Vậy là cái thời khắc nhiều người ái ngại cũng đã đến: Giáo sư Trần Văn Khê (ảnh) qua đời vào rạng sáng 24-6-2015, sau gần 1 tháng hôn mê sâu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TPHCM. 94 năm tận tụy trên cõi nhân gian, ông chỉ theo đuổi một mục tiêu duy nhất: tìm hiểu và quảng bá âm nhạc dân tộc Việt Nam. Tiễn biệt ông là tiễn biệt một huyền thoại sống, nhưng tinh thần văn hóa của ông vẫn còn ở lại với hậu thế.
Giáo sư Trần Văn Khê sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc ở Tiền Giang. Ông cố Trần Quang Thụ, một nhạc sĩ cung đình Huế - người đã lập ra gánh hát đầu tiên của miền Nam có tên gọi Đồng Nữ Ban, cho nên từ nhỏ Trần Văn Khê đã được sống với tiếng đàn, tiếng sáo lẫn giọng ngâm, giọng hò. Cha mẹ không may chết sớm, Trần Văn Khê và 2 người em là Trần Văn Trạch và Trần Ngọc Sương nương tựa tình thương của người cô ruột, để từng bước chập chững lớn khôn.
Lên Sài Gòn học trung học ở Trường Petrus Ký, Trần Văn Khê bắt đầu sáng tác. Những giờ ngữ văn, thay vì đọc diễn cảm như bạn bè, Trần Văn Khê tự phổ nhạc bài thơ ấy và hát lên. Tác phẩm khởi nghiệp của Trần Văn Khê, mà chính ông còn lưu trong ký ức, có tên gọi “Hãy nhấp nháy đi, ngôi sao nhỏ”.
Trần Văn Khê từng ngày vượt qua chật vật và bất hạnh để được học chữ và học nhạc. Thời thơ ấu gian nan được ông đúc kết ấm áp: “Ngay từ nhỏ, tôi đã không bao giờ trách số phận cho tôi sớm bơ vơ, thiếu thốn tình thương của đấng sinh thành. Bởi lẽ, nếu tôi buồn khổ 2 em tôi sẽ buồn khổ thêm. Nhờ mồ côi, tôi không còn tính ích kỷ của các trẻ thường giành đồ chơi, giành phần hơn với các em, mà trái lại còn biết chia sớt, bao bọc các em. Không ai chọn cửa mà sanh, và cũng không ai trong đời chưa từng ít nhiều trải qua sóng gió. Thương em, tôi càng cố gắng tỏ ra mạnh mẽ, có khóc cũng chỉ khóc một mình, không cho em biết… Khi cuộc sống đẩy bạn vào một nghịch cảnh, cũng rất có thể đang trao cho bạn một cơ hội để bạn vững vàng hơn trong dòng đời”.
Hạnh phúc tình thân đối với Trần Văn Khê là khi ngồi đờn vọng cổ cho em trai Trần Văn Trạch hát, và được em gái chọn Ngày của Mẹ để làm lễ tạ ơn mình.
Năm 1943, Trần Văn Khê kết hôn với Nguyễn Thị Sương, cả 2 cùng tuổi và từng là bạn học nhiều năm. Họ có với nhau 4 người con: Trần Quang Hải, Trần Quang Minh, Trần Thị Thủy Tiên và Trần Thị Thủy Ngọc. Năm 1960, họ ly dị, chỉ có người con trai thứ ở lại với mẹ, còn 3 người con theo cha sang Pháp. Tháng 7 năm ngoái, bà Nguyễn Thị Sương đã mất tại nhà riêng ở quận 2, TPHCM. Những ngày xa lìa nơi chôn nhau cắt rốn, Trần Văn Khê phải làm nhiều việc để mưu sinh. Ngoài viết báo, ông đi đàn cho các nhà hàng, làm thông dịch viên cho tòa án và lồng tiếng phim. Dành dụm được chút tiền, Trần Văn Khê lại đi diễn thuyết về âm nhạc Việt Nam khắp các châu lục.
Nhờ cống hiến không mệt mỏi của Trần Văn Khê, quốc tế đã biết đến ca trù, bài chòi, hát ví, đờn ca tài tử… Năm 2003, Giáo sư Trần Văn Khê sau gần nửa thế kỷ bôn ba đã trở về quê hương định cư. UBND TPHCM đã cấp cho ông một căn biệt thự trên đường Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh để ở và để làm nơi lưu giữ bộ sưu tập các nhạc cụ và nhạc phổ ông cất công sưu tầm hàng chục năm ròng rã. Chính tại tư gia này, công chúng được tiếp xúc nhiều hơn với Trần Văn Khê, và được tìm hiểu nhiều hơn về sự nghiệp Trần Văn Khê.
Khi còn ở Pháp, Trần Văn Khê đã bị hẹp van tim, thấp khớp và lệch cột sống, nên sức khỏe của ông gần 10 năm nay không mấy khả quan. Tuy nhiên, ông không từ chối bất kỳ cơ hội nào để có thể chia sẻ với xã hội về văn hóa và về âm nhạc. Dù là buổi nói chuyện chuyên đề ở một trường tiểu học hay một buổi họp báo thi hoa hậu, Trần Văn Khê đều nhận lời mời đến tham dự trên chiếc xe lăn, chỉ với một ưu tư: “Nếu giúp được gì cho các bạn, mình sẵn sàng”. Cũng bằng thái độ ấy, cuốn hồi ký của mình, ông đặt tên: “Nốt nhạc cuối cung đàn - Chút lửa tình trao kẻ hậu sinh”.
Từ năm 2009, Trần Văn Khê bị thần kinh tọa tái phát và còn mắc thêm nhiều chứng bệnh khác như tiểu đường, gan nhiễm mỡ… Trần Văn Khê thổ lộ: “Khi ngủ, tôi tìm được tư thế nằm nào cho bớt đau sẽ nằm theo tư thế đó và tự nhủ không quá lo lắng về bệnh tật. Mỗi ngày, từ 8 giờ đến 23 giờ, tôi uống tổng cộng 12 lần thuốc, cả thuốc tây lẫn thuốc bắc, chưa kể bấm huyệt, chườm muối nóng ở chân…”. Bí quyết để Trần Văn Khê chiến thắng bệnh tật là mỗi lần uống thuốc ông tự đọc thơ động viên mình: “Thuốc này uống để hạ đường. Trợ tim nên thấy tình thương dạt dào. Uống vào mắt sáng như sao. Lưu thông huyết quản ai nào dám quên”. Kinh nghiệm ấy có từ thuở thanh niên, khi phải nằm viện phẫu thuật dạ dày Trần Văn Khê đọc thơ Lục Vân Tiên: “Sông trong rửa ruột sạch trơn. Một câu danh lợi chi sờn lòng đây”.
Sau Tết Ất Mùi 2015, thể chất Trần Văn Khê suy sụp nghiêm trọng. Ông vẫn gắng gượng với mong mỏi: “Ước nguyện của tôi là có thể say sưa nói về âm nhạc trong cả những phút cuối cùng được sống. Có những sự ra đi mãi mãi rất đẹp như nhà thơ Đông Hồ ra đi khi đang đứng trên bục giảng cho sinh viên Trường Đại học Văn Khoa bài thơ "Trưng Nữ Vương" của nữ sĩ Ngân Giang. Hay như nhà hát kịch Pháp nổi tiếng Molière chết khi đang đóng kịch. Tôi không thích ra đi trong đau ốm, làm khổ người này người khác”. Nhưng hôm nay chúng ta đã phải ngậm ngùi tiếc thương ông - một tượng đài của âm nhạc dân tộc Việt Nam.