Ngày tết bây giờ nhiều người chuộng những điều mới lạ. Đón tết ở thành phố, nơi đồng bằng đã trở nên nhàm chán, không ít người chọn cho mình những chuyến đi xa để khám phá trong dịp xuân. Cao nguyên Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), mảnh đất chứa nhiều bí ẩn khiến hàng ngàn người đến “phượt” mỗi năm. Bắc Hà có gì mới lạ? Không, cuộc sống hồn nhiên ở đây không có gì lạ, mà đó chỉ hội tụ những vẻ đẹp bình dị.
Nhiều người đến Bắc Hà chỉ để ngắm những đôi má thiếu nữ ửng đỏ trong không khí rộn ràng của hoa mận, hoa đào đua nở đón xuân. Có người vượt cả trăm cây số chỉ để được ngồi giữa chợ ăn thắng cố, thưởng thức thứ rượu nấu bằng men hồng my thơm nồng lan tỏa từ đầu lưỡi vào đến trái tim.
Cũng có khi để tham dự một phiên chợ trâu rất đỗi hồn nhiên của những người dân mộc mạc... Vậy ở những điều giản dị đó có gì mới mẻ, hấp dẫn?
Câu trả lời là sự hấp dẫn nằm ở chính sự cảm nhận của những người thích khám phá, thực sự hòa quyện vào mảnh đất này, yêu con người và hiểu những giá trị văn hóa được hội tụ từ hàng chục năm qua lối sống của người dân xứ hoa mận trắng.
Một phiên chợ trâu Bắc Hà. |
Chợ Bắc Hà lạ lắm, lại càng lạ hơn khi cách đó chừng chục cây số, có một chợ trâu lớn nhất cả nước họp vào sáng thứ bảy, đó là chợ Cán Cấu. Còn chợ trâu Bắc Hà diễn ra vào ngày chủ nhật. Những ngày chuẩn bị đón tết không khí rộn ràng hơn, tươi vui hơn.
Người dân ở các thôn, bản xa xôi đủng đỉnh vượt cả quãng đường dài, ngoằn ngoèo dốc để đến chợ. Sớm xuân, từ trên dốc, những chú trâu theo sau chủ nhân cứ như từ trong sương trắng bước ra.
Đến chợ, chủ cột trâu vào cọc để mặc thiên hạ nhìn ngắm, bình phẩm. Ở đó, họ cũng đủng đỉnh mặc cả, được giá mới bán, nếu không được giá thì vào quán rượu, làm vài chén rồi đủng đỉnh dắt trâu về.
Con trâu vẫn là “đầu cơ nghiệp”, phải dịp quan trọng lắm người ta mới đem bán. Vào dịp tết, có người đến bán trâu, ngoài lấy tiền mua sắm mấy ngày tết, còn lại để chuẩn bị ra giêng cưới con.
Vì thế, nếu nói những chú trâu chở mùa xuân, hay mùa xuân về trên lưng những chú trâu cũng chẳng có gì sai. Niềm vui hiện diện đầu tiên từ đó. Niềm vui bắt đầu từ những chú trâu gặm cỏ trên những triền ruộng bậc thang.
Ở các phiên chợ khác, việc mua bán trâu, bò chủ yếu do nam giới đảm nhiệm, nhưng ở Bắc Hà hay Cán Cấu không chỉ nam mà nữ giới cũng tham gia. Có những phiên, số trâu lên đến vài trăm con, thu hút đông đảo dân cư, kể cả người dưới xuôi lên. Giá một con nghé từ 4-6 triệu đồng, giá trâu chửa khoảng 12 triệu đồng, trâu đực to có thể lên tới 20 triệu đồng.
Quanh năm người Bắc Hà làm việc quần quật trên các rẻo núi cao, rất ít có dịp giao lưu văn hóa. Chỉ đến cuối tuần có chợ phiên, người dân mới được gặp nhau, uống rượu và cười sảng khoái, do đó các phiên chợ tết càng trở nên vui vẻ.
Người dân Bắc Hà đã “thắp” lên niềm vui cho cuộc sống của mình bằng những phiên chợ vui nhộn, thói quen mua bán thật thà, chất phác.
Ở đó, họ còn tổ chức ca hát, thổi khèn, bàn tính chuyện làm ăn và cũng là nơi hò hẹn của các lứa đôi. Tất cả điều đó đã làm cho cuộc sống của người thiểu số vùng núi cao này trở nên sinh động.