Chia ruộng, chăm lo dân nghèo

(ĐTTCO) - Dân nghèo bên bờ phá Hạc Hải (Quảng Bình) vẫn lưu truyền câu chuyện đại thi hào Nguyễn Du thời làm quan cai bạ đã cắt đất chia ruộng cho dân nghèo. Để tri ân, người dân gọi đó là cánh đồng Nguyễn Du từ mấy trăm năm nay.

(ĐTTCO) - Dân nghèo bên bờ phá Hạc Hải (Quảng Bình) vẫn lưu truyền câu chuyện đại thi hào Nguyễn Du thời làm quan cai bạ đã cắt đất chia ruộng cho dân nghèo. Để tri ân, người dân gọi đó là cánh đồng Nguyễn Du từ mấy trăm năm nay.

Chuyện từ lòng dân

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Quảng Bình, nhiều lần gặp chúng tôi vẫn kể quê ông có cánh đồng Nguyễn Du. Nơi đó bên bờ phá Hạc Hải, ngày xưa mấy trăm năm trước cụ Nguyễn Du từng có mặt chia đất cho người nghèo. Mấy trăm năm sau, hậu thế như ông lớn lên từ con cá, con tôm, hạt lúa của cánh đồng đó. Cánh đồng đó hiện giáp ranh xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh và thị trấn nông trường Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy, nằm mé bên bờ phá Hạc Hải.

Ông Kỳ kể: Cánh đồng Nguyễn Du ngày trước thuộc đất của làng Phú Thọ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy. Đó là mảnh đất vùng trũng đầm phá, quanh mặt làng đất sâu không có chỗ cao để canh tác. Thời đại thi hào Nguyễn Du làm quan cai bạ ở Quảng Bình, cụ đi thực địa vùng đất này, khi vượt phá bỗng nhiên có giông lốc, thuyền chìm cùng lính tráng. Dân làng Phú Thọ làm nghề thuyền chài gần đó đã cứu quan cai bạ Nguyễn Du cùng đoàn hầu cận. Họ phục vụ nấu ăn, sưởi ấm tận tình, chức sắc của làng trịnh trọng cả đêm.

Cảm động trước tình cảm người dân nên cụ Nguyễn Du hỏi người làng có việc gì trình bày không. Những bô lão của làng đã trình việc thiếu đất sản xuất và nơi an táng người mất vì ở giữa đầm phá mênh mông nước nổi. Cụ Nguyễn Du lúc đó bèn dở điền sổ và cắt ngay cho làng một vùng đất bên bờ Hạc Hải để trồng lúa, hoa màu và an táng người mất. Hôm sau trước khi rời làng, thi hào Nguyễn Du hỏi tên làng lần nữa cho rõ, người dân trả lời là làng Phú An. Tuy nhiên thấy nhiều người trong làng đến nói chuyện thâu đêm đều sống thọ nên đặt tên làng thành Phú Thọ, và tên làng tồn tại đến ngày nay. Câu chuyện này không chỉ người như ông Kỳ biết mà nhà nghiên cứu văn hóa bản địa Trần Văn Chường sống tại thôn Văn La, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, cũng rành rọt xác nhận.

Soi lại sử sách, từ năm 1809-1813 thi hào Nguyễn Du được phân chức quan cai bạ ở Quảng Bình, đây là chức quan coi về sổ sách, điền thổ, sinh tử, thuế khóa. Tuy nhiên, nhà văn Nguyễn Phương cho biết: "Dưới triều Gia Long, vùng đất Quảng Bình là một doanh trực lệ (doanh trực thuộc triều đình Trung ương) và chức cai bạ là quan đầu doanh, có thể xem tương đương Chủ tịch tỉnh bây giờ. Các tài liệu ghi chép lại cho thấy cụ Nguyễn Du làm các công việc như quản lý theo dõi lính tráng, dân sự, xử kiện, tiền nong, lương thực, thuế khóa...". Chính vì việc coi sóc doanh trực lệ mà Nguyễn Du đã cắt đất trực tiếp cho người dân rồi tấu sớ dâng vua sau.

