S&P 500 tăng 23% trong năm 2024
Kết phiên, chỉ số S&P 500 lùi 0,43% xuống 5.881,63 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite mất 0,9% còn 19.310,79 điểm trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2024. Chỉ số Dow Jones chỉ sụt 29,51 điểm, tương đương 0,07%, xuống 42.544,22 điểm.
S&P 500 đã tăng vọt 23,31% trong năm 2024, nối dài đà leo dốc 24,2% từ năm ngoái. Mức tăng 53% trong 2 năm là mức tăng tốt nhất kể từ mức tăng 66% trong năm 1997 và 1998.
Trong khi đó, Dow Jones tiến 12,88% trong năm 2024, còn Nasdaq Composite vượt trội với đà leo dốc 28,64%.
Cơn sốt xung quanh AI và khả năng thúc đẩy sản xuất của nó đã giúp hỗ trợ các chỉ số chính đạt được một loạt mức cao kỷ lục trong suốt cả năm. Cổ phiếu Nvidia, công ty con chip AI được yêu thích và gã khổng lồ iPhone Apple lần lượt bứt phá 171% và 30%, đạt được những mức đỉnh mới của riêng mình trong năm 2024.
Những diễn biến ở Washington, D.C. đã giúp thúc đẩy đà leo dốc trong nửa cuối năm. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất 1% kể từ tháng 9/2024, củng cố niềm tin rằng nền kinh tế Mỹ có thể duy trì mức tăng trưởng gần đây. Chứng khoán Mỹ cũng tăng mạnh sau chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tháng 11/2024, khi nhà đầu tư hoan nghênh triển vọng giảm thuế và nới lỏng quy định dưới thời chính quyền Đảng Cộng hoà.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng là một nhóm tăng mạnh sau cuộc bầu cử, với cổ phiếu JPMorgan và Goldman Sachs lần lượt bứt phá 41% và 48% từ đầu năm đến nay. Cổ phiếu Tesla, công ty mà CEO Elon Musk là đồng minh thân cận của ông Trump, đã khép lại năm với mức tăng hơn 62%.
Ngoài ra, đồng Bitcoin đã hoạt động thậm chí còn tốt hơn thị trường chứng khoán, khởi sắc ngoạn mục 119% trong năm 2024. Đáng chú ý, đồng tiền điện tử này đã vượt ngưỡng 100,000 USD lần đầu tiên trong năm qua.
Trong quý 4/2024, Nasdaq Composite và S&P 500 lần lượt tăng 6,2% và 2,1%, ghi nhận quý tăng thứ 5 liên tiếp lần đầu tiên kể từ năm 2021. Dow Jones chỉ nhích 0,5% trong quý, ghi nhận quý tăng thứ 4 trong 5 quý qua.
Bất chấp hoạt động mạnh mẽ từ đầu năm đến nay, Phố Wall đã gặp khó khăn trong những ngày cuối tháng 12, với nhà đầu tư chốt lời ở một số cổ phiếu thắng lớn nhất trong năm 2024 và lo ngại về sự gia tăng lãi suất vào cuối năm. Trong tháng 12/2024, Dow Jones sụt 5,3%, S&P 500 giảm 2,5%, trong khi Nasdaq Composite tiến 0,5%.
Thị trường tạm đóng cửa vào ngày thứ Tư (1/1) nghỉ lễ mừng năm mới.
Dầu Brent giảm năm thứ 2 liên tiếp
Khép phiên, hợp đồng dầu Brent thêm 65 xu, tương đương 0,88%, lên 74,64 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 73 xu, tương đương 1,03%, lên 71,72 USD/thùng.
Dầu Brent đã bốc hơi 3% so với mức đóng cửa cuối năm 2023 là 77,04 USD/thùng, trong khi dầu WTI gần như đi ngang so với mức đóng cửa cuối năm 2023.
Vào tháng 9/2024, hợp đồng dầu Brent đã khép phiên dưới mốc 70 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 12/2021, và năm nay, giá dầu Brent giao dịch ở mức thấp hơn nhiều so với các mức cao đã thấy trong vài năm qua, khi sự phục hồi nhu cầu sau đại dịch và cú sốc giá do cuộc xung đột Nga – Ukraine vào năm 2022 dần lắng xuống.
Theo một cuộc thăm dò của Reuters, giá dầu có khả năng giao dịch quanh mức 70 USD/thùng trong năm 2025 do nhu cầu của Trung Quốc suy yếu và sự gia tăng nguồn cung toàn cầu, bù đắp cho những nỗ lực do OPEC+ dẫn đầu nhằm củng cố thị trường.
Triển vọng nhu cầu yếu hơn ở Trung Quốc nói riêng đã buộc cả OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) phải hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2024 và 2025.
IEA dự báo thị trường dầu sẽ bước vào năm 2025 trong tình trạng dư cung, ngay cả sau khi OPEC và các đồng minh trì hoãn kế hoạch bắt đầu tăng sản lượng cho đến tháng 4/2025 trong bối cảnh giá dầu suy giảm.
Dữ liệu từ EIA cho thấy sản lượng dầu của Mỹ tăng 259.000 thùng/ngày lên mức cao kỷ lục 13,46 triệu thùng/ngày trong tháng 10/2024, khi nhu cầu tăng vọt lên mức cao nhất kể từ đại dịch.
EIA cho biết sản lượng dầu tại Mỹ dự kiến sẽ tăng lên mức cao kỷ lục mới là 13,52 triệu thùng/ngày vào năm tới.
Nhà đầu tư sẽ theo dõi triển vọng hạ lãi suất của Fed trong năm 2025 sau khi các nhà hoạch định chính sách của Fed trong tháng 12/2024 đã dự báo một lộ trình hạ lãi suất chậm hơn do lạm phát vẫn ở mức cao.
Lãi suất thấp hơn thường thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó thúc đẩy nhu cầu năng lượng.
Một số chuyên gia phân tích vẫn tin rằng nguồn cung có thể thắt chặt vào năm tới tuỳ thuộc vào các chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, bao gồm các chính sách về lệnh trừng phạt. Ông Trump đã keo gọi ngừng bắn ngay lập tức trong cuộc xung đột Nga – Ukraine, và ông có thể áp dụng cái gọi là chính sách gây sức ép tối đa đối với Iran, điều này có thể gây ra những tác động lớn đến thị trường dầu.