Chiến lược phát triển ngành điện: Tìm vốn, chọn thầu?

Trong vòng 10 năm tới, Việt Nam cần tới gần 49 tỷ USD (trung bình gần 4,9 tỷ USD/năm) để đầu tư, phát triển ngành điện. Đây là con số rất lớn nếu xét trong giai đoạn vừa qua, mỗi năm nguồn vốn này dừng ở mức 3 tỷ USD. Vấn đề vốn đầu tư tiếp tục được xem là trở ngại lớn nhất trong Quy hoạch điện VII, vốn từng gây nhiều khó khăn khi thực hiện Quy hoạch điện VI vừa qua.

Trong vòng 10 năm tới, Việt Nam cần tới gần 49 tỷ USD (trung bình gần 4,9 tỷ USD/năm) để đầu tư, phát triển ngành điện. Đây là con số rất lớn nếu xét trong giai đoạn vừa qua, mỗi năm nguồn vốn này dừng ở mức 3 tỷ USD. Vấn đề vốn đầu tư tiếp tục được xem là trở ngại lớn nhất trong Quy hoạch điện VII, vốn từng gây nhiều khó khăn khi thực hiện Quy hoạch điện VI vừa qua.

> Minh bạch để đồng thuận giá điện

Bài ca thiếu... vốn

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), dự kiến đến năm 2020 nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện khoảng 929.700 tỷ đồng, tương đương 48,8 tỷ USD. Dự báo đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 75.000MW.

Nguồn vốn đầu tư cho ngành điện mỗi năm mỗi tăng. Ảnh: LÃ ANH

Nguồn vốn đầu tư cho ngành điện mỗi năm mỗi tăng. Ảnh: LÃ ANH

Trong đó thủy điện chiếm 23,1%, thủy điện tích năng 2,4%, nhiệt điện than 48%, nhiệt điện khí đốt 16,5%, nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo 5,6%, điện hạt nhân 1,3% và nhập khẩu điện 3,1%. Như vậy, có thể thấy tỷ trọng nguồn cung cấp điện giá rẻ (thủy điện) sẽ ngày càng giảm (tính đến cuối năm 2010 chiếm khoảng 38%).

Điều đó đồng nghĩa suất đầu tư các nhà máy điện và giá điện sẽ ngày càng tăng, nhằm đảm bảo việc cung ứng đầy đủ điện cho nền kinh tế và đời sống xã hội.

Để đáp ứng yêu cầu nguồn vốn 5 tỷ USD/năm của Quy hoạch điện VII cần có những quy hoạch đồng bộ khác. Chẳng hạn theo Quy hoạch điện VII, đến năm 2015 sẽ phải nhập khẩu than cho điện. Đây là điều cần phải có tính toán, bởi sẽ liên quan đến vấn đề giá và việc chủ động trong sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, mỗi nhà máy nhiệt điện than cần số vốn tới hàng tỷ USD nên cần tính toán, cân nhắc kỹ trong đầu tư.

Ông ĐÀO VĂN HƯNG,
Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN

Theo Bộ Công Thương, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai Quy hoạch điện VII vẫn là nguồn vốn. Đây cũng chính là vướng mắc khiến việc triển khai Quy hoạch điện VI chỉ đạt khoảng 70% kế hoạch, lưới điện truyền tải đạt khoảng 50% khối lượng quy hoạch.

Chẳng hạn, nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực điện hiện nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong suốt thời gian qua liên tục gặp khó khăn về vốn khiến nhiều công trình như thủy điện Lai Châu (công suất 1.200MW) chậm tiến độ.

Đến nay EVN chỉ mới lo được hơn 400 tỷ đồng và từ nay đến cuối năm còn phải thu xếp 2.000 tỷ đồng để hoàn thành các hạng mục phục vụ ngăn sông Đà vào cuối tháng 2-2012. Bên cạnh nhiều dự án khác đã khởi công nhưng EVN đang phải tìm mọi cách để lo đủ 15% vốn đối ứng.

