Chuyển động đầu tư hạ tầng

Theo tin Bộ GT-VT, thời gian qua một loạt dự án hạ tầng giao thông, chủ yếu là đường bộ cao tốc, bộ đã dồn dập nhận được đăng ký đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là tín hiệu khá tích cựcø mở ra cơ hội sớm triển khai các tuyến cao tốc tại Việt Nam.

Theo tin Bộ GT-VT, thời gian qua một loạt dự án hạ tầng giao thông, chủ yếu là đường bộ cao tốc, bộ đã dồn dập nhận được đăng ký đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là tín hiệu khá tích cựcø mở ra cơ hội sớm triển khai các tuyến cao tốc tại Việt Nam.

Nhiều nhà đầu tư đăng ký

Trong các dự án trên, đáng chú ý là 2 dự án thuộc trục đường bộ cao tốc Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 59.000 tỷ đồng: cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa dài 126,7km, quy mô 6 làn xe (vốn đầu tư 33.000 tỷ đồng); Nghi Sơn - Bãi Vọt dài 92,7km, quy mô 4-6 làn xe (vốn đầu tư 26.000 tỷ đồng).

Phối cảnh dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Phối cảnh dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Trước đây, 2 dự án này đã được Bộ GT-VT đưa ra gọi vốn nhưng rất ít nhà đầu tư quan tâm. Một số nhà đầu tư có ý định tham gia lại không đủ tiềm lực tài chính.

Mới đây, Bộ GT-VT đã nhận được đơn đề xuất đầu tư của rất nhiều nhà đầu tư và liên doanh đầu tư, trong đó có một số doanh nghiệp lớn của nước ngoài về lĩnh vực đầu tư hạ tầng như Keangnam Vina, Posco (Hàn Quốc), Quỹ Đầu tư châu Á (Trung Quốc), Công ty Vận chuyển hành khách công cộng Bangkok (Thái Lan) xin đầu tư vào 2 dự án này.

Ngoài ra, còn có 2 đơn vị trong nước là Công ty Xây dựng Xuân Trường, CTCP Đầu tư và Phát triển Xuân Thành (Tập đoàn Mai Linh) cũng đệ đơn đầu tư.

Một tuyến cao tốc khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư là tuyến La Sơn - Túy Loan. Dù là dự án được đánh giá kém hấp dẫn, thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh qua khu vực miền Trung, lưu lượng xe thấp, nhưng dự án này cũng đã được Liên doanh 7 nhà đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc do Tập đoàn Shinhan E&C đứng đầu xin đầu tư.

Liên doanh này đã xuất trình được thư quan tâm tài trợ 850 triệu USD của Ngân hàng DBS Bank Ltd (Singapore) cho dự án. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ GT-VT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan theo quy định.

Theo đại diện Vụ Kế hoạch đầu tư của Bộ GT-VT, việc nhiều nhà đầu tư mong muốn tham gia vào các dự án cao tốc là tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, do từ trước tới nay chưa có một tuyến cao tốc lớn nào triển khai theo hình thức PPP (công - tư), cộng với cơ chế hợp tác công - tư chưa thực sự hoàn thiện nên việc tuyển chọn được nhà đầu tư đủ tiềm lực và phù hợp với dự án cần phải thận trọng.

Bộ GT-VT sẽ tích cực triển khai công tác chuẩn bị, phối hợp với các nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục liên quan để các dự án có thể được triển khai trong thời gian tới.

Đơn giản thủ tục, khuyến khích đầu tư

Theo tính toán của cơ quan chức năng, để đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng trong 5 năm tới, cả nước cần khoảng 100-150 tỷ USD. Số tiền này là quá sức vì vốn từ ngân sách, phát hành trái phiếu, vốn vay ODA chỉ đáp ứng 40%, 60% còn lại dự tính sẽ huy động theo hình thức PPP. Bởi nếu đầu tư truyền thống, với 1 tỷ USD vốn ngân sách chỉ làm được 100km đường cao tốc.

Còn áp dụng đầu tư PPP, 1 tỷ USD vốn ngân sách ngoài làm được 300km đường cao tốc, còn giúp nợ chính phủ không tăng do có phần vốn của tư nhân. Tuy nhiên, vấn đề các nhà đầu tư tỏ ra lo ngại hiện nay là thủ tục đầu tư còn nhiều trở ngại. Để hoàn tất một dự án thường kéo dài từ 3-5 năm, thời gian này không những gây thiệt hại về trị giá đồng tiền mà còn làm nản lòng các nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư than thở việc Nhà nước kêu gọi doanh nghiệp đầu tư theo hình thức PPP, nhưng chẳng có gì đảm bảo họ sẽ được nhanh chóng giải quyết các thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn có mối lo về GPMB. Theo các nhà đầu tư, chỉ khi Nhà nước giao đất sạch cho doanh nghiệp, họ mới yên tâm hợp tác. Bởi có nhiều dự án đã giải phóng được 90-95% mặt bằng, nhưng chỉ còn vài hộ “cố thủ” cũng bị chôn chân mấy năm trời.

Theo Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI), đơn vị đã tham gia đầu tư theo hình thức PPP vào dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chỉ có doanh nghiệp tư nhân và quỹ đầu tư lớn với tiềm lực tài chính dồi dào cùng định hướng chiến lược ổn định, lâu dài mới có thể tham gia vào những dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Nguyên nhân do tỷ suất lợi nhuận khi đầu tư theo hình thức này không cao, chỉ khoảng 10%. Quá trình thu hồi vốn cũng rất dài so với các lĩnh vực khác, chẳng hạn bất động sản tỷ suất lợi nhuận có thể lên đến 30-40%. Vì thế, việc cải cách hành chính nhằm giúp doanh nghiệp rút ngắn thủ tục không cần thiết cũng như thời gian đầu tư, mới khuyến khích nhà đầu tư góp vốn tham gia phát triển đường cao tốc.

Các tin khác