Trong khi các nước đang loay hoay tranh cãi đưa ra các gói hỗ trợ tài chính bao nhiêu để kháng cự lại con virus corona, thì Việt Nam không tốn một giây để quyết định sử dụng toàn bộ nguồn lực vật chất, con người chạy đua với cuộc chiến. Không cần đợi đến khi Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, gần 100 triệu dân Việt Nam đã ý thức con virus corona ngay “vòm họng” của mình từ 2 tháng nay rồi.
Đại dịch Covid-19 đúng là xui rủi. Nhưng cũng chính vì con virus corona quái ác mà gần 2 tháng qua người dân trong nước và thế giới lại có dịp kiểm chứng khả năng toàn dân chống giặc Covid-19 của người Việt tài tình như thế nào. Điều này toát lên nhiều hàm ý chính sách quan trọng để sau khi đại dịch bị khống chế, Chính phủ có thể trình Quốc hội tạo các gói kích hoạt tài khóa tự động mỗi khi có tình trạng khẩn cấp quốc gia, cho dù có dẫn đến vượt trần bội chi ngân sách và nợ công trong ngắn hạn.
Thời gian là yếu tố vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, rất may đã được cả hệ thống chính trị, Chính phủ và người dân không lãng phí. Điều này đã được chứng minh qua chiến dịch chống đại dịch thành công giai đoạn 1. Sự bùng nổ gần đây của các ca nhiễm Covid-19 càng củng cố cơ sở để tạo ra tức thời cơ chế ổn định tài khóa tự động tức thời cho Chính phủ chống đại dịch.
Trong cuộc gặp với các tập đoàn kinh tế tư nhân mới đây, Thủ tướng cho biết “đã nhận được được một số thông tin cho rằng một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… sẽ sớm phục hồi sản xuất rất nhanh, do đó chúng ta phải đón bắt thời cơ này, như chiếc lò xo bị nén lại, chúng ta phải chuẩn bị tâm thế vươn lên, biến nguy cơ thành thời cơ”.
Dù vậy, dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp đến mức các kịch bản và phản ứng chính sách của các quốc gia hoàn toàn có thể thay đổi chỉ trong một đêm. Hãy còn quá sớm để nhận định về bất kỳ một kịch bản cụ thể nào. Các gói kích thích đưa ra lúc này hãy còn quá vội, ngoại trừ các gói kích thích tìm và diệt con virus corona.
Đại dịch mới chỉ có 2 tháng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị thiệt đơn thiệt kép và xứng đáng nhận được hỗ trợ cần thiết và đúng lúc. Còn các tập đoàn kinh tế tư nhân, chẳng lý nào dễ bị tổn thương cũng giống như các doanh nghiệp vừa và nhỏ? Nếu thế, họ đang kinh doanh cái gì và áp dụng cơ chế quản trị rủi ro thế nào mà lại dễ dàng nhiễm bệnh đến thế.
Hãy xin đừng so sánh với cách thức mà Mỹ giảm lãi suất để cứu các doanh nghiệp của họ để áp dụng cho Việt Nam. Việc NHTW Mỹ giảm mạnh lãi suất là để giải cứu sự hoảng loạn đang diễn ra trên thị trường tài chính. Ngược lại, các tập đoàn kinh tế tư nhân nước ta phần lớn lại thuộc sở hữu gia đình chứ không phải các công ty đại chúng để nghĩ đến các biện pháp giải cứu trên diện rộng.
Nếu có cải cách thể chế bằng việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, đó phải là sự cải cách thể chế trên diện rộng chứ không nên lựa chọn một vài dự án của các tập đoàn nào đó để giải quyết. Trong cơn đại dịch này, Chính phủ càng không nên vô tình thiết kế các chính sách chọn ra “kẻ thắng, người thua”. Phương châm ngắn gọn ở đây là: các gói giải cứu thì theo cách tiếp cận “vi mô” (lựa chọn đúng đối tượng dễ bị tổn thương nhất để hỗ trợ); còn các cải cách thể chế thì theo cách tiếp cận “vĩ mô” (không ưu tiên cho bất kỳ thành phần nào).
Đến giờ, với những diễn biến khó đoán định, có lẽ chúng ta nên chuẩn bị một tâm thế mới. Theo đó, có khả năng cú sốc Covid-19 không phải là một cú sốc cung bình thường do thiên tai địch họa hay những gián đoạn nguồn cung do chiến tranh dầu hỏa như trong quá khứ, để rồi chủ quan nhận định sau đó các hoạt động kinh tế sẽ bật mạnh trở lại. Cú sốc Covid-19 lần này liên quan đến yếu tố mà các cú sốc cung trước đó chưa hề có, đó là liên quan đến những diễn biến phức tạp trên thị trường lao động. Không dễ gì thị trường lao động hồi phục lại sau khi kết thúc dịch, là nhận định của nhiều nhà nghiên cứu quốc tế.
Để biến kỳ vọng của Thủ tướng thành hiện thực, mặt trận quan trọng bậc nhất hiện nay không gì khác là tập trung toàn bộ nguồn lực cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Thủ tướng đã đưa ra các chỉ thị khá toàn diện chống dịch. Nhưng dường như trong suy nghĩ của từng người dân vẫn còn thấy điều gì đó bất an. Làm thế nào nhận biết được bệnh nhân số 0 (người nhiễm bệnh) ở các cửa khẩu, sân bay? Yếu tố mang tính kỹ thuật chuyên môn nào để nhận diện nguồn lây nhiễm? Để trả lời câu hỏi này, có lẽ tất cả chúng ta đều phải thừa nhận, thậm chí phải chấp nhận những giải pháp chưa có tiền lệ.
Tại sao phải chấp nhận những giải pháp chưa có tiền lệ? Không có lý thuyết nào dài dòng ở đây để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng các giải pháp đặc biệt nhất chưa từng có. Virus corona được gọi là một virus “mới” có khả năng biến chủng rất cao. Rất đơn giản, vì vậy chúng ta cũng phải luôn sẵn sàng tiếp cận phương pháp chống dịch mới chưa từng, chẳng những ở Việt Nam mà còn chưa thấy quốc gia nào áp dụng. Đây là luận điểm rất dễ gây tranh cãi nhưng có lẽ không có cách nào khác vào thời khắc cánh cửa sắp đóng sập lại.
Khi đã thống nhất với nhau về mặt quan điểm như thế, dường như chỉ có sử dụng công nghệ 4.0, may ra mới có cơ may để chống dịch có hiệu quả cao nhất. Liệu bằng cách nào mà trí tuệ nhân tạo có khả năng nhận diện hành trình của một người trước đó đã đi những nơi nào, nhất là ở những vùng dịch bệnh? Sau đó, khi ở Việt Nam, bằng cách nào có thể nhận diện những lộ trình di chuyển của họ? Hiện nay, chỉ bằng cách tự khai báo của người nhập cảnh và kỹ năng của chuyên viên tại các sân bay, e rằng xác suất để lọt ca nhiễm sẽ còn rất lớn.
Thời gian qua các bộ, ngành đã nói quá nhiều đến ứng dụng công nghệ 4.0, chính phủ điện tử, thành phố thông minh. Nay là cơ hội đã đến để các bộ ngành, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo phát hiện hành trình của con virus corona, bắt đầu từ các sân bay, cửa khẩu. Đây cũng không thể là thời cơ tốt hơn để các tập đoàn kinh tế lớn thể hiện trách nhiệm xã hội của mình thiết thực nhất. Thay vì nghĩ nhiều đến các gói giải cứu, họ nên dùng phần lớn nguồn lực cùng với Chính phủ ứng dụng công nghệ 4.0 chống lại con virus corona.
Thể chế chúng ta cho phép đưa ra những giải pháp đột phá, chưa có tiền lệ, thậm chí chưa có quốc gia nào dám làm chỉ với một mục đích duy nhất chống đại dịch Covid-19 thành công. Nếu không như thế, mỗi ngày trôi qua, chỉ cần một ca nhiễm tăng thêm, kèm theo đó với biết bao hoảng loạn bao trùm thì sẽ không có gói kích thích kinh tế nào là đủ.