Phố Hàng Ngang dài 152m, nối liền Hàng Đào với Hàng Đường, tạo thành một trong những tuyến phố trung tâm, buôn bán sầm uất nhất của Hà Nội, kéo dài từ hồ Hoàn Kiếm cho đến tận chợ Đồng Xuân, xa hơn nữa là bốt Hàng Đậu, phố Quán Thánh. Phố Hàng Ngang có hàng trăm số nhà, hàng trăm ngõ ngách dài sâu hun hút nhưng nổi tiếng nhất là số nhà 48 - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, ngôi nhà ấy cũng là tấm lòng của vợ chồng nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ.
Ngày 19-8-1945, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công, Hà Nội sục sôi trong niềm vui tự do, độc lập. Chiều tối 24-8-1945, đồng chí Trường Chinh đón Bác Hồ về ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang. Đây là cửa hàng vải vóc tơ lụa Phúc Lợi của vợ chồng nhà tư sản Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ, một nhà buôn vào loại lớn nhất của Hà Nội thời bấy giờ, đồng thời là một cơ sở cách mạng. Tại tầng 2 ngôi nhà này, Bác cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng đã bàn soạn mọi quyết sách chuẩn bị cho ngày Lễ Độc lập và việc ra mắt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2-9-1945.
70 năm đã trôi qua, ngôi nhà 48 Hàng Ngang với những kỷ vật lịch sử vẫn được giữ nguyên vẹn như ngày nào. Ở tầng 2, phòng ở, phòng tiếp khách của Bác vẫn đơn sơ và giản dị như thế. Phòng khách rộng khoảng 50m2, có ban công nhìn ra mặt phố Hàng Ngang, cửa sổ che rèm lụa trắng. Còn phòng ở nhỏ của Bác diện tích khoảng 20m2, với chiếc bàn, chiếc ghế bành, đi văng, chiếc tủ gỗ màu cánh gián và chiếc giường vải xếp Bác vẫn nằm. Chính tại căn phòng nhỏ bé này, Bác Hồ đã khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ông Trịnh Văn Bô đã mất năm 1988, bà Hoàng Thị Minh Hồ năm nay đã bước vào tuổi 102 - cái tuổi đã quá mấy lần xưa nay hiếm. Người phụ nữ Hà Nội năm nào cùng chồng hiến hơn 5.000 lạng vàng cho đất nước luôn giữ nụ cười hiền hậu trên môi khi kể về những ký ức đã trôi qua 70 năm trước. Bà Hồ cho biết, thân sinh ra bà là cụ Hoàng Đạo Phương cũng như thân sinh của chồng bà cụ Trịnh Phúc Lợi, đều là những nhà Nho yêu nước, từng tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục. Ngay từ nhỏ, bà Hồ đã ghi tâm khắc cốt lời dặn của người cha "Ta đã già mà chưa làm trọn việc nước, sau này con nào có điều kiện giúp nước hãy làm thay ta” và suốt cả cuộc đời mình, bà đã luôn giữ trọn lời hứa.
Trước năm 1945, ông bà đã ủng hộ tổng cộng 8 vạn rưỡi đồng Đông Dương cho Việt Minh, trị giá 212,5 lạng vàng. Đến ngày tổng khởi nghĩa, ông bà vào ban vận động Quỹ Độc lập, tiếp tục ủng hộ 20 vạn đồng, tương đương với 500 lạng vàng. Trong phong trào Tuần lễ vàng, vợ chồng bà đã ủng hộ tiếp 117 lạng vàng và vận động trong giới công thương được thêm 4.000 lạng. Cộng lại, cả tiền và vàng, gia đình nhà ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ đã ủng hộ cách mạng 5.147 lạng vàng. Con số đó, phải đặt cạnh kho ngân khố trống rỗng của Nhà nước thời điểm đó, với chỉ vỏn vẹn hơn 1 triệu đồng tiền Đông Dương, trong đó quá nửa là tiền cũ rách nát, mới có thể thấy nó đáng giá đến mức nào.
Dù đóng góp số lượng tiền vàng vô cùng lớn cho cách mạng, bà Hồ vẫn luôn nói rằng điều bà cảm thấy an lòng nhất cho đến tận bây giờ là đã bảo vệ Bác Hồ cùng nhiều đồng chí cốt cán của Đảng an toàn trong những ngày họ lưu lại số nhà 48 Hàng Ngang. Khi đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở trong nhà ròng rã suốt 33 ngày, bà Hồ cũng không biết được đó là ai, chỉ đoán là một nhân vật vô cùng quan trọng. Ấn tượng về “nhân vật quan trọng” lúc đó đơn giản chỉ là một ông cụ cao gầy, mặc bộ đồ kaki cũ, đi dép cao su, vô cùng giản dị và có đôi mắt sáng tinh anh.
Kỷ niệm sâu sắc nhất với bà có lẽ là một lần khi bà đem hoa quả và ấm nước chè ngon lên pha, ông cụ hỏi thăm bà và nói: “Cô chẳng có gì khổ, tuổi đời còn ít, đã có hai con trai, hai con gái, lại có cả cơ ngơi thế này”. Bà Hồ trả lời: “Thưa Cụ, cháu có cái nhục đó là cái nhục mất nước”. Ông cụ trầm ngâm khẽ khàng: “Thế thì kiên trì, nhẫn nại cô nhé”.
Bà Hồ nói rằng cho đến mãi sau này bà vẫn luôn nhớ tới vẻ mặt của ông cụ thời điểm đó. Câu nói đó đã trở thành một dấu mốc thay đổi cuộc đời của bà, trở thành động lực giúp bà kiên trì nhẫn nại, dốc lòng đi theo cách mạng với tấm lòng son sắt, trải qua bao thăng trầm cùng đất nước, cho tới ngày độc lập cuối cùng.