(ĐTTCO) - Cái tên "Bệnh viện 09" có lẽ còn khá xa lạ với nhiều người. Đây có thể xem là một bệnh viện đặc biệt. Nơi đây có rất nhiều người đang từng ngày, từng giờ chống chọi với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Song, đau đớn, xót xa hơn có lẽ là những bệnh nhân có HIV đến chết vẫn cô độc vì bị người thân ruồng rẫy, bỏ rơi. Bên họ, những người khoác áo blouse trở thành chỗ dựa duy nhất, chăm sóc họ đến giây phút cuối cùng và cũng chỉ những người khoác áo blouse tiễn biệt họ về thế giới bên kia…
Một bệnh viện đặc biệt
Bệnh viện 09 nằm lặng lẽ bên con đường 70 đông đúc nhộn nhịp. Cánh cổng luôn rộng mở, nhưng không nhiều người ra vào. Bệnh viện là nơi chuyên điều trị cho những bệnh nhân "đặc biệt". Họ là những người nghiện ma túy, những bệnh nhân bị nhiễm HIV và những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối nên nguy cơ phơi nhiễm HIV cho các y, bác sĩ là rất lớn.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Hồi sức cấp cứu. |
Khu điều trị ở Khoa Hồi sức cấp cứu sạch sẽ và khá im ắng. Không giống các bệnh viên khác, phần lớn bệnh nhân ở đây đều chỉ có một mình. Một phần vì họ vẫn có thể tự phục vụ và không ít trường hợp không được người thân chăm sóc. Khi biết có nhà báo vào hỏi chuyện, một số bệnh nhân tỏ thái độ bất cần, lời lẽ rất khó nghe khiến nhiều người không khỏi ái ngại. Chân thành trò chuyện, tôi được nghe Nguyễn Thị T kể về cuộc đời mình. T năm nay 26 tuổi, đến từ xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). T biết mình nhiễm HIV từ năm 2014 do bị lây từ chồng. Ngày biết mình có H, em sốc nặng và hoang mang cực độ. Phải mất vài tháng mới tĩnh tâm trở lại. Trong những ngày ở Bệnh viện 09, T thường xuyên giúp đỡ những bệnh nhân nặng không tự phục vụ được bản thân và rất biết ơn những bác sĩ, điều dưỡng vì một điều "họ rất tốt". Phía buồng trong, bệnh nhân Bùi Huy K quê ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã chuyển sang AIDS giai đoạn cuối, không tự phục vụ được bản thân. Phía cuối giường K nằm là giá xích cùm chân dành cho người đang chấp hành án tù trong trại giam. Túc trực bên K là người mẹ già khắc khổ. Bà nói: Có lẽ nó có H vì dùng chung kim tiêm chích ma túy với bạn nghiện. Dù giận, dù trách, nhưng nó là con mình, vẫn không bỏ được nó trong lúc này.
Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Nguyễn Đình Tụy cho biết: Khoa Hồi sức Cấp cứu hiện có 15 bệnh nhân, nhiều người trong tình trạng bị bệnh nhiễm trùng cơ hội, bị các bệnh như nấm, lao… Số người bệnh có người thân chăm sóc như K không nhiều và đấy là may mắn của họ. Rất nhiều người đến Bệnh viên 09 trong tình cảnh chỉ có một bộ quần áo trên người, không tài sản, không người thân. Đến đây, họ mới có được cái ăn, có được chỗ nằm và được điều trị. Đáng thương là vậy, nhưng rất nhiều người đã bỏ rơi những bệnh nhân này trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời.
Điều dưỡng Nguyễn Thanh Thủy, Khoa Lao tâm sự: Những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối người lở loét, chỉ còn da bọc xương. Không có người thân bên cạnh chăm nom nên mọi việc từ tắm rửa, vệ sinh, thay áo quần, cho ăn, uống đều đến tay các điều dưỡng. Không ca thán, không đùn đẩy. Các bác sĩ, điều dưỡng đối xử với họ bằng tinh thần tương thân, tương ái, với trách nhiệm của người thầy thuốc!
Những cái chết thương tâm
Lúc đau yếu đã đành, đến lúc chết những bệnh nhân này cũng chẳng có ai ngoài bác sĩ, điều dưỡng. Điều dưỡng Nguyễn Đình Tụy tâm sự: Những bệnh nhân không có người thân, bệnh viện lo cho họ hậu sự và ký hợp đồng với đơn vị mai táng, chở họ đi hỏa thiêu. Thiêu xong, tro cốt lại gửi ở đài hóa thân, có trường hợp tro cốt của họ cũng không có người đến nhận. Sau một thời gian, bệnh viện đành đưa họ đến chôn cất ở một số nghĩa trang trên địa bàn thành phố.
