Chứng khoán Mỹ nối dài đà giảm; Dầu đảo chiều tăng giá

(ĐTTCO) - Chỉ số Dow Jones giảm phiên thứ 7 liên tiếp vào thứ Sáu (13/12), ghi nhận chuỗi lao dốc dài nhất kể từ năm 2020. Trong khi, giá dầu tăng 2% lên mức cao nhất trong 3 tuần.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Chứng khoán Mỹ nối dài đà giảm; Dầu đảo chiều tăng giá

Nhóm cổ phiếu công nghệ ảm đạm

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones sụt 86,06 điểm, tương đương 0,2%, còn 43.828,06 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 0,12% xuống 19.926,72 điểm. Chỉ số S&P 500 gần như đi ngang, đóng cửa ở mức 6.051,09 điểm.

Trong tuần, Dow Jones mất 1,8%, S&P 500 giảm 0,6% và kết thúc mạch 3 tuần tăng liên tiếp. Nasdaq Composite tăng 0,3% trong tuần.

Cổ phiếu Nvidia bốc hơi hơn 2%, còn cổ phiếu Meta Platforms lùi hơn 1%. Cổ phiếu Amazon cũng giảm nhẹ. Mặt khác, cổ phiếu Broadcom đạt mức vốn hoá thị trường 1 ngàn tỷ USD, leo dốc hơn 24% sau khi công bố lợi nhuần điều chỉnh quý 4 vượt kỳ vọng và báo cáo rằng doanh thu từ trí tuệ nhân tạo tăng vọt 220% trong năm.

Các động thái này diễn ra sau phiên một phiên giảm điểm trên Phố Wall đối với cả 3 chỉ số chính. Nasdaq Composite cũng đã rớt ngưỡng 20.000 điểm.

Dầu tăng 2% lên cao nhất trong 3 tuần

Khép phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 1,08 USD, tương đương 1,5%, lên 74,49 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI thêm 1,27 USD, tương đương 1,8%, lên 71,29 USD/thùng.

Đây là mức đóng cửa cao nhất của dầu Brent kể từ ngày 22/11 và đưa hợp đồng dầu Brent tăng 5% trong tuần. Giá dầu WTI nhảy vọt 6% trong tuần và đóng cửa tại mức cao nhất kể từ ngày 7/11.

Các chuyên gia phân tích cho biết đà tăng của giá dầu được hỗ trợ bởi dự báo về các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Nga và Iran, triển vọng kinh tế lạc quan hơn của Trung Quốc, bất ổn chính trị ở Trung Đông và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất vào tuần tới.

Các đại sứ Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp đợt gói trừng phạt thứ 15 đối với Nga trong tuần này vì cuộc xung đột với Ukraine, nhắm vào đội tàu ngầm chở dầu của nước này. Mỹ đang cân nhắc động thái tương tự.

Anh, Pháp và Đức đã nói với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng họ đã sẵn sàng nếu cần thiết để kích hoạt cái gọi là “bật lại” tất cả các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran để ngăn chặn nước này sở hữu vũ khí hạt nhân.

Dữ liệu của Trung Quốc trong tuần này cho thấy kim ngạch nhập khẩu dầu thô của nước này trong tháng 11 đã tăng so với năm trước, lần đầu tiên trong 7 tháng. Lượng nhập khẩu này dự kiến sẽ duy trì ở mức cao cho đến đầu năm 2025 khi các nhà máy lọc dầu lựa chọn tăng nguồn cung từ quốc gia xuất khẩu hàng đầu là Ả-rập Xê-út, bị thu hút bởi giá thấp hơn, trong khi các nhà máy lọc dầu độc lập vội vã sử dụng hạn ngạch của họ.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2025 lên 1,1 triệu thùng/ngày từ mức 990.000 thùng/ngày đã dự báo vào tháng trước, lí do nhờ các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc.

Nhà đầu tư cũng đang dự báo rằng Fed sẽ giảm lãi suất của Mỹ vào tuần tới, với các đợt hạ lãi suất tiếp theo vào năm tới, sau khi dữ liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hằng tuần bất ngờ tăng.

Các tin khác