Bởi trong cách nghĩ của cô, Việt Nam hẳn còn lạc hậu hơn Mỹ về nhiều mặt, trong khi người Mỹ còn dùng tiền mặt để thanh toán các bữa ăn ở nhà hàng, người Việt đã có thể “đi tay không” đến nhiều quán ăn, cửa hàng…
Việc không dùng tiền mặt hay dùng các ví tiền điện tử trong mua bán, giao dịch có thể coi là một trong những ứng dụng công nghệ số vào đời sống, điều hiện nay đang diễn ra rất nhanh chóng và phổ biến. Đó có thể coi là một hình thức chuyển đổi số, cụm từ hiện nay được sử dụng rất phổ biến và diễn ra hầu như tất cả các mặt của đời sống xã hội.
Có nhiều cách định nghĩa về chuyển đổi số, nhưng cách gọn nhất có thể hiểu chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số trên thế giới diễn ra chưa lâu, bắt đầu vào thời điểm 2015, phổ biến từ năm 2017.
Còn ở Việt Nam, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2018, và từ trong dịch Covid-19 cụm từ này được dùng nhiều hơn, bởi do điều kiện giãn cách, việc áp dụng công nghệ số để giải quyết nhiều vấn đề đã được áp dụng triệt để.
Từ đó, vấn đề chuyển đổi số cũng dần trở nên phổ biến và có thể coi là một xu hướng tích cực trong bối cảnh hiện nay. Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số. Về định hướng vĩ mô, ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Đến nay, cụm từ “chuyển đổi số” đã được gắn với rất nhiều hoạt động, trên rất nhiều lĩnh vực.
Cụ thể, trên lĩnh vực y tế, hiện đã phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người...
Trên lĩnh vực giáo dục, phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, dạy và học; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác... Trên lĩnh vực giao thông, phát triển hệ thống giao thông thông minh, chuyển đổi các hạ tầng logistics (cảng biển, cảng thủy nội địa, hàng không, đường sắt, kho vận…).
Trên lĩnh vực năng lượng, ưu tiên cho ngành điện lực hướng đến tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới cho việc cung ứng điện một cách hiệu quả; thực hiện việc đo điện số, xác định sự cố về mạng lưới nhanh hơn, hỗ trợ người dùng cách tiết kiệm năng lượng và phát hiện ra các thất thoát điện năng.
Trên lĩnh vực tài nguyên môi trường, xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn nhằm quản lý hiệu quả như cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, quan trắc tài nguyên và môi trường, đa dạng sinh học, nguồn thải, biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, khí tượng - thủy văn, địa chất - khoáng sản, xử lý sự cố môi trường, cảnh báo sớm thiên tai…
Ngoài ra, chuyển đổi số còn được áp dụng rộng rãi trong các ngành thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán, quản lý doanh nghiệp hay các hoạt động hành chính. Trong sinh hoạt hàng ngày của người dân, chuyển đổi số cũng đã gõ cửa đến từng gia đình. Nhiều người đã sử dụng các thiết bị thông minh và công nghệ số trong phòng cháy chữa cháy, phòng chống trộm, trồng hoa kiểng, sử dụng bếp và ngăn ngừa các sự cố từ bếp…, đặc biệt trong thanh toán.
Trước đây, cách thức không sử dụng tiền mặt chủ yếu là chuyển khoản qua ngân hàng, qua e-banking hoặc tại các trạm ATM, hiện nay nhiều người đã sử dụng các ví tiền điện tử. Cách thức này vừa nhanh chóng, tiện lợi và cơ bản an toàn hơn dùng tiền mặt.
Dịch vụ ví điện tử được dùng khá rộng rãi, nhất là với những người thường xuyên thanh toán online, mua sắm trực tuyến, kể cả với việc thanh toán tiền điện, nước, cước internet, vé máy bay, mua thẻ điện thoại... đều dễ dàng thực hiện qua ví điện tử. Hiện MOMO, ZaloPay, Bankplus, AirPay, VTC Play, VNPay… là những ví điện tử được khá nhiều người sử dụng bởi tính tiện lợi, phổ biến và nhất là khá an toàn.
Dẫu vậy, bên cạnh nhiều người rất nhạy với chuyển đổi số trong đời sống, dường như vẫn còn không ít doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chưa mạnh dạn ứng dụng công nghệ. Chẳng hạn, còn không ít trạm xăng “kén” thẻ ATM, hoặc không chấp nhận sử dụng các loại ví tiền điện tử mà chỉ dùng tiền mặt.
Hay trong mua sắm trực tuyến, còn khá nhiều rủi ro, từ việc hàng hóa không bảo đảm chất lượng, hàng giả, hàng nhái… cho đến bị lừa đảo, nhất là khi thanh toán trước; khi có sự cố việc khiếu nại thường mất nhiều thời gian, thậm chí rất khó đòi được quyền lợi chính đáng.
Thông tin, dữ liệu cá nhân tham gia các ứng dụng số có thể bị rò rỉ, bị lợi dụng để bán cho bên thứ ba, hoặc bị sử dụng làm các mục đích không lành mạnh. Một số dịch vụ tính phí khá cao hoặc không thực sự tiện lợi cho người sử dụng, nên không ít người có tâm lý e ngại. Do nhiều lĩnh vực ứng dụng công nghệ số nên dễ bị lệ thuộc vào các nhà cung cấp công nghệ, các ứng dụng nhanh lỗi thời…
Hiện nay có 9 khó khăn trong chuyển đổi số các doanh nghiệp thường gặp phải: Trở ngại khi phải điều chỉnh mô hình kinh doanh; thiếu kiến thức về xử lý dữ liệu số; cần liên tục phát triển các chiến lược về chuyển đổi số; chưa thật sự thấu hiểu doanh nghiệp; trở ngại đến từ những tiến bộ đột phá về công nghệ; trở ngại từ văn hóa tổ chức; tốn quá nhiều chi phí; gia tăng các rủi ro về bảo mật; sự phản đối của nhân viên.
Để toàn xã hội cùng tham gia chuyển đổi số, cần có sự đồng bộ ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và có giải pháp nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các vấn đề về an toàn, bảo mật, hạn chế các lỗi hệ thống… phải được quan tâm nhiều hơn, nhằm giúp mọi người hạn chế các rủi ro và ít bị tác động tiêu cực bởi các sự cố hoặc hoạt động lừa đảo.