VN Index sụt giảm tới 10,9% trong tháng vừa qua, mà chỉ vài tuần trước không mấy người nghĩ tới khả năng thị trường sẽ xóa sạch sóng tăng để trở về điểm xuất phát đầu năm 2023. Tuy nhiên “trong cái rủi có cái may”, thị trường bất ngờ “tua ngược” về quá khứ để mở ra cơ hội đầu tư mới.
Kết quả kinh doanh không tệ
Thị trường vẫn đang đón nhận các số liệu báo cáo tài chính quý III. Không nhiều con số gây ấn tượng về lợi nhuận, một vài con số gây thất vọng, nhưng tổng thể doanh nghiệp vẫn làm ăn có lãi. Theo thống kê của FiinTrade, tính đến hết tháng 10 có 951/1.609 ngân hàng và doanh nghiệp niêm yết đại diện 92,5% tổng giá trị vốn hóa trên HoSE, HNX và UPCoM công bố kết quả kinh doanh, với tổng lợi nhuận sau thuế quý III tăng 0,3% so với cùng kỳ.
Trong đó lợi nhuận sau thuế của nhóm cổ phiếu tài chính tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu nhờ chứng khoán và bảo hiểm, trong khi ngân hàng giảm nhẹ. Với khối phi tài chính, lợi nhuận sau thuế tiếp tục giảm so với cùng kỳ (-3,6%), nhưng tốc độ suy giảm thu hẹp đáng kể so với các quý trước. Xét theo ngành, công nghệ thông tin, du lịch và giải trí duy trì đà tăng trong các quý gần đây, trong khi đó dầu khí và thép ghi nhận tăng trưởng đột biến trong quý III.
Những ngành có lợi nhuận đảo chiều từ tăng trưởng sang suy giảm bao gồm bất động sản, hàng hóa và dịch vụ công nghiệp, dược phẩm. Những ngành duy trì giảm về lợi nhuận bao gồm bán lẻ, tiện ích (điện, nước, khí đốt), hóa chất, hàng cá nhân và gia dụng, viễn thông.
Bức tranh kết quả kinh doanh 9 tháng như vậy bao gồm cả mảng sáng lẫn mảng tối, nhưng vẫn có thể chọn lọc được không ít doanh nghiệp niêm yết vẫn tăng trưởng và có lợi nhuận tốt. Thị trường trải qua một nhịp điều chỉnh lớn (VN Index giảm 17,5% kể từ đỉnh) không hẳn do thất vọng với mùa báo cáo tài chính quý III, mà do sự kết hợp giữa biên độ điều chỉnh tương xứng với chiều tăng quá mạnh từ tháng 5 tới tháng 9 vừa qua, cùng với những biến cố mới gây lo lắng về vĩ mô.
Cụ thể, đó là sự lên giá của USD và những căng thẳng quốc tế, mà nổi bật là xung đột lan rộng ở Trung Đông có nguy cơ đẩy giá dầu lên cao, làm gian nan hơn quá trình kiềm chế lạm phát ở nhiều khu vực trên thế giới, đồng thời có thể khiến lãi suất USD được neo cao trong thời gian dài hơn.
Thực ra, trong các nhịp điều chỉnh lớn của thị trường chứng khoán đều có sự kết hợp như vậy, giữa nguyên nhân nội tại về yếu tố định giá cổ phiếu (giá đã tăng mạnh trước đó) và nguyên nhân phát sinh mang tính thời điểm ảnh hưởng đến tâm lý chung. Thí dụ, giai đoạn 2022 thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh sâu kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11 không chỉ là tái định giá sau năm 2020 và 2021 tăng quá nhiều, còn do ảnh hưởng từ vụ “nổ” bong bóng trái phiếu doanh nghiệp.
