Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 23 HĐND TPHCM khóa IX

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong: Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút mọi nguồn lực

(ĐTTCO) - Ngày 8-12, kỳ họp thứ 23 HĐND TPHCM khóa IX bước sang ngày làm việc thứ hai với phiên chất vấn tại hội trường. Trả lời chất vấn của các đại biểu, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định sẽ quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư của TP trong năm 2021. 

Nghiên cứu tiếp gói hỗ trợ hơn 4.000 tỷ đồng
Chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong về giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường, ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm hỏi, TP có giải pháp gì để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp (DN)? Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh đến quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư của TP trong năm 2021. Theo đồng chí, hiện đầu tư công chỉ chiếm 13%, còn lại là đầu tư nước ngoài (FDI) và tư nhân.
Do đó, song song với việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, TPHCM phải quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, có như vậy mới thu hút được nguồn lực từ trong dân, DN và đầu tư nước ngoài. Giải thích rõ hơn, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho hay, năm 2020, đầu tư từ các dự án FDI vào TPHCM giảm 51%, với quy mô trung bình chỉ 0,5 triệu USD/dự án. Đây là con số quá khiêm tốn. Giai đoạn 2016-2019, xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TPHCM tụt từ hạng 8 xuống hạng 14. Điều đó cho thấy nỗ lực cải thiện của TPHCM là chưa đạt yêu cầu.
Thẳng thắn nhìn nhận, người đứng đầu chính quyền TPHCM cam kết tiếp tục nỗ lực cải thiện điều này. Theo đó, TP sẽ thực hiện các giải pháp cụ thể, có thời hạn cụ thể ở các quy trình thủ tục, xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong giải quyết hồ sơ. Cùng với đó, có giám sát và chế tài khi chậm trễ. Đồng thời TP rất mong có sự tăng cường sự giám sát của HĐND, MTTQ, của báo chí, của nhân dân…
Trả lời câu hỏi của ĐB Phạm Quốc Bảo về giải pháp thực hiện mục tiêu kép, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) dịch vụ, hộ kinh doanh nhỏ lẻ vượt qua khó khăn, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, TP xác định năm 2021, TP tiếp tục xem kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, gắn với thực hiện nhiệm vụ kép. Đồng chí cho biết TPHCM đã phát huy hiệu quả gói hỗ trợ thứ nhất và đang chủ động nghiên cứu gói hỗ trợ thứ 2 quy mô hơn 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0%. Gói này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp dịch vụ lưu trú, du lịch, vận tải, dệt may, chế biến lương thực thực phẩm, xây dựng…
Trong phiên chất vấn, các ĐB cũng đặt câu hỏi về về tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, chậm trễ thực hiện các dự án trọng điểm, tình hình tội phạm. Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết thời gian tới sẽ yêu cầu chủ đầu tư, lãnh đạo quận, huyện ký cam kết về tiến độ giải phóng mặt bằng; tổ chức lựa chọn chủ đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án. Cùng với đó, TPHCM xây dựng tiêu chí đánh giá ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm, không đầu tư dàn trải. Về tình hình an ninh trật tự, Chủ tịch UBND TP khẳng định tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các cấp chính quyền; không để tình trạng thiếu trách nhiệm, bao che, dung túng, tiếp tay cho tội phạm.
Khép lại phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, có 12 ĐB và 5 cử tri đăng ký chất vấn. Tuy nhiên, vì thời gian có hạn nên chỉ có một số chất vấn được trả lời trực tiếp tại hội trường; các ý kiến chất vấn còn lại sẽ trả lời sau bằng văn bản. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ nhận xét, phiên chất vấn diễn ra dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng. Các ĐB, cử tri đặt câu hỏi rõ ràng, chỉ ra những tồn tại hạn chế với mong muốn chính quyền TP có giải pháp để khắc phục, thực hiện thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TP nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, có giải pháp tạo sự chuyển biến trong chỉ đạo điều hành thời gian tới.
Thủ tục còn đùn đẩy
Trong phiên họp chiều cùng ngày 8-12, Thường trực HĐND TPHCM báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách hành chính (CCHC) và Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Qua giám sát cho thấy, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn trên từng lĩnh vực cơ bản đạt trên 90%. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ trễ hạn trên lĩnh vực đất đai còn nhiều. Người dân còn ít sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Việc chậm trễ trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phần lớn do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị và còn tình trạng yêu cầu thêm thành phần hồ sơ ngoài quy định. Trong khi đó, việc thực hiện Nghị quyết 54 đã đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, nhiều đề án đề ra không thực hiện đúng tiến độ. Các cơ quan, đơn vị chưa tận dụng được lợi thế của Nghị quyết 54 nên tiến độ triển khai thực hiện các dự án còn chậm. Đến nay, việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước bị chậm trễ và TPHCM cũng chưa có nguồn thu từ cổ phần hóa như dự kiến.
Bày tỏ sốt ruột khi việc triển khai Nghị quyết 54 trong 3 năm qua khá chậm chạp, hiệu quả không cao, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, ngoài nguyên nhân sự hướng dẫn của bộ, ngành chậm trễ, TPHCM cần xem lại sự nỗ lực đeo bám của TP để tháo gỡ các vướng mắc đã tương xứng hay chưa? Góp ý về công tác CCHC, ĐB Tô Thị Bích Châu nhận xét, hiện nay có dấu hiệu gia tăng tình trạng người dân phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục hành chính. ĐB đề nghị cần làm rõ việc người dân nộp hồ sơ, đến gần ngày nhận kết quả lại được mời lên, trả lại hồ sơ, yêu cầu làm lại từ đầu khiến người dân rất phiền lòng. Cần có đánh giá kỹ để có giải pháp phù hợp trong năm 2021.
ĐB Trần Quang Thắng cho rằng, quá trình giải quyết thủ tục hành chính còn chậm, khó, nhiều trục trặc, người dân đi tới đi lui, chờ đợi căng thẳng. ĐB đề nghị cần cải thiện tình hình, nhất là giờ đây TPHCM thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Các ĐB cũng đánh giá, những vướng mắc đó cản trở sự phát triển của TPHCM và gây ra sự phiền hà cho người dân. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm phân tích, việc gì không vướng do quy định của pháp luật, thì vướng vì sự đùn đẩy và có thể do sợ trách nhiệm. “Nếu quy định pháp luật rõ, nhưng cán bộ vẫn nhũng nhiễu, người dân vẫn bị phiền mà không giải quyết được là chưa được. Nếu cứ nói cố gắng chung chung thì mãi không làm được, TP cần phải chỉ rõ địa chỉ cụ thể chậm trễ, sai sót”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị.
 Dự kiến thu ngân sách năm 2021 gần 365.000 tỷ đồng
HĐND TPHCM thông qua nghị quyết về dự toán thu ngân sách nhà nước; thu chi ngân sách TP năm 2021. Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TPHCM năm 2021 là 364.893 tỷ đồng, giảm 10,09% so với dự toán năm 2020 và tăng 3,66% so ước thực hiện năm 2020. Về thực hiện nhiệm vụ ngân sách năm 2020, HĐND TP đánh giá cao sự chủ động điều hành, triển khai đồng bộ, quyết liệt của UBND TP và sự chung sức, phấn đấu của các cấp ngành, doanh nghiệp và nhân dân TP trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.


Các tin khác