PHÓNG VIÊN: - Theo chia sẻ của một số chủ DN trẻ, sản phẩm của họ làm ra được khách hàng nước ngoài chấp nhận nhưng người tiêu dùng trong nước lại chưa thể chinh phục. Phải chăng do người tiêu dùng trong nước khó tính, thưa ông?
Ông PHẠM VIỆT ANH: - Theo tôi không phải như vậy. Bởi nếu người tiêu dùng trong nước khó tính thị trường đã không đầy rẫy sản phẩm kém chất lượng. Với thị trường đang phát triển như Việt Nam, người tiêu dùng dễ tính nhưng cũng dễ thay đổi. Cái gì mới vào người ta dễ chấp nhận, như việc người tiêu dùng trẻ xếp hàng để uống cà phê Starbuck, ăn McDonald…
Nhưng sau đó có cái mới khác người ta lại dễ dàng chuyển qua ngay. Việc dễ chấp nhận của người tiêu dùng cũng phần nào giải thích vì sao phong trào khởi nghiệp lại trở nên rầm rộ ở Việt Nam như hiện nay. Bởi có nhiều cơ hội cho những sản phẩm mới, dịch vụ mới.
Tất nhiên sau khi giới thiệu sản phẩm mới, qua giai đoạn thử nghiệm của người tiêu dùng, lúc đó mới là thị trường thực sự của sản phẩm. DN phải tìm cách chinh phục để biến những khách hàng ban đầu thành khách hàng trung thành.
Có nhiều ý kiến cho rằng, thị trường Việt Nam với hơn 90 triệu dân thì cơ hội rất lớn. Song dân đông, thu nhập lại thấp thì những sản phẩm giá bán cao, chất lượng tốt chưa thể có một thị trường đủ lớn. |
DN phải chấp nhận đầu tư quảng bá tiếp thị thương hiệu để người dùng biết đến sản phẩm của mình, thậm chí với những sản phẩm mới chi phí tiếp thị để khai phá thị trường không hề nhỏ. Đôi khi phải làm những sản phẩm với thương hiệu khác, chất lượng có thể điều chỉnh đôi chút so với xuất khẩu để giá thành hợp lý hơn, phù hợp với nhu cầu hơn.
- Ông có nhắc nhiều đến việc phải quảng bá để người mua biết đến sản phẩm, dịch vụ của mình, song nhiều bạn trẻ mới lập nghiệp gặp khó khăn trong việc này vì kinh phí hạn chế?
- Có 3 cách để sản phẩm, dịch vụ hay chính DN có thể trở nên nổi tiếng: Thứ nhất, có thật nhiều tiền (để làm các dịch vụ quảng cáo, tiếp thị, truyền thông…); thứ hai, tạo ra những scandal; thứ ba, sản phẩm phải thực sự độc đáo, mang hàm lượng chất xám cao.
Nhìn vào đây đã có câu trả lời. Nếu ít tiền, bạn phải có trí tuệ, còn bình thường khi bạn đưa ra chiến lược có thể không mất tiền nhưng khi triển khai buộc phải có nguồn lực tài chính. Không có nguồn lực cần thiết không ai có thể giúp được bạn, rất khó để thực thi chiến lược như mong ước.
Người tiêu dùng Việt sẵn sàng xếp hàng để tìm thương hiệu mới McDonald, nhưng cũng dễ dàng quên ngay khi không hợp khẩu vị.
Cách đây nhiều năm DN làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thiếu hụt của người tiêu dùng, nên sản phẩm làm ra không cần quảng bá người tiêu dùng cũng tự tìm đến. Nhưng nay người dùng cần cái gì cũng có, nên DN phải đáp ứng được nhu cầu phát triển. Và để thỏa mãn được nhu cầu này phải có tài (cho ra sản phẩm độc đáo) hoặc có tiền để quảng bá.
Điều này cũng giống như khi bạn muốn gọi vốn đầu tư, phải chứng minh được khả năng sinh lời của sản phẩm dịch vụ mới mong gọi được vốn. Ngược lại nếu muốn vốn đầu tự tự chảy vào, bạn phải mang đến giải pháp vượt trội chưa ai từng mang đến trước đó.
- Phong trào khởi nghiệp đang được thúc đẩy mạnh mẽ ở Việt Nam. Nhưng tỷ lệ thất bại trong khởi nghiệp lại quá cao, vậy người khởi nghiệp có nên nhìn thất bại là một điều bình thường, thưa ông?
- Việc nhìn thất bại là bình thường hay khó khăn phụ thuộc vào quan điểm cá nhân của mỗi người. Song theo tôi nếu coi đó là cuộc chơi mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng hơn. Dù chơi hết mình nhưng cũng không nên đặt cược tất cả vào cuộc chơi để tránh rủi ro. Bên cạnh đó góc nhìn về thất bại cũng phụ thuộc nhiều vào độ tuổi và sự trải nghiệm trong kinh doanh.
Nếu 20-30 tuổi cảm thấy mọi thứ đều sôi sục, làm hết sức, chơi hết mình, mong mỏi DN của mình lớn, cạnh tranh với DN trong nước, rồi vươn ra khu vực và thế giới. Còn khi ở độ tuổi đủ trải nghiệm, khi quan niệm đã thay đổi, cảm xúc không còn chi phối nhiều, mọi quyết định sẽ dễ dàng hơn. Có thể gầy dựng DN nhưng khi cảm thấy mọi thứ không ổn có thể cho dừng, hoặc đến một mức phát triển nào đó có thể bán lại cho DN khác có bước phát triển phù hợp hơn.
Việc một số DN lớn Việt Nam gần đây được bán lại cho DN nước ngoài, nếu nhìn ở góc tích cực hoàn toàn bình thường. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu, khái niệm thương hiệu thuần túy được sở hữu bởi người Việt Nam hay người Hoa Kỳ đã thay đổi. Vì một DN khi trở thành công ty đại chúng sẽ đa sở hữu, quan trọng là nó khởi nguồn từ quốc gia nào, việc thay đổi ông chủ không quan trọng.
Phải hiểu rằng thương hiệu là một “công dân toàn cầu”, nếu cứ mãi lo lắng chuyện thâu tóm sẽ không phù hợp. Chúng ta đang hội nhập, đang kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài vào, nên không thể đòi hỏi những thương hiệu là của riêng Việt Nam.