Thiếu liên kết chuỗi giá trị
Gỗ cao su là một trong những nguồn cung gỗ nguyên liệu quan trọng đối với ngành chế biến gỗ nước ta, nhất là với xuất khẩu. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng làm từ gỗ cao su khoảng 1,7 tỷ USD (chiếm gần 23% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ cả nước).
Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương, Tổng giám đốc Công ty Minh Phát 2, hiện có 2 nguồn nguyên liệu quan trọng cho sản xuất gỗ là gỗ tràm và gỗ cao su.
Với mức tiêu thụ đồ gỗ toàn cầu lớn, ngành gỗ Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển để hoàn thành mục tiêu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra cho toàn ngành xuất khẩu 18-20 tỷ USD vào năm 2025. Nhưng để thực sự mang về giá trị gia tăng cao việc sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước phải được đặt lên hàng đầu. |
Tuy nhiên, hiện nay chưa có sự liên kết giữa các hiệp hội gỗ, cao su cũng như giữa DN 2 ngành. Bên cạnh đó là cạnh tranh không lành mạnh và phần thiệt thường thuộc về DN sản xuất gỗ. Một nghiên cứu mới đây được thực hiện bởi các hiệp hội gỗ, hiệp hội cao su và tổ chức Forest Trends, đã chỉ ra thực trạng các DN chế biến gỗ nằm ngoài ngành cao su rất khó tiếp cận nguồn cung gỗ.
Điều này phần nào làm méo mó thị trường cung gỗ cao su, hạn chế cơ hội phát triển của ngành chế biến gỗ. Điều đáng lo ngại, trong khi DN sản xuất, xuất khẩu gỗ đang thiếu nguyên liệu gỗ cao su, một lượng lớn gỗ cao su của Việt Nam lại xuất qua Trung Quốc với giá rẻ hơn thị trường trong nước.
Thí dụ, giá nội địa bình quân của mặt hàng gỗ xẻ cao su ở mức 330USD/m3, trong khi giá xuất khẩu bình quân 229USD/m3, tức chênh lệch 101USD/m3. Tương tự, chênh lệch giữa giá nội địa và giá xuất khẩu của mặt hàng gỗ bóc cao su lên tới 136USD/m3.
Ông Hoàng Ích Tuân, Giám đốc thu mua Công ty Tekcom, cho rằng các DN xuất khẩu nguyên liệu điều chỉnh giá bán xuống mức thấp nhất để có thể lẩn tránh thuế, do các loại gỗ xuất khẩu có mức thuế xuất khẩu 10-20%. Tình trạng này đã làm thất thoát nguồn thu thuế của Nhà nước từ hoạt động xuất khẩu cũng như thuế thu nhập DN, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường nguyên liệu trong nước và ngành sản xuất, chế biến gỗ nội địa.
Gỗ cao su là một trong những nguồn cung gỗ nguyên liệu quan trọng đối với ngành chế biến gỗ nước ta.
Cần nguồn gỗ hợp pháp
Một trong những lý do nhiều DN sản xuất, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ phải nhập nguyên liệu bởi những nguồn nguyên liệu này đáp ứng đúng tiêu chuẩn và đảm bảo tính hợp pháp.
Một trong những lý do nhiều DN sản xuất, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ phải nhập nguyên liệu bởi những nguồn nguyên liệu này đáp ứng đúng tiêu chuẩn và đảm bảo tính hợp pháp.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ - Chế biến gỗ TPHCM, cho biết 10 nước Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất (chiếm 92,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước) đều có yêu cầu gỗ hợp pháp. Điều này cho thấy gỗ hợp pháp trở thành một xu thế tất yếu mà chúng ta phải tuân thủ. Với gỗ rừng trồng như gỗ cao su, việc lấy các chứng chỉ hợp pháp như FSC hết sức cần thiết.
Theo ông Nguyễn Hữu Thông, Tổng giám đốc Công ty gỗ Hoàng Thông, hiện công ty đang sử dụng 100% gỗ cao su trong sản xuất các sản phẩm tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. “Nếu nguồn gỗ cao su Việt Nam có chứng nhận FSC, có thể ký được những hợp đồng lớn với những tập đoàn nội thất lớn như Ikea. Muốn như vậy, vai trò hợp tác, liên kết giữa các DN, các ngành để mang về lợi ích lớn nhất là rất cần thiết" - ông Thông nhấn mạnh.
Về phía Tập đoàn Cao su, ông Trần Minh, Trưởng ban công nghiệp của tập đoàn, cho biết đang làm việc với các nhà tư vấn nước ngoài để từng bước lấy được chứng chỉ FSC nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp cho DN sản xuất gỗ.
Mặt khác, trước đây trồng cây cao su chủ yếu để khai thác mủ, sau khi khai thác hết mủ mới thanh lý cây cao su. Nay trước thực tế nhu cầu ngày càng cao về nguồn gỗ cao su của DN trong ngành sản xuất gỗ, tập đoàn đang tính toán lại mô hình, ưu tiên đi theo con đường lấy gỗ trước nhất, mủ đứng thứ hai. Cũng nhằm đảm bảo tính hợp pháp của nguyên liệu gỗ, một số DN trong ngành sản xuất gỗ đã chủ động liên kết với nông dân để trồng gỗ có chứng chỉ FSC, như Scansia Pacific hay Woodlands…
Chia sẻ kinh nghiệm về việc này, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Scansia Pacific, cho biết từ tháng 6-2016 DN đã tiến hành liên kết với các hộ nông dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai xây dựng vùng nguyên liệu, với việc hình thành nhóm hỗ trợ kỹ thuật của công ty ngay trên địa bàn tỉnh.
Thông qua các cuộc tiếp xúc với các hộ dân có rừng trồng, công ty đã đưa ra được các chính sách tốt cho các hộ dân tham gia liên kết, như hỗ trợ chi phí để đánh giá và duy trì chứng chỉ FSC trên diện tích 5.000ha; cam kết thu mua gỗ có chứng chỉ FSC đường kính trên 13cm, cao hơn gỗ không có chứng chỉ tại cùng thời điểm 15-20% tùy theo chất lượng gỗ. Với những hộ khó khăn còn được vay vốn với lãi suất thấp.