PHÓNG VIÊN: Mới đây, Foxconn - đối tác lớn nhất chuyên gia công các sản phẩm cho Apple - đã đầu tư một dự án 270 triệu USD tại Bắc Giang để sản xuất smart TV cho một thương hiệu nổi tiếng thế giới chứ không phải sản xuất MacBook và iPad như đồn đoán trước đó. Như vậy, giấc mơ sản xuất MacBook và iPad tại Việt Nam vẫn chưa thành. Ông có bình luận gì?
GS-TSKH NGUYỄN MẠI: Theo tôi, dù chưa sản xuất MacBook và iPad ở Việt Nam thời điểm này song việc Apple có những toan tính lớn hơn với thị trường Việt Nam là có thể. Doanh nghiệp đã “đánh tiếng” từ lâu nhưng để dịch chuyển sản xuất cần có sự chuẩn bị, có thời gian và nếu thực sự để sản xuất MacBook và iPad thì số vốn đầu tư cần rất lớn, thậm chí gấp nhiều lần so với con số 270 triệu USD.
Nhưng không chỉ có Foxconn, những đối tác lớn khác của Apple như Luxshare, Goertek… đều đang mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Cũng trong năm nay, Pegatron - nhà cung ứng linh kiện cho hàng loạt công ty công nghệ tên tuổi - đã được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư dự án thứ hai ở Hải Phòng với số vốn đăng ký 481 triệu USD để sản xuất thiết bị chơi game, phụ kiện điện thoại, loa thông minh, bộ điều khiển game, các loại máy tính…
Không chỉ có các “ông lớn công nghệ”, hiện có không ít dự án lớn đăng ký mới và điều chỉnh vốn trong năm qua, trong đó dự án Trung tâm nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia có tổng mức đầu tư 93.600 tỷ đồng (tương đương 4 tỷ USD), tổng công suất 3.200MW. Đây là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài thuộc loại lớn nhất vùng ĐBSCL từ trước tới nay…
-Dòng dịch chuyển đầu tư tới Việt Nam của nhiều tập đoàn công nghệ khổng lồ là rất rõ. Vậy xu hướng đó hẳn sẽ tiếp tục trong năm 2021 này, thưa ông?
-Đúng là nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng phân tán rủi ro bằng cách đa dạng hóa thị trường đầu tư thay vì quá tập trung vào Trung Quốc như trước đây. Nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường rất hấp dẫn với 1,4 tỷ dân, GDP đứng thứ hai thế giới, công nghệ hiện đại, nhân lực dồi dào... Năm 2019, nước này dẫn đầu thế giới về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Do vậy, nếu có phân bố lại sản xuất thì các nhà đầu tư cũng không bao giờ rút hết vốn khỏi Trung Quốc. Các nước, trong chính sách “Trung Quốc + 1” như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam... có thể đón nhận nhiều lắm khoảng 3%-5% từ các doanh nghiệp đang đầu tư ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, đây cũng là con số rất đáng kể vì tổng vốn đầu tư đã thực hiện ở Trung Quốc lên tới trên 2.000 tỷ USD. Quá trình dịch chuyển sản xuất sẽ diễn ra trong nhiều năm chứ không phải ngày một ngày hai. Vậy nên những năm tới xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục.
-Bên cạnh những lợi thế đã được đề cập đến lâu nay như ổn định chính trị, kinh tế, môi trường đầu tư thân thiện... thì thế mạnh cũng như điểm yếu mà Việt Nam cần khắc phục là gì để có thể đón được dòng dịch chuyển đầu tư đó, thưa ông?
-Tôi cho rằng, thông qua việc khống chế thành công dịch Covid-19, Việt Nam đã chứng tỏ được 2 lợi thế quan trọng. Đó là năng lực xử lý của Chính phủ trước sự cố khủng hoảng toàn cầu và khả năng chống chịu bền bỉ của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp.
Điều rất đáng lưu ý trong thu hút đầu tư nước ngoài là tại sao chúng ta chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư châu Âu, Mỹ? Để thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao từ các nước châu Âu, Mỹ trong thời gian tới, Việt Nam phải luôn nỗ lực cải cách hành chính, môi trường đầu tư để trở nên minh bạch, chuyên nghiệp hơn. Cùng với đó, chúng ta nên thay đổi phương thức xúc tiến đầu tư có địa chỉ cụ thể thay vì đại trà như trước đây.
Chẳng hạn, với thành phố Thủ Đức vừa được thành lập trực thuộc TPHCM, chúng ta cần sớm tìm kiếm những tập đoàn lớn của châu Âu, Mỹ, tích cực đàm phán để đi đến kết quả cuối cùng. Chủ động tìm những người cần mình và mình cần người ta, phương châm phải là thế.
-Xin cảm ơn ông!