Chưa tận dụng lợi thế FTA

(ĐTTCO) - Hiện đang có tình trạng hàng hóa từ các nước đã ký kết FTA song phương và đa phương ồ ạt đổ vào thị trường trong nước, trong khi hàng hóa Việt Nam lại khó cạnh tranh khi xuất khẩu ra bên ngoài.
 Đó là nhận định của ông LÊ QUỐC PHƯƠNG (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương, trong cuộc trao đổi với ĐTTC.
PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá tác động thế nào của các FTA với hoạt động xuất khẩu của các DN trong nước?
Chưa tận dụng lợi thế FTA ảnh 1Mô tả ảnh
Ông LÊ QUỐC PHƯƠNG: - Trong số 12 FTA Việt Nam đã ký kết với các đối tác song phương và đa phương, chỉ còn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA Việt Nam - EU (RVFTA) dù đã ký kết nhưng chưa chính thức được các bên liên quan thông qua. Trong 10 FTA đang thực hiện, đáng kể nhất là VJEPA (Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản), hay VKFTA giữa Việt Nam - Hàn Quốc, và 5 FTA tham gia với tư cách thành viên khu vực như ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và New Zealan. Các FTA này đang có ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của DN. Vấn đề đặt ra là hiện nay khả năng tận dụng lợi thế từ các FTA để xuất khẩu hàng hóa của cộng đồng DN trong nước. Thực tế nhiều DN không tận dụng được lợi thế của FTA, trong khi chúng ta lại thực hiện mở cửa thị trường theo các cam kết FTA. Thí dụ, VKFTA giữa Việt Nam - Hàn Quốc, họ mở đường cho hàng hóa Việt Nam theo cam kết nhưng chúng ta xuất khẩu sang họ không được bao nhiêu.
Do vậy Hàn Quốc đã trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Trung Quốc trong năm 2016. Trong năm 2016, nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt kim ngạch 32,02 tỷ USD, trong 3 tháng đầu năm 2017 đạt 9,97 tỷ USD. Chính vì vậy Việt Nam đang nhập siêu từ Hàn Quốc, với tốc độ này chẳng bao lâu nữa Hàn Quốc sẽ trở thành thị trường nhập khẩu số 1 của Việt Nam.

Việt Nam đã ký 12 FTA, trong đó 10 FTA đã có hiệu lực và đang thực thi nhưng dường như các DN xuất khẩu trong nước chưa thể tận dụng hết các lợi thế về mở rộng thị trường và ưu đãi thuế các FTA mang lại. Trong khi đó các DN bên ngoài lại đang tận dụng rất tốt các lợi thế FTA tại thị trường Việt Nam. 
Thực tế này cho thấy việc tham gia các FTA đã góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo thêm lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu trong nước thông qua giảm thuế nhập khẩu, nhưng DN Việt Nam chưa tận dụng được các cơ hội xuất khẩu hàng hóa các FTA mang lại. Trong khi thách thức phải mở cửa cho hàng hóa nước ngoài vào lại đang hiện hữu, tác động rất lớn đến thị trường trong nước.
Chẳng hạn với Khu vực mậu dịch chung giữa ASEAN và Trung Quốc (ACFTA), xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có tăng sau khi tham gia ACFTA, nhưng ở chiều ngược lại hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng rất mạnh sau khi tham gia ACFTA. Tương tự, với Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) trước đây và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hiện nay, đã làm tỷ lệ hàng hóa nhập khẩu từ ASEAN tăng mạnh, trong khi xuất khẩu không tăng và có một số hàng hóa giảm, điều này làm cho nhập siêu tăng mạnh. 

- Theo ông, chúng ta có nên đặt ra những con số mục tiêu tăng trưởng và theo đuổi mục tiêu đó?

- 5 tháng đầu năm nay tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 56,66 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ 2016. Hơn nữa, năm nay Bộ Công Thương đã hạ mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn năm ngoái (6,9% trong khi mọi năm là 10%), nên nhiều khả năng sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu đề ra. Tuy nhiên, cần chấm dứt việc chạy theo mục tiêu xuất khẩu dẫn đến tình trạng xuất thô khoáng sản không mong muốn.
Bên cạnh đó, phần lớn hàng hóa xuất khẩu đang nằm trong khu vực FDI, các DN trong nước chủ yếu xuất các mặt hàng nông sản, thủy sản và khoáng sản. Còn lại các mặt hàng công nghiệp chế biến lại do khu vực FDI chi phối.
Ngay cả những lĩnh vực có thế mạnh như dệt may, da giầy hàng hóa xuất khẩu những năm qua thuộc khu vực DN FDI chiếm phần lớn, dù đây luôn được coi là 2 thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Hay trong xuất khẩu gỗ trước đây là thế mạnh của Việt Nam giờ cũng rơi vào tình trạng phải nhập khẩu nguyên liệu để xuất khẩu.

Nhìn vào 10 nhóm hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam những năm qua, khu vực FDI xuất khẩu 100% nhóm hàng hóa điện thoại, linh kiện; 90% sản phẩm máy tính, sản phẩm điện từ và linh kiện; 100% máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; 70% sản phẩm dệt may; 80% sản phẩm da giày…
Thực tế này cho thấy con số mục tiêu càng không có nhiều ý nghĩa, nhiều khi phải trả giá cho con số mục tiêu này. Quan điểm của tôi nên bỏ việc đề ra con số mục tiêu xuất khẩu hàng năm. Vấn đề là Việt Nam đạt được gì khi tăng sản lượng, khối lượng hàng hóa xuất khẩu.

- Tỷ trọng xuất khẩu khu vực FDI ngày càng phình ra, trong khi tỷ trọng xuất khẩu của khu vực trong nước ngày càng thu lại đang nói lên điều gì, thưa ông? 

- Sự phình ra của khu vực FDI cho thấy năng lực xuất khẩu DN trong nước ngày càng yếu, thể hiện ở chất lượng hàng hóa không tốt, giá thành cao, thương hiệu không có, khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài yếu kém, đặc biệt là chưa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chỉ khi nào DN Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu mới có khả năng bán được nhiều hàng hóa. Nếu không ta chỉ xuất khẩu hàng thô và bán lại cho các nước khác sẽ giống như đi làm thuê. Dệt may là một lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh nhưng ta vẫn gia công cho nước ngoài. Câu chuyện này cho thấy năng lực cạnh tranh hàng hóa của DN Việt Nam đang rất thấp. 

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác