Đó là đề xuất của đại diện các hội ngành nghề tại hội nghị giao ban với các tổ chức hội quý 1-2022 do Sở Công thương TP.HCM tổ chức chiều 8-3.
Giá nguyên liệu tăng đến 70%
Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Hoàng Phú Xuân - phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM - cho biết giá sợi cotton 2 năm qua tăng gần 70%, nguyên phụ liệu ngành dệt may trong nước cũng tăng 40% nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Do đó, thời điểm này để có giá cạnh tranh, doanh nghiệp cần rất sự hỗ trợ, đặc biệt xem xét tính toán lại mức phí, và lùi thời gian áp dụng thu phí sử dụng cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP theo quy định mới.
"Nguyên phụ liệu trong nước hiện chỉ đáp ứng khoảng 30% nên doanh nghiệp may mặc phải nhập khẩu nguyên liệu, dẫn đến chịu cả hai đầu phí là xuất và nhập. Do đó, nếu không xem xét lại việc thu phí thì nhiều doanh nghiệp sẽ đuối sức", bà Xuân lo lắng.
Theo ông Lương Công Huỳnh - tổng thư ký Hội Dây và cáp điện TP.HCM, do nguồn cung đồng, nhôm trong nước hạn chế nên hầu hết nguồn vật liệu này doanh nghiệp phải nhập khẩu với giá tăng liên tục dẫn đến khó khăn trong sản xuất, cạnh tranh.
Ngoài ra, Nhà nước quy định giảm thuế VAT với nhiều mặt hàng nhưng thông tin danh mục những mặt hàng chịu mức giảm này vẫn chưa được công bố rộng rãi nên việc giảm thuế nhiều nơi vẫn chưa triệt để, rõ ràng.
Là ngành nghề có kim ngạch xuất khẩu tăng ổn định với mức tăng bình quân 15%/năm trong 2 năm qua, nhưng ông Bùi Hữu Thêm - phó tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM - cho biết vẫn gặp nhiều thách thức.
Cụ thể, chi phí xuất khẩu vẫn ở mức cao, đặc biệt đi Mỹ và châu Âu với mỗi container đi Mỹ (bờ Đông) phải trả trên dưới 22.000 USD, tăng gần 10 lần so với lúc ổn định. Ngoài ra, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên ngành chế biến gỗ vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt lao động lành nghề.
"Hơn 95% doanh nghiệp chế biến gỗ có quy mô vừa và nhỏ, trong khi xuất khẩu đồ gỗ phải cạnh tranh lớn khi nhiều quốc gia giảm giá. Do đó, Nhà nước cần sớm có các giải pháp để giảm giá nguyên vật liệu, xăng dầu được chừng nào tốt chừng đó", ông Thêm kiến nghị.
Đồng quan điểm đó, ông Nguyễn Văn Khánh - tổng thư ký Hội Da giày TP.HCM - cho biết các chi phí đầu vào tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp đang suy nghĩ việc có nên làm hàng xuất khẩu hay không khi gồng gánh quá nhiều chi phí.
Điểm yếu logistics kìm hãm sự phát triển
Để giảm giá thành đầu vào, ông Khương Văn Thuấn - chủ tịch Hội Doanh nhân cựu chiến binh TP.HCM - cho rằng ngoài ưu đãi trực tiếp vào thuế, phí, TP.HCM nên xem xét quy hoạch, phát triển mạnh hệ thống logistics, đặc biệt đối với khu vực TP Thủ Đức với các cảng lớn. Đồng thời, quy hoạch logistics phải gắn liền với vận tải đường thủy nội địa sẽ giúp giảm kẹt xe, lưu thông thuận lợi... từ đó góp phần giảm giá thành đầu vào.
Nhận định logistics là điểm yếu của Việt Nam, bà Lê Thị Hồng Loan - phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TP.HCM - cho rằng hệ thống logistics trong nước yếu kém gây nghẽn chuỗi cung ứng và đẩy giá thành lên cao.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp có thêm đề nghị như dành quỹ đất để phát triển hạ tầng, vận tải, kho bãi, cảng; hỗ trợ nguồn vốn; gia tăng xúc tiến thương mại xuất nhập khẩu, liên kết vùng, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn lao động...
Ghi nhận ý kiến đại diện các hiệp hội, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho biết đơn vị sẽ tiếp thu các khó khăn, đề xuất của các doanh nghiệp và sớm đưa ra các giải pháp hỗ trợ chi tiết cho từng lĩnh vực.
TP.HCM vẫn kỳ vọng vào sự hồi phục và phát triển Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, năm 2022 TP.HCM vẫn kỳ vọng lớn vào sự hồi phục và phát triển. Theo đó, TP sẽ tập trung triển khai các nội dung chính như kêu gọi đầu tư vào các trung tâm logistics, phối hợp triển khai hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghiệp cao. Ngoài ra, tăng cường hỗ trợ, đồng hành với các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến, kích cầu... |