Một dự án vừa triển khai san lấp mặt bằng trên đất lúa ở vùng ven TP Huế (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: VĂN THẮNG
Lừa đảo
Đan xen những hợp đồng giao dịch bất động sản chóng vánh, tạo cơn “sốt” ảo, nhiều địa phương ở miền Trung xuất hiện tình trạng gom đất thổ cư phân lô, tách thửa để bán nền trái phép. Nhiều ô đất tách thửa núp bóng cá nhân, nhưng lại quảng cáo, giới thiệu trên thị trường là những “siêu phẩm đất nền”, hoặc tên gọi dự án bất động sản hấp dẫn… của một tập đoàn kinh doanh bất động sản.
Cuối năm ngoái, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Tống Phước Hoàng Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Khải Tín cùng các thuộc cấp về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng. Theo lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, qua xác minh, điều tra, năm 2018, Công ty CP Tập đoàn Khải Tín vẽ ra dự án Eco Lake (tổ 9, phường Phú Bài, Hương Thủy) với hơn 9.000m², bán 71 lô đất cho khách hàng, nhưng ngành chức năng kiểm tra, phát hiện không có dự án nào mang tên Eco Lake.
Tiếp đó, tháng 8-2020, Công ty CP Tập đoàn Khải Tín bị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xử phạt 100 triệu đồng về hành vi quảng cáo sai sự thật khi biến dãy nhà ở riêng lẻ tại 67 Vạn Xuân (phường Kim Long, TP Huế) thành dự án bất động sản cao cấp mang tên Vạn Xuân Compound. Tháng 5-2021, Công ty CP Tập đoàn Khải Tín lại bị chính quyền xử phạt vì dựng lên dự án Park Hill Villas đồi Thiên An, thôn Kim Sơn, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, nhưng thực tế chỉ là lô đất của người dân để xây dựng nhà ở.
Công an tỉnh Quảng Bình cũng vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam 4 tháng Nguyễn Thị Lành (25 tuổi, trú huyện Quảng Ninh) về hành vi chiếm đoạt hơn 16 tỷ đồng. Lợi dụng cơn sốt đất, Lành kêu gọi nhiều người cùng góp tiền để đầu tư vào đất, chia lợi. Lành tự tạo ra các tin nhắn điện thoại thể hiện nội dung trao đổi với những người làm việc tại Trung tâm Quỹ đất, Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Bình về những dự án đầu tư có lợi nhuận cao. Đồng thời, Lành tự soạn ra các văn bản, quyết định của Sở TN-MT tỉnh Quảng Bình thể hiện nội dung các ưu đãi, lãi suất cao. Sau đó, chụp lại các đoạn tin nhắn và tài liệu giả mạo gửi cho những người được huy động vốn để họ tin tưởng, giao tiền. Nhận tiền, Lành sử dụng một phần để trả lãi nhằm lấy lòng tin cho người đầu tư tiếp tục chuyển thêm tiền, phần còn lại sử dụng tiêu xài cá nhân.
Với thủ đoạn tương tự, Nguyễn Tiến Sỹ, cán bộ Sở TN-MT Quảng Bình, cũng bị Công an tỉnh bắt giữ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thông tin ban đầu, lợi dụng danh nghĩa là cán bộ Sở TN-MT và tự giới thiệu họ hàng với lãnh đạo sở này nên Sỹ “nổ” có thể giải quyết tất cả nhu cầu về đất đai và yêu cầu nhiều người chuyển tiền để y xử lý. Sỹ làm giả các giấy tờ, tài liệu để lừa đảo chiếm đoạt của 4 người dân ở TP Đồng Hới và huyện Bố Trạch với tổng số tiền trên 4 tỷ đồng và 17.000 USD rồi bỏ trốn.
Tình trạng sốt đất kéo theo hệ lụy lấn chiếm đất rừng rồi lừa đảo chuyển nhượng giấy tay diễn ra rầm rộ tại những nơi giáp ranh, cửa ngõ vào Đà Lạt (Lâm Đồng). Chủ tịch UBND xã Hiệp An (huyện Đức Trọng) Hồ Hữu Hiếu cho biết, hiện nay, một số cò đất đăng quảng cáo, chào mời mua bán đất lâm nghiệp tại địa bàn xã Hiệp An trên các mạng xã hội Facebook, Zalo…, giới thiệu sai sự thật về đặc điểm tình hình sử dụng đất tại khu vực đồi Hương Ly, Sacom, thôn K’Rèn như: có đường ô tô vào tận nơi, có thể xây biệt thự sân vườn, nghỉ dưỡng…
“Thực tế đã có một số người mua đất lâm nghiệp tại khu vực đồi Hương Ly, Sacom, thôn K’Rèn, giao dịch bằng giấy tay. Đến khi họ tiến hành xây dựng nhà cửa thì mới phát hiện đất rừng, do lâm nghiệp quản lý. Các tổ chức, cá nhân trong hay ngoài địa phương không mua, bán, sang nhượng đất lâm nghiệp, đất không có giấy tờ pháp lý rõ ràng theo quy định của pháp luật, tránh để xảy ra việc tiền mất nhưng đất không được sử dụng; vô tình trở thành đối tượng vi phạm hành chính”, thông báo của UBND xã Hiệp An nêu rõ.
