% tổng số vốn giao.
Nửa đầu năm nay, thành phố đã khởi công các dự án lớn, hạ tầng giao thông kết nối quan trọng như dự án cải tạo kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên; đường Vành đai 3; Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ; khánh thành Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2...
Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong quý 2/2023, giải ngân đầu tư công của Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận tăng trưởng rất tốt.
Nếu như quý 1, thành phố chỉ giải ngân được 2,3% dự toán thì đến 30/6, tỷ lệ giải ngân đầu tư công dự kiến sẽ đạt 20% dự toán. Riêng quý 2/2023, giải ngân đầu tư công tăng gần 9 lần quý 1 và gấp 2 lần cùng kỳ.
Dù tỷ lệ giải ngân đầu tư công vẫn chưa đạt mục tiêu mà Thành phố Hồ Chí Minh đề ra (đến hết quý 2/2023 tỷ lệ giải ngân đạt 35%), song kết quả trên được xem là chuyển biến tích cực của nền kinh tế thành phố trong nửa đầu năm nay.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm nay, ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở Tài chính thành phố sẽ phối hợp với các sở ngành liên quan rà soát các khoản tạm ứng còn tồn đọng kéo dài và có giải pháp thu hồi các khoản đã tạm ứng để hoàn trả ngân sách theo quy định; đồng thời tăng cường thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành.
Đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân đầu tư công, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân năm 2023 đạt trên 95% theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố.
Bên cạnh đó, Sở Tài chính thành phố cũng sẽ đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các sở ngành, Ủy ban Nhân dân các quận huyện và thành phố Thủ Đức triệt để tiết kiệm chi, tránh bổ sung các nhiệm vụ chi phát sinh ngoài dự toán; đồng thời rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết để giảm chi thường xuyên.
Bên cạnh đó, rà soát nguồn tăng thu năm 2022 để trình Ủy ban Nhân dân thành phố báo cáo Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua phương án sử dụng nguồn tăng thu để trích lập nguồn cải cách tiền lương, bổ sung chi đầu tư theo quy định…