Phỉ báng cả một quốc gia
Tại tầng 3 của tòa nhà ở đường Rue de Montchoisy, Geneva, Thụy Sĩ, các nhân viên của Alp Services đang lên kế hoạch để tiến hành một chiến dịch phỉ báng. Điều đáng nói, công ty này không chỉ cố gắng bôi nhọ các cá nhân mà cả một quốc gia.
Đơn đặt hàng đến từ Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), láng giềng và đối thủ lâu đời của Qatar. Alp Services được yêu cầu “chỉ mặt đặt tên” những người và tổ chức có liên kết với Qatar và làm cho người ta nghĩ rằng họ liên quan đến các tổ chức khủng bố.
Theo đơn hàng, Alp Services hướng sự tập trung vào Hội Anh em Hồi giáo (MB). Đây là tổ chức có mục tiêu thành lập một quốc gia dựa trên các nguyên tắc Hồi giáo. Qatar hỗ trợ và cung cấp nơi trú ẩn cho các thành viên của MB từ Syria, Ai Cập và Yemen. Tại UAE, MB đã từng là một trong những nhóm đối lập hoạt động mạnh. Tổng thống UAE Mohamed bin Zayed đã cấm MB kể từ sau phong trào "Mùa xuân Ả Rập".
Để thực hiện điều này, ông đã sử dụng nhiều công cụ, trong đó có Alp Services. Văn phòng trên đường Rue de Montchoisy của công ty có đầy đủ nhân viên nghiên cứu, chuyên gia quan hệ công chúng và nhà vận động chính sách. Năm 2021, một số kẻ tấn công mạng đã đánh cắp khoảng 3 terabyte dữ liệu từ máy chủ của công ty, rồi chia sẻ cho cổng thông tin điều tra Pháp Mediapart, cũng như Hiệp hội Điều tra châu Âu (EIC). Từ đó, những chiêu trò bí mật của họ lần lượt bị phơi bày ra công luận.
Nạn nhân đầu tiên
Vụ rò rỉ dữ liệu đã phơi bày ra ánh sáng cách UAE nỗ lực ảnh hưởng đến truyền thông và chính trị ở châu Âu, cũng như cách đất nước này cố gắng thúc đẩy lợi ích của mình. Nó cũng cho thấy cách thức các công ty tình báo tư nhân sử dụng các phương pháp nghiên cứu đáng ngờ để đổi trắng thay đen, nhằm phục vụ các lợi ích chính trị mà không phải chịu trách nhiệm gì.
Theo dữ liệu rò rỉ, nạn nhân đầu tiên của các chiến dịch đổi trắng thay đen này là Hazim Nada, một chủ doanh nghiệp. Vào năm 2018, Nada thấy công ty mình đứng trước nguy cơ sụp đổ, bởi trong liên tiếp nhiều tháng xuất hiện các báo cáo cho rằng ông có mối liên hệ chặt chẽ với MB, thậm chí ông bị nghi ngờ đã tài trợ cho nhóm khủng bố al-Qaida.
Việc bôi nhọ hiệu quả đến nỗi các ngân hàng đã quyết định cắt đứt mọi liên hệ với Nada và công ty của ông, Lord Energy. Từ một công ty có doanh thu hàng năm 2 tỷ USD, Lord Energy đã sụp đổ chỉ sau vài tháng.
Chiến dịch thành công nhất
Các tài liệu cho thấy Alp Services đã tiếp xúc với các quan chức tình báo của UAE gần như hàng ngày. Họ nhận được khoảng 5,7 triệu EUR từ Abu Dhabi cho dịch vụ của mình. Và một trong những vụ việc thành công nhất của họ là tập trung phá hủy uy tín của Tổ chức Cứu trợ Hồi giáo Thế giới (IRW).
Là một trong những tổ chức cứu trợ Hồi giáo lớn nhất hiện nay, nhưng tổ chức phi chính phủ này bị UAE phân loại tổ chức khủng bố. Vào năm 2020, chính phủ Đức đã phát hiện "những mối quan hệ đáng kể của IRW với MB". Tuy nhiên, tại châu Âu, một số chính phủ đã cung cấp hỗ trợ tài chính cho tổ chức này, bao gồm cả Đức.
Năm 2019, nhóm này nhận được 2,5 triệu EUR từ chính phủ Đức và thêm 2,3 triệu EUR từ liên minh Aktion Deutschland Hilft (tổ chức kết nối các cơ quan viện trợ nhân đạo của Đức). Vì vậy, Alp Services đã được giao nhiệm vụ thay đổi điều đó.
Chiến lược của Alp Services là sẽ tìm kiếm mục tiêu dễ nhắm, nói xấu và đưa lên truyền thông, thông qua trung gian, thường là các chuyên gia nổi tiếng. Chẳng hạn, trong chiến dịch bôi nhọ IRW, học giả Mỹ gốc Ý tên Lorenzo Vidino là trung gian. Ông này là giám đốc của Chương trình về Chủ nghĩa cực đoan tại Đại học George Washington ở Mỹ.
Ông là một chuyên gia được công nhận về MB và đã xuất bản nhiều cuốn sách về tổ chức này. Kể từ năm 2018, ông đã nhiều lần tham gia các chiến dịch của Alp Services. Trong vụ IRW, ông đã gửi cho các quan chức an ninh Đức danh sách các "cá nhân đáng quan tâm" có liên hệ mật thiết với MB, bao gồm Heshmat Khalifa, một thành viên trong Ban Quản trị của IRW.
Sau khi Vidino gửi danh sách này cho an ninh Đức, Alp Services lại báo với tình báo UAE rằng Khalifa có tên trong danh sách “đến từ các cuộc họp khác nhau với tình báo Đức”. Tiếp đó, Alp Services liên lạc với một số tờ báo để đăng bài bêu xấu Khalifa. Chẳng hạn, tờ Times of London đưa tin năm 2014 Heshmat Khalifa đã viết bài đăng trên Facebook, gọi người Do Thái là "cháu của khỉ và lợn", gọi Tổng thống Ai Cập là "con của gái điếm người Do Thái".
Ngay sau thông tin này, Khalifa đã từ chức khỏi IRW. Aktion Deutschland Hilft đã tạm ngừng hợp tác với IRW. Sau đó, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cũng rút sự ủng hộ đối với IRW.
Nhắm đến các nhà nhân quyền
Alp Services cũng thực hiện các chiến dịch nhắm vào các nhân vật quan trọng khác, trong đó có các nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền. Một trong những mục tiêu đáng chú ý là Eric T. Olsen, một nhà báo hàng đầu về chủ đề an ninh và khủng bố. Alp Services đăng tải các bài viết và bình luận giả mạo trên các trang web và diễn đàn trực tuyến, cố gắng tạo ra hình ảnh tiêu cực về Olsen thông qua các cuộc gọi nặc danh và email giả mạo.
Ngoài ra, Alp Services cũng nhắm vào nhà hoạt động nhân quyền Bernhard Falk, người đấu tranh cho quyền lợi người Palestine. Alp Services đã tung ra các thông tin sai lệch với Falk, khiến ông trở thành mục tiêu căm ghét của công chúng.
Toàn bộ chiến dịch của Alp Services nhằm mục đích tạo ra sự phân biệt và chia rẽ trong xã hội và các tổ chức. Điều này giúp UAE duy trì quyền kiểm soát và áp đặt các chính sách hạn chế tự do ngôn luận và nhân quyền. Nhưng vụ rò rỉ dữ liệu này đã làm lộ toàn bộ quy trình làm việc và chiến lược của Alp Services.
Các thông tin nhạy cảm đã được tiết lộ, công ty này đang phải đối mặt với cuộc điều tra quốc tế và các vụ kiện từ các cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng. Đây chỉ là một phần nhỏ của những gì đã được tiết lộ từ vụ rò rỉ dữ liệu về Alp Services và UAE.