Luật bảo hiểm xã hội mới:

Chính sách đúng, chưa đúng thời điểm

(ĐTTCO) - Có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi 2014 có nhiều quy định gây tác động lớn đến doanh nghiệp và người tham gia BHXH. Theo đó, tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp và người lao động không thay đổi, nhưng cơ sở mức đóng có thay đổi: tiền lương + phụ cấp, không thuần lương cơ bản như trước kia. Quy định này khiến nhiều người lao động (NLĐ) lo lắng bị ảnh hưởng đến thu nhập và lo doanh nghiệp (DN), người sử dụng lao động đối phó...

(ĐTTCO) - Có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi 2014 có nhiều quy định gây tác động lớn đến doanh nghiệp và người tham gia BHXH. Theo đó, tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp và người lao động không thay đổi, nhưng cơ sở mức đóng có thay đổi: tiền lương + phụ cấp, không thuần lương cơ bản như trước kia. Quy định này khiến nhiều người lao động (NLĐ) lo lắng bị ảnh hưởng đến thu nhập và lo doanh nghiệp (DN), người sử dụng lao động đối phó...

Nguy cơ vỡ quỹ BHXH

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13, thảo luận về Luật BHXH (sửa đổi) nhiều đại biểu bức xúc về tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của quỹ, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Đa số đại biểu Quốc hội không đồng tình với việc nâng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) khi cho rằng BHXH quản lý lỏng lẻo, chưa thu hồi được hàng tỷ đồng nợ đọng và cho vay trái quy định. Đó là việc lãnh đạo BHXH Việt Nam đã vung tay đầu tư thoải mái hơn cả ngàn tỷ đồng vào Công ty Cho thuê Tài chính 2. Hậu quả đến nay đã gây thất thoát không có khả năng thu hồi gần 800 tỷ đồng. Trong khi đó, nguyên tắc tối thượng của nguồn quỹ BHXH là phải bảo đảm an toàn. Bởi đối với một quốc gia, quỹ BHXH là nguồn an sinh xã hội cốt yếu, liên quan đến hầu hết mọi tầng lớp.

Các chính sách hiện tại với hệ thống hưu trí ở Việt Nam không bền vững và phải nhanh chóng cải cách quỹ BHXH. Bởi lẽ, theo tính toán của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) và WB, quỹ BHXH Việt Nam sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2021 và cạn vốn năm 2034. Tính toán của BHXH Việt Nam cũng cho kết quả tương tự, từ đầu thập niên sau quỹ sẽ bắt đầu mất cân đối.

TS. Nguyễn Nguyệt Nga, chuyên gia kinh tế cao cấp WB

Đánh giá việc vỡ quỹ BHXH trong tương lai, theo nhiều chuyên gia có nhiều nguyên nhân, chủ yếu do không thu được bảo hiểm, quản lý yếu kém, bộ máy cồng kềnh… Đặc biệt việc lấy tiền đóng BHXH của NLĐ để làm chi phí quản lý bộ máy BHXH đã gây bức xúc cho người dân. Bên cạnh đó, tốc độ già hóa dân số Việt Nam nhanh hơn so với dự báo. Nếu năm 2012 khoảng 11 người dân mới có 1 người cao tuổi trên 60, ước tính vào năm 2029, cứ 6 người dân đã có 1 người trên 60 tuổi; đến năm 2049, cứ 4 người dân có 1 người trên 60 tuổi. Tình trạng già hóa dân số nhanh này đang đe dọa đến mất cân đối giữa nguồn quỹ BHXH và mức thụ hưởng BHXH. Quỹ dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam cũng cảnh báo về nguy cơ dân số già là thách thức không nhỏ đối với hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam thời gian tới, trong đó có lương hưu. Chưa hết, hệ thống BHXH Việt Nam còn phải đối mặt với khó khăn đến từ số lượng người tham gia đóng BHXH.