Hiện tại, nhu cầu vốn của EVN giai đoạn 2011-2015 khoảng 525.168 tỷ đồng, nhưng đến nay mới thu xếp được 247.978 tỷ đồng. Riêng năm 2011, kế hoạch xây dựng của EVN là 69.900 tỷ đồng nhưng cũng chỉ huy động được 51.580 tỷ đồng.

Các nhà đầu tư lớn khác đang tham gia đầu tư vào điện cũng rất khó khăn về vốn. Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết trong 10 công trình làm chủ đầu tư hầu hết đều chậm so với tiến độ đề ra, do liên quan đến việc thu xếp tài chính cho các dự án điện, đặc biệt các dự án có quy mô công suất lớn rất khó tiếp cận với ngân hàng.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cũng cho biết áp lực thu xếp vốn cho các dự án nhiệt điện của PVN rất lớn, trong khi việc huy động vốn không dễ dàng.

Hơn nữa, giá điện được điều chỉnh chưa hợp lý đang là một nguyên nhân không hấp dẫn nhà đầu tư khi rót vốn vào ngành điện. Đại diện Tập đoàn Sông Đà cũng cho biết, Nhà máy thủy điện Xekaman 1 công suất 290MW, tổng mức đầu tư 7.300 tỷ đồng được xây dựng tại tỉnh SeKong (Lào) do Công ty điện Xekaman 1 làm chủ đầu tư, khởi công tháng 3-2011, dự kiến phát điện vào năm 2013 theo Tổng sơ đồ VI. Tuy nhiên, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) mới đây thông báo không có kế hoạch vốn năm 2011 cho dự án này.

Chọn nhà thầu có thực lực

Trong báo cáo đánh giá về Quy hoạch điện VI, Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng bên cạnh việc thiếu vốn, sự chậm trễ của nhiều dự án trong Quy hoạch điện VI còn do các chủ đầu tư phải dàn trải nguồn vốn, nhân lực hạn hẹp cùng lúc vào một số lượng lớn dự án nhưng công tác điều hành chưa thực sự quyết liệt, chưa ưu tiên đúng mức những dự án trọng tâm.

Ngoài ra còn có tình trạng các nhà thầu không đủ năng lực, kể cả năng lực tài chính dẫn đến kéo dài thời gian xây dựng, các công trình xây dựng xong vận hành không ổn định, liên tục phải dừng máy để sửa chữa, thay thế, hiệu chỉnh.

Đánh giá về tính khả thi của việc triển khai Quy hoạch điện VII, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), cho rằng với những thách thức rất lớn về vốn, việc có thêm 50.000MW công suất điện vào năm 2020 (hiện tổng công suất nguồn điện cả nước khoảng 25.000MW) là điều rất khó thực hiện.

Bài học này đã thể hiện ngay khi thực hiện Quy hoạch điện VI. Chưa bao giờ ngành điện đáp ứng được nhu cầu phát triển hàng năm (khoảng 3.780MW) nên đã dẫn đến tình trạng thiếu điện kéo dài. Khó khăn này còn đến từ việc nguồn than cung cấp cho nhiệt điện.

Theo quy hoạch đến năm 2020, tỷ trọng nhiệt điện than chiếm tới 48% trong tổng công suất với sản lượng 256 tỷ kWh, như vậy sẽ cần lượng than 67,3 triệu tấn, trong khi từ năm 2015 Việt Nam phải nhập khẩu than, nhưng đến nay nguồn cung chưa được đảm bảo. VEA cho rằng nếu vẫn duy trì tình trạng đầu tư như từ trước đến nay, trong 10 năm tới phải xây dựng gấp 3 lần công suất điện hiện có là điều rất khó.

Theo VEA, nhiều dự án nguồn điện trong quy hoạch điện VI trước đây bị chậm, đặc biệt các dự án do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Ngoài ra, các dự án nhà thầu Trung Quốc trúng thầu còn đưa lao động Trung Quốc sang làm, không thuê công nhân, kỹ sư Việt Nam nên không tận dụng được lao động nội lực.