Nếu so với mức điều chỉnh tối đa của chu kỳ suy thoái 2020-2021, chỉ số VN Index hiện tại chỉ cao hơn khoảng 13% (so với đáy tháng 11-2022). Mức tăng 13% này có đủ phản ánh sự thay đổi về bản chất câu chuyện tăng trưởng kinh tế giữa giai đoạn quý IV-2022 và quý I-2023 hay không, là câu hỏi đáng giá lúc này.
Nền tảng thị trường tốt hơn và triển vọng nền kinh tế mạnh hơn
Quay lại giai đoạn năm 2022 và quý I-2023, tăng trưởng GDP sụt giảm liên tục qua từng quý và chạm đáy vào quý I-2023 với 3,32%, chỉ nhỉnh hơn mức tăng trưởng 3,21% thời điểm quý I-2020, là lúc đại dịch Covid bùng phát và các hoạt động kinh tế tạm dừng kéo dài. Thị trường chứng khoán đã phản ánh trước nguy cơ này và chạm đáy vào tháng 11-2022, tức từ quý IV năm đó.
Sau khi nguy cơ được xác thực bằng mức tăng trưởng rất thấp của quý I năm nay, thị trường chứng khoán đã phục hồi và đi ngang cho tới tháng 4, trước khi bước vào nhịp tăng dài phản ánh kỳ vọng tăng trưởng kinh tế quý II và quý III.
Khi nhìn vào sự tương ứng giữa biến động của thị trường chứng khoán với các con số vĩ mô, hiện VN Index đã quay lại tương đương giai đoạn tháng 3-2023, trong khi nền kinh tế đã xác thực có sự cải thiện, dù khó đạt được mức tăng trưởng mục tiêu cả năm nay.
Tình trạng như vậy chỉ có 2 khả năng: Thứ nhất, thị trường chứng khoán đang chiết khấu rủi ro rằng kinh tế sẽ sụt giảm trong các quý tới và ở nền thấp như giai đoạn quý I-2023. Thứ hai, thị trường đang lo sợ quá mức và bị định giá thấp do các động lực thị trường, không phải các yếu tố nền tảng vĩ mô.
Một so sánh khác cũng có thể góp phần làm sáng tỏ vấn đề này: Thời điểm thị trường chạm đáy vào tháng 11-2022, mức định giá P/E khoảng 9,5 lần. Giai đoạn đi ngang tháng 3 và 4-2023, P/E từ 11-12 lần. Hiện tại là cuối tháng 10, kết quả kinh doanh chưa xuất hiện hết, nhưng nhịp điều chỉnh sâu vừa rồi khiến P/E chỉ còn 12,4 lần.
Như vậy câu hỏi đơn giản hơn khi đánh giá rủi ro thị trường lúc này là liệu doanh nghiệp hiện tại so với thời điểm quý I-2023 có kinh doanh tốt hơn hay không và liệu nền kinh tế hiện tại cũng như năm 2024 có xấu hơn năm 2022 và quý I-2023 hay không?
Việc thị trường và cổ phiếu tăng giảm thường không thể đoán trước được, đặc biệt là về cường độ. Đôi khi những lý do rất “trời ơi” cũng có thể kích hoạt bán tháo, hoặc đơn giản chỉ là việc sử dụng đòn bẩy quá nhiều. Tuy nhiên, từ góc độ đầu tư giá trị dài hạn, những biến động mang tính thị trường đó chỉ là những gợn sóng nhỏ.
Khi các động lực thị trường khiến giá cổ phiếu giảm quá nhiều, định giá cơ bản thấp, đó lại là cơ hội để đầu tư giá trị. Nếu như hoạt động đầu cơ trong vài tuần, vài tháng là sự đặt cược vào khả năng dao động của các động lực thị trường, đầu tư dài hạn là đặt cược vào sự tăng trưởng của nền kinh tế và doanh nghiệp tính bằng năm hoặc nhiều năm tới.
Khi các động lực thị trường khiến giá cổ phiếu giảm quá nhiều, định giá cơ bản thấp, đó lại là cơ hội để đầu tư giá trị.