Dân nhớ đến ngày nay

Ở làng Phú Thọ, người dân làm lụng mấy trăm năm với cánh đồng rộng lớn nhiều thế hệ. Đến nay vùng đất này phần nằm vào địa giới xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, phần nằm vào địa giới thị trấn Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy. Ngày nay đi làm đồng, người dân vẫn nhớ truyền ngôn xưa của cha ông kể lại sự việc đất đai và cánh đồng Nguyễn Du. Dân gian Quảng Bình còn kể nhiều lần đi kinh lý, cụ Nguyễn Du đã cứu dân thường khỏi cường hào ác bá.

Khi nhà Quảng Bình học Nguyễn Tú còn sống, chúng tôi được cụ kể câu chuyện quan cai bạ Nguyễn Du đi kinh lý vùng 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy. Lệnh triều đình là thu thuế thóc không được gõ miệng đấu cho lúa của dân đóng chặt, làm mất thóc lúa người sản xuất. Nguyễn Du cùng thư lại mặc đồ thường dân vào xem một cuộc nộp thuế thóc. Cai thu thuế dùng vồ gõ mạnh miệng đấu, lúa đang đầy bỗng vơi xuống phải đổ thêm, chúng còn lấy thước gạt chếch để gian thêm lúa. Dân phản ứng, cai thu thuế nọc ra đánh, Nguyễn Du lên tiếng dừng lại, đội cai hô hào bắt đòi đánh, viên thư lại nói đó là quan cai bạ Nguyễn Du, chúng bèn quỳ lạy xin tha thứ, ông cho gọi quan huyện đến tra đủ sổ sách, trả lại lúa thu dư của dân.

Địa danh cánh đồng Nguyễn Du đến nay người dân vẫn nhớ và tri ân.

Địa danh cánh đồng Nguyễn Du đến nay người dân vẫn nhớ và tri ân.

Có năm lũ lụt thiên tai liên miên, thấy người dân đói khổ, cụ Nguyễn Du sai người mở kho thóc cứu dân. Viên ký lục nghe vậy liền run sợ, bởi mở kho thóc phải có sớ tâu vua, được vua chuẩn y mới mở, bằng không mang trọng tội mất đầu. Nhưng trong tình cảnh ngặt nghèo này nếu chờ được lệnh vua thì dân chết đói, Nguyễn Du vẫn kiên quyết hạ lệnh mở kho thóc và đảm bảo một mình chịu tội trước vua. Dân được cứu đói khẩn cấp ghi lòng tạc dạ, còn Nguyễn Du làm tấu trình dâng vua. Khi Gia Long nhận tấu này, chẳng những không trách Nguyễn Du mà còn đồng tình và có chỉ: "Nếu các địa phương chợt có tai nạn, nên chuẩn cấp, vì nếu đợi tâu báo thì quá chậm, đã không phải là ý thương dân của triều đình, lại không phải chức chăn dân của thủ mục. Từ nay, phàm có lũ lụt, hạn hán cấp thiết, thì quan dinh trấn thân đi khám xét ngay, chẩn cấp trước, rồi kíp tâu sau".

Làm cai bạ ở Quảng Bình 5 năm, Nguyễn Du đứng về phía Nhân dân, chăm lo Nhân dân cho nên ngày nay nhiều nơi, nhiều vùng còn có nhiều giai thoại ông cứu dân độ thế, trừ ác, diệt gian đối với bọn cường hào bóc lột dân. Vì thế mà cho đến ngày nay, nhiều nơi ở Quảng Bình người dân vẫn còn ghi nhớ công lao của ông. Ngoài việc được biết đến như một đại thi hào, ông còn nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, thương dân và người dân đến nay vẫn tôn thờ.

Các tin khác