Về vấn đề này, theo bà Đoàn Thị Thu Hương (Học viện Tài chính), tuy số lượng tham gia đóng BHXH tăng nhưng diện bao phủ của BHXH vẫn ở mức thấp, mới đạt khoảng 22% số người trong độ tuổi lao động. Đối với diện bắt buộc phải đóng BHXH cũng mới chỉ có hơn 70% tham gia. Còn bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH Bộ LĐ-TB-XH, cho hay số người tham gia BHXH tự nguyện đang có xu hướng tăng khá nhanh, hiện đã có hơn 213.000 người tham gia, nhưng chủ yếu vẫn là đối tượng đã từng tham gia BHXH bắt buộc, tham gia đóng thêm tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu tối đa.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cơ quan xây dựng Luật BHXH mới 2014, cho biết do luật về BHXH trước đây quy định đóng trên lương, nên chủ sử dụng lao động tìm cách lách luật, chỉ đóng BHXH cho NLĐ trên mức lương tối thiểu vùng, không phải đóng trên mức lương thực tế trả cho NLĐ. Phần chênh lệch lương không đóng BHXH được chia nhỏ thành các khoản phụ cấp như tiền nhà, tiền xe... Khi chủ sử dụng lao động tìm cách thỏa thuận với NLĐ chỉ đóng BHXH trên mức lương tối thiểu vùng, đến lúc nghỉ hưu, dù có được nhận mức lương hưu tối đa bằng 75% mức lương đã đóng BHXH, NLĐ cũng chỉ có lương hưu hàng tháng thấp hơn cả lương tối thiểu. Số liệu thống kê khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy hiện có tới 15% người nghỉ hưu tại TPHCM có mức lương 1.350.000 đồng/tháng, chỉ bằng mức chuẩn nghèo. Với lương hưu trí quá thấp như vậy, cuộc sống của NLĐ khi về già sẽ rất khó khăn.

Chưa tạo đồng thuận

Nếu để tình trạng các DN tiếp tục đóng BHXH trên mức lương tối thiểu vùng sẽ rất thiệt thòi cho NLĐ. Các nước đều áp dụng việc đóng bảo hiểm hưu trí trên tổng thu nhập. Để bảo vệ quyền lợi hưu trí cũng như khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động của NLĐ, phải kiên quyết xóa tình trạng 2 sổ lương trong DN: sổ lương thấp để đóng BHXH và sổ lương thực tế chi trả cho NLĐ và quyết toán thuế. Chính vì vậy, khi xây dựng Luật BHXH mới 2014, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã phải đấu tranh rất kiên quyết, mạnh mẽ để có được quy định đóng BHXH trên thu nhập thực tế của NLĐ, nhằm đảm bảo cho NLĐ sau cả cuộc đời làm việc, đến khi nghỉ hưu sẽ nhận được mức lương hưu không quá chênh lệch so với thu nhập khi làm việc, có thể ổn định cuộc sống tuổi già. Nếu đóng BHXH trên thu nhập thực tế, NLĐ chỉ tăng mức đóng trên mức 1/3 phí BHXH, chủ sử dụng chịu trách nhiệm 2/3 nhưng khi ốm đau, thai sản hay nghỉ hưu, lương từ quỹ BHXH của NLĐ sẽ tăng cao hơn nhiều, được hưởng 100% từ mức đóng tăng. Chắc chắn với cách thu BHXH mới, mức sống của NLĐ ở tuổi hưu trí sẽ được bảo đảm hơn.

Mạng lưới an sinh xã hội của Việt Nam còn rất mỏng manh. Nhiều người khi về già không có lương hưu, chỉ trông cậy vào con cháu nên cuộc sống dễ hụt hẫng. Thay đổi mức đóng BHXH là cuộc cách mạng quan trọng giúp NLĐ về già được hưởng lương hưu cao, đòi hỏi đồng thuận lớn của người tham gia và cộng đồng DN.

Ông Phạm Minh Huân,Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, lãnh đạo DN cho rằng người Việt Nam đang phải nộp BHXH cao hàng đầu Đông Nam Á. Dẫn số liệu của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may, nêu vài con số DN đang phải đóng cho NLĐ, như BHXH 18%, bảo hiểm y tế 3%, bảo hiểm thất nghiệp 1%, đoàn phí công đoàn 2%, tổng cộng lên đến 24%. Bên cạnh đó, NLĐ cũng phải tự đóng 10,5% (trong đó BHXH 8%, bảo hiểm y tế 1,5%, bảo hiểm thất nghiệp 1%). Nếu là công đoàn viên phải đóng thêm 1% phí công đoàn. Tổng cộng, chi phí cho bảo hiểm và phí công đoàn lên tới khoảng 35%. Trong khi đó, Malaysia chỉ đóng 13%, Philippines 10%, Indonesia 8%, Thái Lan 5%.

