Chính sách tiền tệ: Mở, Trung hòa hay Siết?

(ĐTTCO) - Chính sách tiền tệ (CSTT) có thắt chặt hơn? Tỷ giá và lãi suất, cung tiền, room tín dụng có tăng hay không? Đó là những câu hỏi thị trường đang chờ đợi và nhà điều hành đang cân nhắc, trong khi các chuyên gia cũng có nhiều quan điểm. 
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Cố gắng ổn định lãi suất và tỷ giá
Sau đại dịch nền kinh tế đang phải nỗ lực phục hồi. Bởi Việt Nam cần tăng trưởng để thoát bẫy thu nhập trung bình, và nền kinh tế đang cần tiền, doanh nghiệp đang cần vốn. Trong khi đó, rủi ro và bất định ngày càng gia tăng, tình hình thế giới biến động phức tạp, sự thay đổi chính sách của các quốc gia ngày càng nhanh và khó lường, rất khó dự báo hoặc không thể dự báo được.
Những biến động đó tiềm ẩn rủi ro, thách thức đối với tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát và các cân đối lớn của Việt Nam cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn. 
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, điều hành CSTT ở thời điểm này vô cùng khó khăn. Hài hòa giữa kiểm soát lạm phát nhưng lại chống được suy thoái kinh tế, luôn là bài toán khó. Rõ ràng, việc lựa chọn chính sách trong trạng thái kinh tế lạm phát cao, rủi ro vĩ mô lớn, sản xuất khó khăn, đòi hỏi cả kỹ thuật và nghệ thuật. 
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và CSTT lúc này phải giải bài toán điều hành với nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, phải cân bằng giữa việc kiểm soát lạm phát và cung ứng vốn cho nền kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng. Kiểm soát lạm phát, giữ ổn định vĩ mô, ổn định tiền tệ, nhưng phải đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo thanh khoản cho các thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Các biến số như lãi suất, tỷ giá, cung tiền, room tín dụng đều được đưa vào bài toán tổng thể này, và đây cũng là những vấn đề nóng bỏng hiện nay. Phần lớn các nước đã lựa chọn hy sinh tăng trưởng để kìm hãm lạm phát bằng các biện pháp thắt chặt, tăng lãi suất.
“Với Việt Nam dù sao vẫn phải đối mặt với rủi ro của lạm phát. Nếu lạm phát lên 4% so với mức dự kiến, phải thắt chặt lãi suất” - ông Andrea Coppla, Kinh tế trưởng NH Thế giới (WB) tại Việt Nam, nói. 
Vấn đề đặt ra là thời gian tới NHNN có nên tăng lãi suất, và nếu không tăng đồng nghĩa phải bán dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá hối đoái. Theo GS. Andreas Hauskrecht, Đại học Indiana (Mỹ), Việt Nam không nên giảm giá tiền đồng, cũng không tăng lãi suất bởi có thể gây bất ổn tài chính.
TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho rằng: “Cần cố gắng ổn định lãi suất, giữ cho bằng được ổn định tỷ giá”. Theo ông, tỷ giá là “phòng thủ” - phòng tuyến quan trọng trong trận đánh lạm phát. Nếu vỡ phòng tuyến này lạm phát sẽ tràn vào.
Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng nhấn mạnh: “Giữ được tỷ giá ổn định góp phần rất quan trọng đến kiểm soát lạm phát. Nếu để tỷ giá tăng, giá hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng và tác động lớn đến lạm phát”.
Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào, cho rằng nếu lạm phát tiếp tục gia tăng, NHNN cần thắt chặt hơn CSTT và sử dụng các công cụ như lãi suất, tăng trưởng tín dụng và các biện pháp can thiệp ngoại hối.
 Việc điều hành trong bối cảnh hiện nay không chỉ đơn thuần là kỹ thuật về mặt kinh tế, mà phải có nghệ thuật điều hành, nhãn quan chính trị, hiểu biết tâm lý xã hội, bình tĩnh trước các ý kiến khác nhau… Kiên định chính sách đang thực thi trong chính sách tài khóa, mở rộng dư địa, kiên định CSTT chặt chẽ song vẫn có sự linh động.
Thủ tướng  PHẠM MINH CHÍNH
Room tín dụng năm 2022 là vừa tầm
Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, cho rằng: “Việt Nam không nên quá vội vàng lo vì sức ép trong cuộc đua thắt chặt tiền tệ của các nước, mà nên linh hoạt trong điều hành để vẫn giữ được vĩ mô ổn định, tạo điều kiện cho tăng trưởng, sản xuất kinh doanh phục hồi”.
Ông Cường đánh giá cao về điều hành CSTT rất linh hoạt, vừa để kiềm chế lạm phát, vừa phục vụ tăng trưởng. Trần tín dụng 14% NHNN đã đặt ra là hợp lý vì đã tính toán dựa trên những mục tiêu như kiểm soát lạm phát 4%, tăng trưởng kinh tế 6-6,5%.
Có thể nói, Việt Nam đã không lao vào cuộc đua thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, mà đã có lựa chọn khác để vừa thúc đẩy phục hồi, vừa ổn định kinh tế vĩ mô. Đó là đã quyết định dựa nhiều vào chính sách tài khóa.
“Lựa chọn này là hợp lý, ít gây áp lực cho lạm phát hơn và có dư địa lớn hơn để ứng phó với những rủi ro, bất định” - TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, phát biểu.  
Đã có câu hỏi đặt ra, có cần nới tín dụng hay không? Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh bất định này, NHNN càng phải kiên định, cẩn trọng trong điều hành CSTT và tăng trưởng tín dụng ở mức 14% là hợp lý.
“Nếu nới lỏng hơn room tín dụng, không chỉ tạo áp lực lên tỷ giá còn gây áp lực lên lãi suất, tạo nguy cơ chảy máu vốn. Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam ở mức 14% không phải quá nới lỏng, nhưng cũng không phải thắt chặt” - TS. Võ Trí Thành nói.
Trên thực tế, để hỗ trợ kinh tế phục hồi trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới thắt chặt, áp lực lạm phát cao, NHNN đã để mức tăng trưởng tín dụng cao hơn 2 năm trước (năm 2020 và 2021 lần lượt 12,17% và 13,61%).
Quan điểm của phần lớn chuyên gia là để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định thị trường tiền tệ, việc điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, nhưng bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, hiệu quả và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng, ổn định tỷ giá, tăng trưởng tín dụng hợp lý. Trong ngắn hạn chưa thể bỏ được hạn mức tăng trưởng tín dụng, nhưng sẽ phải tính tới các biện pháp khác để điều hành tín dụng. 
Các tổ chức xếp hạng quốc tế, như Moody's đã cảnh báo tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện trên 124%, tổng tài sản tổ chức tín dụng/GDP khoảng 187%... Tức đòn bẩy tài chính hiện rất lớn, nếu nới thêm tín dụng sẽ ảnh hưởng tới rủi ro tài chính trong tương lai.

Các tin khác