Huyện Lắk là một trong hai huyện nghèo nhất của tỉnh Đắk Lắk. Phần lớn dân cư là người dân tộc thiểu số vẫn sống và canh tác du canh du cư, cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn. Tuy vậy, điều đáng quý là dù nghèo nhưng đồng bào Mông ở đây rất quan tâm chuyện học của con em.
Gian nan đến trường
Tôi về buôn Đ’Lây khi mặt trời mới lưng lửng đầu non, để có dịp cùng các cháu học trò người Mông băng rừng, vượt suối đến lớp. Trường rất xa nhưng sự háo hức được đánh vần, học viết đã khiến đường đến trường của các cháu như ngắn lại. Học trò đến trường trong niềm hân hoan, tiếng cười đùa, í ới gọi nhau vang vọng khắp rừng.
Tôi đã thật sự hụt hơi khi cùng các cháu vượt những đoạn đường gần chục cây số để đến trường. Đường đi lầy lội, đôi chỗ quanh co, nhưng những mái đầu cháy nắng, vàng ươm của Ơ’ktun, Ơ’ka, M’kse, Gla’Bong... vẫn lướt nhấp nhô phía trước, những đôi chân trần bước đi thoăn thoắt, những tiếng cười trêu vui mỗi khi thấy tôi liêu xiêu, suýt trượt ngã khi qua những vũng lầy.
Ơ’ktun - đứa bé lanh lợi nhất trong nhóm 6 đứa sống ở buôn Đ’Lây - nắm tay tôi dắt qua những đoạn lầy, kể: “Đoạn đường lúc này còn đỡ đó chú, chứ gặp phải mùa mưa, xe công nông ra vào lấy cà phê, bắp..., đường lầy lội khó đi hơn nhiều. Nhiều hôm mưa xuống lầy quá, tụi con phải đi từ 6 giờ sáng, xẻ lùm bụi, mở đường đi đến trường”. Nghe Ơ’ktun nói khi đang phải bước chân trần trên những bụi cỏ đầy gai, tôi mới hiểu sự học của học trò nơi đây gian khó đến nhường nào.
![]() |
Một lớp học của người Mông. Ảnh: ANH TÚ |
Đi và ghi nhận thực tế tại các buôn xa và khó khăn của huyện Lắk, tôi thật cảm động khi thấy tinh thần chịu học, vượt khó của học sinh người Mông. Các cháu không chỉ gắng học, vất vả vượt đường xa đến trường, mà còn biết nghe lời thầy cô giáo. Nhìn cảnh các cháu tranh nhau giơ tay xin thầy lên bảng viết chữ, giành nhau để được đứng trước lớp đọc những bài văn ngắn, thấy vui biết nhường nào.
Chị M’hê Iêng cho biết: “Nhà tôi có 6 cháu, đứa lớn nhất 15 tuổi, đứa nhỏ nhất 6 tuổi. Ngày trước hai cháu lớn tôi không cho đi học vì phải theo cha mẹ lên rẫy làm. Nhưng 4 đứa nhỏ tôi đều cho chúng đến trường học cái chữ theo lời động viên của giáo viên, trưởng bản. Đường từ nhà đến trường cũng xa, nhưng thấy tụi nó vui khi được đi học nên tôi cũng yên tâm để tụi nó đi. Thầy cô giáo đến nhà khen tụi nó chăm, học giỏi, ngoan, tôi rất vui”.
Tinh thần hiếu học
Thầy Nguyễn Hải Phong ở điểm trường gần buôn Đ’Lây chia sẻ: “Dù việc tiếp thu kiến thức vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng bù lại các cháu chăm đến lớp và chịu khó học. Bây giờ đồng bào Mông rất quan tâm việc học của con em, nhiều phụ huynh còn bỏ cả việc nương rẫy, sáng cõng con đến lớp, chiều cõng con trở về. Điều đó khích lệ tinh thần chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi không chỉ thương học trò, mà còn tự thấy phải có trách nhiệm mang ánh sáng văn hóa về buôn làng”. Ông K’rơ Min, Trưởng buôn Papi, cho biết: “Nhờ sự vận động của các thầy cô giáo và chính sách chăm lo, hỗ trợ giáo dục của địa phương, việc học của con em người dân tộc Mông ở các buôn làng đã trở thành một phong trào thi đua, cả buôn không còn hộ nào không cho trẻ đến trường”.
Mỗi điểm trường tại các buôn Daksa, Đ’Lây, Papi có chừng 4 điểm học với khoảng 6-7 lớp, từ lớp 1 đến lớp 3, với nhiệm vụ chủ yếu là xóa mù chữ, phổ cập. Trình độ học sinh vẫn còn chênh lệch khá xa so với học sinh người Kinh, nên chuyện dạy học nơi đây vẫn còn muôn vàn khó khăn.
Cô Trần Thị Quế, giáo viên điểm trường buôn Papi, chia sẻ: “Nhiều học sinh đến giờ đi học không kịp ăn, ngồi học mà bụng cứ sôi ùng ục. Mình biết, mình thương nhưng ở giữa núi, giữa rừng biết mua thức ăn ở đâu. Ấy thế mà hễ có cái gì ngon học trò lại mang đến lớp mời thầy cô giáo cùng ăn. Cái nghĩa, cái tình dành cho mình nhiều lắm. Vì vậy, dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, nhưng chẳng giáo viên nào muốn xa bản, xa trường”.