Quy định đóng BHXH mới rõ ràng có lợi cho NLĐ và cho xã hội, nhưng với DN lại gây một số lo lắng. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TPHCM, cho rằng không thể phủ nhận những mặt tích cực của quy định này đối với NLĐ khi hưởng các chế độ phúc lợi, nhưng mặt còn lại là tạo áp lực rất lớn đối với DN khi họ phải chịu tác động kép: tăng lương tối thiểu vùng hàng năm (năm 2016 tăng 12,4%) và mức đóng BHXH (lương hợp đồng + phụ cấp). Chịu tác động lớn nhất là những DN sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may, da giày. “DN thường xây dựng 2 thang bảng lương. Một bảng gồm lương cơ bản cộng với các hệ số khác như thâm niên, chức vụ, tay nghề và thường dựa vào bảng lương này để tính đóng BHXH. Bảng lương thứ hai theo hiệu quả sản xuất kinh doanh (lương mềm). Tại nhiều công ty, phần lương mềm nhiều hơn phần cứng. Do đó nếu cộng gộp cả 2 bảng lương này để tính đóng BHXH, chi phí của nhiều DN sẽ đội lên rất lớn, có thể tăng thêm 50% chi phí cho BHXH, chưa kể phần tăng do phần lương tối thiểu tăng thêm” - ông Hưng phân tích.

Ngổn ngang trăn trở

Điều đáng lo ngại là DN sẽ tìm cách luồn lách, giảm tiền lương và trợ cấp của NLĐ để không phải chi quá nhiều cho việc đóng BHXH. Theo đó, DN sẽ giảm các khoản phụ cấp, thay đổi cách tính lương theo hiệu quả công việc để bù vào khoản tăng thêm. Nhưng cách này lại rất dở cho DN, bởi họ cần trả mức lương cao hơn để NLĐ trung thành với công ty và kích thích họ làm việc. Cách thứ hai là DN sẽ sắp xếp lại bộ máy sản xuất, sa thải bớt NLĐ để không làm tăng tổng quỹ lương, quỹ bảo hiểm y tế, BHXH. Theo tổng giám đốc một công ty may, ước tính năm 2016 DN sẽ phải chi thêm khoảng 5 tỷ đồng để thanh toán BHXH khi thực hiện theo chính sách mới. “Năng suất lao động không tăng, giá sản phẩm dự báo sẽ ổn định nhưng phát sinh thêm chi phí, đương nhiên DN sẽ phải cắt giảm lợi nhuận, thu hẹp sản xuất và tinh giảm nhân viên” - vị này nói.

Trước những diễn biến thực tế trên, Bộ LĐ-TB-XH đã ban hành thông tư hướng dẫn một số điều của Luật BHXH 2014, quy định tiền lương và các khoản phụ cấp tính đóng BHXH bắt buộc kể từ ngày 15-2-2016, gồm: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự. Tiền đóng BHXH không bao gồm các chế độ phúc lợi như tiền thưởng, thưởng sáng kiến, tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi NLĐ có thân nhân bị chết, có người thân kết hôn, sinh nhật của NLĐ, trợ cấp cho NLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác trong hợp đồng lao động.

Chi trả lương hưu và trợ cấp xã hội tại TPHCM.

Chi trả lương hưu và trợ cấp xã hội tại TPHCM.

Dù vậy, theo nhiều chuyên gia, chính sách đóng BHXH mới không chỉ làm DN mà cho cả NLĐ gặp những khó khăn trước mắt. Nên chăng Nhà nước có lộ trình riêng với DN sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may, da giày... Nếu không chính sách tốt đẹp nhưng áp dụng không đúng lúc vô tình lại đẩy DN vào chỗ khó. Khi DN khó, ắt quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng. Nên chăng lùi thời hạn thực thi Luật BHXH lại ít nhất 6 tháng đến 1 năm để DN kịp chuẩn bị tinh thần cho NLĐ cũng như chiến lược tài chính.

Các tin khác