 VEA kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Đấu thầu theo hướng cho phép chủ đầu tư lựa chọn thiết bị có chất lượng cao, lựa chọn nhà thầu EPC (gói thầu bao gồm toàn bộ công việc thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) có kinh nghiệm từ các nước công nghiệp phát triển, phải sử dụng nhân công Việt Nam.

VEA cũng cho rằng cần có cơ chế, chính sách để động viên, khuyến khích các nhà thầu, nhà đầu tư trong nước, kể cả tư nhân có vốn, có điều kiện liên doanh, liên kết với nước ngoài (các nước G7, châu Âu) đầu tư các nguồn nhiệt điện, nên lựa chọn các nhà đầu tư từ các nước phát triển...

Đa dạng hóa dòng vốn

Trong cuộc họp của Ban chỉ đạo nhà nước về tình hình triển khai thực hiện các Quy hoạch điện trong giai đoạn 2006-2011 và 2011-2020, có xét đến năm 2030, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định trong triển khai quy hoạch điện 10 năm tới sẽ đặc biệt chú trọng, khuyến khích đa dạng hóa các dòng vốn từ xã hội, chuyển dịch mạnh cơ cấu đầu tư so với trước đây.

Các dự án điện IPP (nguồn độc lập), BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) và cả BOO (đầu tư - khai thác - sở hữu) sẽ ngày càng phải chiếm tỷ trọng lớn. Nhà nước sẽ tạo điều kiện tối đa để triển khai các dự án đầu tư xây dựng nguồn điện không sử dụng vốn ngân sách để đầu tư, khai thác và bán điện theo quy định của pháp luật về điện lực.

VELINA vừa có văn bản gửi Chính phủ về việc chọn nhà đầu tư phát triển dự án nhiệt điện BOT.  Theo đó, cần có cơ chế, chính sách để nhà đầu tư và nhà thầu EPC phải cam kết sử dụng tối đa các nhà thầu phụ trong nước cho các hạng mục cơ khí, xây dựng... chuyển giao công nghệ, thiết bị máy móc, đơn vị thi công trong nước. Đây là điều quan trọng giúp ngành điện Việt Nam tự phát triển bằng nội lực.

Ông HOÀNG THÁI AN,
Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp kỹ thuật điện Việt Nam (VELINA)

Theo ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đối với vấn đề tạo nguồn vốn đầu tư phát triển ngành điện, trước hết từng bước tăng khả năng huy động tài chính nội bộ trong các doanh nghiệp ngành điện thông qua các giải pháp như nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động, có tích lũy và đảm bảo vốn tự có cho đầu tư phát triển theo yêu cầu của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế. Ngoài ra, trong giai đoạn đầu, Nhà nước bảo lãnh phát hành trái phiếu cho các dự án trọng điểm, cấp bách.

Thực hiện liên doanh trong và ngoài nước nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước tham gia xây dựng phát triển các dự án điện. Thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp ngành điện nhà nước không cần giữ 100% vốn.

Đặc biệt, tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào phát triển các dự án điện. Tăng cường thu hút các nguồn vốn nước ngoài, bao gồm: vốn viện trợ phát triển chính thức ưu đãi, viện trợ phát triển chính thức không ưu đãi, vay thương mại.

Theo EVN, Bộ Công Thương cần sớm xây dựng đề án huy động vốn cho phát triển điện lực theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính sớm xây dựng cơ chế tài chính và cơ chế vốn đầu tư phát triển điện lực. EVN cũng trình Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước giải quyết kịp thời, triệt để các khó khăn tồn tại về vay vốn, bảo lãnh vốn vay và các thủ tục liên quan đến vốn đối với các dự án điện.

Bên cạnh đó được ưu tiên các nguồn vốn ODA và các nguồn vốn song phương của nước ngoài và được bảo lãnh cho các hợp đồng vay vốn nước ngoài của tập đoàn cùng các đơn vị thành viên.

Các tin khác