Nông dân khó mua vườn rẫy
Đất tăng giá đến mức chóng mặt, những người có đất vui mừng vì bán được giá cao, nhưng những người chưa có đất ở, đất canh tác thì khóc ròng vì ngày càng xa tầm với. Anh Trần Văn Toàn (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, vợ chồng anh dành dụm, tích góp nhiều năm được một số vốn, dự tính mua thêm vài sào đất trồng cà phê để canh tác. Tuy nhiên, với tình trạng đất “sốt” như hiện nay thì số tiền dành dụm không thể mua nổi.
“Mới năm ngoái, rẫy cà phê kế nhà tôi chuyển nhượng 120 triệu đồng/sào. Sau khi mảnh đất đó bán đi, ngày nào cũng có vài người đến xem rồi bán đi bán lại nhiều lần, sang tay nhiều chủ, giờ đã lên tới 300 triệu đồng/sào. Đất đai khu vực quanh đó cũng cứ bám theo giá tăng lên”, anh Toàn kể. Anh Toàn phân tích: “Một sào cà phê chăm sóc tốt, đạt năng suất, trừ hết chi phí, lợi nhuận mỗi năm thu về khoảng 7 triệu đồng. Với số vốn ban đầu bỏ ra quá cao như vậy thì nông dân không có điều kiện để mua đất canh tác”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) Nguyễn Công Văn cho biết, thời gian qua, thông tin về các dự án đầu tư vào địa phương dẫn đến giá đất tại một số khu vực như Cư Suê, Cuôr Đăng, Cư M’gar đã tăng nhiều so với trước. “Nếu như trước đây, đất ở nông thôn trung bình từ 20-30 triệu đồng một mét ngang, thì giờ đây đã tăng đến 70-80 triệu đồng. Với tình trạng giá đất như thế này sẽ gây bất lợi cho bà con có nhu cầu thực sự. Những gia đình có con đông sẽ gặp khó khăn trong vấn đề mua đất ở cũng như canh tác”, ông Văn nhận định. Cũng theo ông Văn, việc giá đất tăng theo kiểu “bong bóng” sẽ có nguy cơ kìm hãm việc thu hút đầu tư, gây bất lợi cho huyện vì chi phí giải phóng mặt bằng sẽ rất cao.
Tại tỉnh Đồng Nai, tình trạng mua bán đất nông nghiệp diễn ra mạnh, ảnh hưởng đến việc hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, “cánh đồng mẫu lớn”. Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) Trương Đình Bá cho biết, năm 2018, dự án “Cánh đồng lớn” tại xã Lâm San được quy hoạch 847,5ha, có 771 hộ tham gia trồng tiêu, diện tích đất nông nghiệp liền nhau, thuận lợi xây dựng vùng chuyên canh. Thế rồi cơn sốt đất ập đến, giá tăng vọt, khoảng 70 hộ đã chuyển nhượng gần 100ha cho giới đầu cơ làm dự án phân lô, bán nền. “Nhiều chủ đất không đầu tư sản xuất, găm đất, đầu cơ để đợi lên giá, gây lãng phí tài nguyên, vùng sản xuất tập trung bị thu hẹp, tạo ra nhiều khu đất hoang hóa”, ông Bá xót xa nói.
Còn tại Lâm Đồng, nhiều vùng quê sau khi giá đất được đẩy lên cao ngất ngưởng như Đà Lạt, Bảo Lộc, Lâm Hà, Đức Trọng…, người dân bán đất vườn đang canh tác nông nghiệp đã di chuyển vào các vùng sâu hơn như Đam Rông hoặc sang tỉnh Đắk Nông để mua vườn sản xuất nông nghiệp với giá rẻ hơn, bắt đầu cuộc sống mới với nhiều khó khăn.
Tại Bình Phước, hiện nay việc tách thửa đất nông nghiệp vẫn diễn biến hết sức phức tạp và để tránh bị các cơ quan chức năng xử lý, các đối tượng phân lô đất từ 1.000m² để lách luật. Hiện ở các huyện Phú Riềng, Đồng Phú, thị xã Phước Long…, tình trạng sốt đất diễn ra âm ỉ. Anh Quỳnh (ở xã Long Tân, huyện Phú Riềng) cho biết, đất nông nghiệp được chào giá bán 1,5-2 tỷ đồng/ha, cao gấp 6 lần so với cách đây 2 năm, người mua đất chủ yếu đến từ địa phương khác. |