Là người đã 11 năm xử lý người bệnh tử vong tại bệnh viện trước khi đưa đi hỏa thiêu, anh Phan Đại Tá, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn kể: Thời gian đầu vào làm việc, nhìn những xác bệnh nhân chỉ còn da bọc xương cũng bị ám ảnh. Rồi công việc cứ dần trôi, mọi việc trở thành quen và dường như đã chai sạn từ lâu. Anh kể: Nhiều người đau đến lúc chết, thèm được gặp người thân mà chẳng có ai, chết vẫn không nhắm được mắt. Nhà đại thể của bệnh viện chỉ có 2 bệ đặt tử thi, nhưng nhiều lúc có đến 3 người chết, không còn chỗ đặt, đành để họ trên cáng. Có trường hợp người nhà không còn nổi tiền để mua vòng hoa cho người thân, Phan Đại Tá lại móc tiền mua vòng hoa bởi anh nghĩ "Để họ lạnh lẽo thế, sao đành!". Chuyện khó quên trong nhiều năm qua là trường hợp gia đình có 4 người con trai, nhưng có đến 2 người chết tại Bệnh viện 09 vì HIV và chỉ mất cách nhau 3 tháng. Hai người còn lại thì một đang ở tù, một cũng đang nghiện ma túy vật vờ… Bà mẹ của 4 người con ấy đã đến khóc ở bệnh viện khiến không ai cầm được nước mắt. Trên đời này, còn nỗi khổ nào hơn nỗi khổ của người mẹ ấy?
Cái tâm của người làm nghề y
Công việc bộn bề và khó khăn, bệnh nhân đến với họ phần lớn đều là người nghèo, nghèo đến cạn kiệt từ tài sản đến tinh thần. Một điều dưỡng chia sẻ: Những bệnh nhân nặng thường có tâm lý không ổn định nên đôi khi họ cũng có hành động đe dọa bác sĩ, điều dưỡng… Nhưng đến nay tình trạng này đã được cải thiện nhiều. Không còn cảnh bệnh nhân dùng bơm kim tiêm để dọa hay đuổi đánh bác sĩ nữa. Song, trong những câu chuyện của những y, bác sĩ nơi đây vẫn đọng những nỗi buồn của họ. Cũng là ngành y, làm nghề cứu người, nhưng không phải ai cũng biết đến những bác sĩ đang công tác tại đây, thậm chí có người làm trong ngành Y nhưng cũng không biết Bệnh viện 09 là bệnh viện thế nào. Chưa kể, nhiều người vẫn ngại ngần khi tiếp xúc với những người đang làm việc trong Bệnh viện 09. Một điều gì đó như sự kỳ thị, phân biệt vẫn âm thầm diễn ra. Môi trường làm việc buồn nhiều hơn vui nên công tác nhân sự ở đây cũng gặp nhiều khó khăn.
Giám đốc Bệnh viện 09 Trần Quốc Tuấn cho biết: Bệnh viện là nơi quản lý, chăm sóc người bị nhiễm HIV, AIDS cư trú trên địa bàn TP Hà Nội bằng nguồn ngân sách nhà nước. Các bác sĩ làm việc rất vất vả, cơ sở vật chất rất thiếu thốn, chưa phù hợp với mô hình một bệnh viện đặc thù vì bệnh viện được cải tạo lại dựa trên cơ sở của một trung tâm cai nghiện. Bệnh nhân cũng thiệt đủ đường vì thiếu thốn tình cảm, chế độ dinh dưỡng không đầy đủ do không được người thân chăm sóc… Chính vì thế, việc thu hút bác sĩ về công tác tại bệnh viện cũng khó. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, bệnh viện vẫn duy trì thái độ thân thiện, gần gũi với bệnh nhân, lấy bệnh nhân là trung tâm phục vụ. "Chúng tôi chăm sóc người bệnh bằng cái tâm của người làm nghề y". Tôi như hiểu hơn câu chuyện của Điều dưỡng trưởng Khoa Lao Nguyễn Thanh Thủy khi chị nói: Người bệnh ở đây đến rồi lại đi; nhiều người coi đây như chốn đi, về của họ. Vì thế, bệnh nhân và các y, bác sĩ luôn cảm thấy gần gũi, thân tình với nhau…
Với nhiều người có H, chỉ sau một thời gian ngắn cuộc sống đã khép lại trong nỗi ân hận muộn màng. Chỉ những điều dưỡng, y, bác sĩ vẫn hằng ngày sống và làm những công việc lặng thầm nhưng không kém phần cực nhọc, thậm chí nguy hiểm. Chia sẻ với chúng tôi, những người thầy thuốc đặc biệt này chỉ có một mong muốn, cộng đồng hãy nhìn nhận đúng mực về những người có H và cùng chung tay, góp sức giúp cho cuộc sống của người bệnh bớt đi đau đớn cũng như tuyên truyền để nâng cao nhận thức phòng, tránh căn bệnh thế kỷ này.